76 tiêm kích Su-57 Nga đủ sức "dằn mặt" 600 máy bay F-22 và F-35 Mỹ?

Bảo Lam |

Nhiệm vụ của các máy bay Su-57 sắp tới là chúng sẽ khiến mọi kẻ xâm lược nước Nga phải chịu thiệt hại không thể chịu đựng nổi và đẩy cuộc xung đột tiềm tàng lên mức độ toàn cầu.

Lực lượng không quân Nga sẽ có một sự bổ sung mang tính bước ngoặt: Máy bay tiêm kích Su-57 vốn được đặt nhiều kỳ vọng, và trong vòng nhiều năm chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế, cuối cùng sẽ được mua với số lượng lớn.

Điều này sẽ tác động thế nào tới kịch bản của cuộc xung đột tiềm ẩn giữa Nga và NATO và liệu nó có khiến cho ngân sách quân sự của Nga bị "đứt gánh" hay không?

Sự so sánh mang tính hình thức về số lượng các tiêm kích thế hệ thứ 5 từng được nhắc tới không ít lần nhưng cho tới nay nó vẫn mang tới ấn tượng với ý nghĩa hai mặt.

Một mặt, khi nghiên cứu chế tạo chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 một cách đúng nghĩa, Su-57 Nga đã có thể khỏa lấp một phần nào sự tụt hậu của mình so với Mỹ. Lầu Năm Góc từ giữa thập niên 2000 đã biên chế gần 200 chiếc tiêm kích F-22, được coi là đại diện của thế hệ thứ 5 này.

Mặt khác, cho tới nay số lượng Su-57 vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi Mỹ và các đồng minh của mình đã khởi động chương trình tiêm kích tiếp theo, mà trong khuôn khổ của nó, thêm 400 chiếc tiêm kích tối tân F-35 đã được bổ sung vào dàn máy bay F-22 hiện có.

Câu trả lời duy nhất của Nga trước tất cả những sản phẩm công nghệ mới này đó là các máy bay tiêm kích thế hệ 4+ và 4++, những cổ máy chỉ có thể khỏa lấp một phần tương quan lực lượng trong cuộc đối đầu với các nước NATO.

Những máy bay thuộc 2 thế hệ trên đó là Su-35 (4++), Su-30 (4+) và Su-34 (tiêm kích - bom thế hệ 4++). Tất cả những cỗ máy này đều được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng chiếc máy bay gặt hái rất nhiều thành công Su-27.

Tất nhiên, việc phân chia những máy bay thành "các thế hệ" phần nhiều mang ý nghĩa hình thức. Sự khác biệt trong những tính năng chiến đấu giữa các máy bay thuộc những thế hệ 4, 4+, 4++ hoặc 5 ít hơn nhiều so với sự khác biệt giữa lực lượng không quân tiêm kích thế hệ thứ nhất và thứ hai hoặc giữa thứ hai và thứ ba.

Nhưng kể cả trong bối cảnh này, nhận định về sự tụt hậu mang ý nghĩa chiến lược của lực lượng không quân chiến lược Nga so với Mỹ và các nước NATO là hoàn toàn có căn cứ.

76 tiêm kích Su-57 Nga đủ sức dằn mặt 600 máy bay F-22 và F-35 Mỹ? - Ảnh 1.

Máy bay Su-57 của Nga sẽ trở nên lợi hại hơn nếu được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal

Học thuyết phòng thủ quốc gia

Tóm lại, khi tiến hành phân tích những khả năng của lực lượng không quân Nga và không quân NATO, từ "tương quan" cần phải được đánh giá không chỉ đơn giản dưới dạng liệt kê về hình thức "hàng nghìn máy bay tiêm kích của các nước NATO" so với "vài trăm chiếc của Nga".

Trong khuôn khổ học thuyết quân sự đương đại của Nga, nhiệm vụ đặt ra trước lực lượng không quân không phải là bảo đảm sự hiện diện quân sự trên bình diện toàn cầu. Học thuyết quân sự của Nga trước tiên mang ý nghĩa phòng vệ, và có ngụ ý gây thiệt hại không thể chấp nhận được cho mọi kẻ xâm lược.

Cuối cùng, không có bất cứ kế hoạch nào của Nga nhằm mục đích "hành quân qua eo La-Manche", thứ khác hẳn so với Liên Xô, còn mọi kết luận khác về đề tài này đều là sự lợi dụng rẻ tiền không hơn không kém. Từ đó, sẽ đặt ra một chỉ tiêu đánh giá đơn giản liên quan tới việc chương trình mua sắm 76 chiếc tiêm kích Su-57 có "cần thiết và đủ hay không".

Như đã đề cập ở trên, không có sự tham gia của Su-57, cuộc đối đầu với kẻ địch tiềm tàng như khối NATO, theo thời gian, sẽ trở nên ngày càng nguy hiểm hơn đối với Nga. Nếu như số lượng hiện nay và sắp tới của các máy bay tiêm kích thế hệ trước sẽ được bổ sung thêm một vài trung đoàn Su-57, thì điều đó sẽ tạo nên một bức tranh hoàn toàn khác về cuộc đối đầu này.

Trong kịch bản này, để tiêu diệt hoặc ít ra làm suy yếu đáng kể lực lượng không quân Nga, mọi kẻ địch phải tập trung "cú đấm không quân" vượt trội so với sức mạnh của Nga để chống lại nước này. Kể cả đối với các nước NATO, điều này có nghĩa rằng trong bối cảnh đó, sẽ cần phải tập trung gần như toàn bộ lực lượng hiện có của mình để chống lại Nga.

Bởi vì trong trường hợp ngược lại, với sự tham gia của Su-57, thêm cả các máy bay cảnh báo sớm, các radar mặt đất, những máy bay do thám, hạm đội tiếp nhiên liệu, mạng lưới các sân bay dã chiến và hệ thống phòng không của Nga và các máy bay tiêm kích thế hệ cũ, thì tỷ số sẽ là hoà, hoặc phần thua sẽ thuộc về không quân NATO.

Nhưng việc tập trung toàn bộ lực lượng theo kiểu này chỉ để chống lại Nga, thì ngay lập tức sẽ chuyển cuộc xung đột tiềm tàng sang một mức độ hoàn toàn khác.

Mức độ, khi mà việc sử dụng các lực lượng hạt nhân chiến lược (điều đã được nhắc tới trong Học thuyết quân sự Nga) sẽ trở thành không chỉ là câu trả lời có khả năng được đưa ra và được phép áp dụng mà còn có xác suất xảy ra rất lớn.

Như vậy, nhiệm vụ của các máy bay Su-57 sắp tới – đó là khiến mọi kẻ xâm lược phải chịu thiệt hại không thể chấp nhận được và đẩy cuộc xung đột tiềm tàng lên mức độ toàn cầu. Nhiệm vụ này hoàn toàn có thể thực hiện được trong bối cảnh tương quan lực lượng hiện nay là "76 Su-57 đối đầu với 600 F-22 và F-35".

76 tiêm kích Su-57 Nga đủ sức dằn mặt 600 máy bay F-22 và F-35 Mỹ? - Ảnh 2.

Su-57 với động cơ cũ AL-41F1S

Bài toán kinh tế

Tốc độ sản xuất được dự kiến của Su-57 có vẻ khá thực tế. Về bản chất, điều đó có nghĩa rằng bắt đầu từ năm 2020, các đơn vị định kỳ hàng năm sẽ tiếp nhận 8-9 chiếc Su-57. Và điều này không thể gọi là "những cỗ máy tính trên đầu ngón tay" như kế hoạch ban đầu của chương trình – 16 chiếc trong vòng 10 năm.

Giá trị hợp đồng được nêu ra trông có vẻ cũng không phải là vấn đề với ngân sách quân sự của Nga. Số tiền từ 160 đến 170 tỷ rúp để phục vụ sản xuất 76 cỗ máy cũng khá khiêm tốn, nếu phân đều gần như cho một giai đoạn kéo dài xấp xỉ 10 năm.

Cần phải nhắc tới việc các máy bay thế hệ trước cũng sẽ bị đưa khỏi biên chế. Lấy ví dụ, từ năm 2020 dự kiến sẽ đưa ra khỏi biên chế tất cả các máy bay tiêm kích-ném bom Su-24 – một áp lực không tránh khỏi đối với những máy bay còn lại trong biên chế.

Yếu tố thứ hai - đó là những yêu cầu ban đầu đối với các máy bay tiêm kích Su-57 lô đầu tiên, được sản xuất dưới dạng hàng loạt nhưng chỉ trang bị động cơ của thế hệ trước (4++).

Động cơ giai đoạn hai, hay còn được gọi là "sản phẩm 30" và giúp Su-57 đạt được vận tốc hành tiến siêu thanh, sẽ sẵn sàng vào năm 2023. Sau đó sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất hàng loạt các máy bay Su-57 với động cơ mới, còn các máy bay tiêm kích được sản xuất đời đầu, nhiều khả năng, sẽ được nâng cấp theo kế hoạch.

Như vậy, chương trình mua sắm quy mô lớn các máy bay Su-57 là bước tiến thống nhất về một hướng đi cần thiết, giúp đưa các lực lượng không quân Nga lên một tầm cao mới về chất lượng.

Máy bay Su-57 với động cơ "Sản phẩm số 30" trong chuyến bay thử đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại