Tên lửa Israel trút xuống lãnh thổ Syria
Không phải ngẫu nhiên mà liên tiếp trong 2 ngày cuối tuần (2-3/6), các máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công của Quân đội Israel (IDF) dồn dập nã tên lửa hủy diệt nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Syria.
Đầu tiên là vụ tấn công rạng sáng ngày 2/6 khi IDF phát đi thông báo chính thức, khẳng định đã tấn công một loạt mục tiêu của Quân đội Chính phủ Syria (SAA) trong các vụ không kích qua bên kia biên giới, khiến ít nhất 3 binh lính Syria thiệt mạng cùng 7 người khác bị thương.
"Máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công Israel đã phá hủy một số mục tiêu quân sự thuộc Quân đội Syria, trong đó có 2 tổ hợp phòng không, một số trạm quan sát và thu thập thông tin tình báo trên Cao nguyên Golan", IDF cho biết trong thông cáo báo chí mà rất hiếm khi lực lượng này tuyên bố một cách công khai như thế.
Chưa tới 24 giờ sau, Israel lại tiếp tục phóng một số tên lửa tấn công Căn cứ Không quân Tiyas (hay còn gọi là Căn cứ T-4) của SAA ở tỉnh Homs, khiến ít nhất 1 binh sĩ tử vong và 2 người khác bị thương. Theo hãng thông tấn Nhà nước Syria (SANA), các cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tại căn cứ T-4 cũng đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Israel vẫn luôn biện hộ rằng, các cuộc tấn công của mình là hành động cần thiết để kiềm chế sự hiện diện quân sự của Iran, cũng như của phong trào vũ trang Hezbollah, trên lãnh thổ Syria.
Thế nhưng, tại sao trong 2 cuộc tấn công cuối tuần này, Israel lại thẳng thừng tuyên bố hủy diệt cả các mục tiêu của Quân đội Syria không một chút chần chừ? Có nguyên nhân của nó và lần này, thật trớ trêu, tác nhân chính là nước Nga!
Tiêm kích F-35 Israel
Nga trở mặt, "đi đêm" với Mỹ - Israel?
Nên nhìn nhận vai trò của Moscow như thế nào trong diễn biến mới nhất liên quan tới các cuộc không kích của Israel lên lãnh thổ Syria?
Câu hỏi không quá khó để trả lời. Theo Asharq al-Awsat - tờ báo tiếng Ả Rập có trụ sở ở London thì Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và hai đối tác đồng cấp người Nga và Israel là Nikolai Patrushev và Meir Ben-Shabbat sẽ cùng gặp nhau tại Jerusalem để bàn thảo về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề Syria vào cuối tháng 6 tới đây.
Các nguồn tin ngoại giao phương Tây của Asharq al-Awsat cho biết, cuộc gặp 3 bên đã được dàn xếp theo thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và vấn đề ưu tiên được đặt lên hàng dầu là việc đảm bảo an ninh cho Israel và sự ủng hộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Do đó, mục tiêu trọng tâm của cuộc gặp gỡ 3 bên đương nhiên là phải kiểm soát sự hiện diện của Iran tại Syria. Cách thức như thế nào thì Mỹ và Israel sẽ đề xuất nhưng đổi lại hai nước này rất có khả năng sẽ "nhượng bộ" Nga qua việc thừa nhận vai trò lãnh đạo hợp pháp của Tổng thống Syria Bashar Assad.
"Ba bên sẽ thảo luận về một lộ trình để Mỹ và các quốc gia đồng minh đề xuất sáng kiến cho Moscow ở Syria, chẳng hạn như vấn đề tái thiết, quyền lãnh đạo hợp pháp của Tổng thống Assad, gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Đổi lại, Nga phải cam kết thực thi những biện pháp cụ thể để kiềm chế vai trò cũng như hoạt động chính trị của Tehran tại Syria", Asharq al-Awsat viết.
Đây sẽ là cuộc thương thuyết 3 bên chưa từng có tiền lệ và được đánh giá là có vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai của Syria. Moscow là đồng minh thân cận với cả Tehran và Damascus nhưng Tel Aviv và Washington lại là những đối thủ không đội trời chung của cả hai nước. Do vậy, trong cuộc chơi này Nga sẽ đóng vai trò nòng cốt.
Một quan chức cấp cao Mỹ từng tiết lộ rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng trong những tháng vừa qua đã nhiều lần chuyển thông điệp này tới Moscow.
Yêu cầu cơ bản mà Mỹ đưa ra vẫn là Nga hãy gây sức ép để rút các lực lượng quân sự Iran ra khỏi lãnh thổ Syria. Đây không chỉ là yêu cầu từ phía Israel mà còn từ cả phía Mỹ.
Như vậy, trên bàn cờ Syria, Nga đang đứng trước những toan tính mới phục vụ lợi ích quốc gia của họ. Iran và Syria, Israel và Mỹ, cán cân nghiêng về bên nào giờ đây tùy thuộc vào giá trị lợi ích của mỗi cặp đôi trong con mắt của Moscow.
Israel tấn công Syria sáng ngày 02/06/2019.