Cuộc nội chiến ở Syria dường như đã có phần hạ nhiệt nhưng sự tức giận của người Israel thì không. Hai ngày cuối tuần qua, Israel lại liên tiếp tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Syria mà họ cáo buộc có liên hệ với Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn và thậm chí là cả căn cứ quân sự của chính Quân đội Chính phủ Syria.
Để hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định điều động Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton tới Jerusalem để làm việc với 2 người đồng cấp Nga và Israel, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2019. Cuộc gặp gỡ tay 3 này, theo như mô tả của Thủ tướng Benjamin Netanyahu là, "chưa từng có tiền lệ".
Căn nguyên của những hành động quyết đoán mà Israel thực hiện trong thời gian vừa qua một phần xuất phát từ chính việc Nga triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Syria. Israel càng tức giận hơn khi Nga bất ngờ tuyên bố sẽ sớm chuyển giao quyền điều khiển S-300 đầy đủ cho quân đội Syria.
Hệ thống phòng không S-300
Cho tới tận mùa Thu năm ngoái, Phòng không Syria cũng mới chỉ vận hành hỗn hợp các hệ thống tên lửa cũ kỹ do Liên Xô chế tạo như SA-2, SA-5, SA-6 hoặc một số tổ hợp có phần hiện đại hơn như SA-17 (Buk) và SA-22 (Pantsir).
Tuy nhiên, sau sự cố chiếc máy bay trinh sát Il-20 bị bắn hạ trên biển Địa Trung Hải vào tháng 9/2019, Nga đã triển khai tới Syria những hệ thống S-300 tiên tiến hơn, bộc lộ mối đe dọa tiềm ẩn với các máy bay chiến đấu của Tel Aviv, thậm chí từ ngay trên không phận Israel.
Trong giai đoạn các kỹ sư Syria được đào tạo vận hành S-300, người Nga giữ quyền điều khiển hoàn toàn, không một tên lửa nào được phép khai hỏa ngắm bắn máy bay chiến đấu Israel. Về phần mình, Israel cũng nhận thức được điều đó và trong các vụ tấn công Syria của mình, luôn chủ động tránh gây thương vong cho binh lính Nga.
Thế nhưng, mọi việc hoàn toàn có thể thay đổi khi Nga trao toàn quyền cho Syria vận hành và điều khiển S-300, điều mà Israel luôn tìm mọi cách để nó không diễn ra. Trong quan điểm của Israel, Syria "chưa đủ trình" để vận hành nó và do vậy rất dễ dẫn tới nguy cơ các máy bay, không chỉ quân sự mà cả dân sự của họ, "vô tình" bị bắn hạ.
Lập luận này của Israel không phải không có lý khi Syria đã từng gây ra tiền lệ xấu, không thể phân biệt nổi mục tiêu tấn công đến nỗi "bắn nhầm" máy bay trinh sát IL-20 khiến 15 người Nga trên khoang thiệt mạng.
Thế cho nên, nhiều quan chức Israel từng mạnh bạo tuyên bố, một khi người Nga chính thức chuyển giao quyền điều khiển cho người Syria, các tổ hợp tên lửa S-300 sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Israel.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 Nga tham gia diễn tập tại Astrakhan