Tối hậu thư "Gấu Nga" gửi tới Mỹ và NATO: Nếu muốn gây chiến hãy nhớ tới 76 máy bay Su-57!

Tiến Minh |

Chương trình mua sắm quy mô lớn máy bay thế hệ 5 Su-57 của Quân đội Nga hứa hẹn sẽ làm thay đổi cán cân, ít nhất là trên lĩnh vực không quân giữa Nga với NATO trong tương lai.

Không quân Nga đang thực hiện một cuộc "lột xác", thay đổi cán cân quân sự với NATO?

Hôm 15/5, sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo một hợp đồng sẽ được ký kết trong tương lai gần, theo đó không quân Nga sẽ được trang bị 76 máy bay chiến đấu Su-57 cho tới trước năm 2028.

Đây là tin vui với lực lượng không quân vũ trụ Nga sau nhiều năm chờ đợi. Cuối cùng siêu tiêm kích Su-57, niềm tự hào của nước Nga đã được đặt mua với số lượng lớn, trong điều kiện ngân sách quốc phòng của nước này ngày càng bị cắt giảm.

Câu hỏi đặt ra đó là: việc Nga đặt mua một số lượng lớn máy bay thế hệ 5 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cán cân quân sự giữa Nga và NATO?

Tối hậu thư Gấu Nga gửi tới Mỹ và NATO: Nếu muốn gây chiến hãy nhớ tới 76 máy bay Su-57! - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình thế hệ 5 Su-57 của Nga.

Việc so sánh lực lượng về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm giữa Nga và NATO là cơ sở để đánh giá ưu thế của mỗi bên khi có xung đột quân sự giữa Nga và NATO (nếu xảy ra).

Việc Nga phát triển thành công mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 được coi là bước "nhảy vọt về chất" của lực lượng không quân và nền công nghiệp quốc phòng Nga.

Từ 20 năm trước, Mỹ đã được trang bị khoảng gần 200 chiếc tiêm kích thế hệ 5 F-22, Su-57 đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trang bị giữa không quân Nga và Mỹ.

Cho tới hiện tại, Nga chỉ có duy nhất một dòng máy bay thế hệ 5 là Su-57, trong khi đó Mỹ và các đồng minh NATO đã trang bị F-35, máy bay thế hệ 5 tiếp theo với số lượng trang bị đến thời điểm hiện tại đã là 400 với nhiều biến thể.

Tối hậu thư Gấu Nga gửi tới Mỹ và NATO: Nếu muốn gây chiến hãy nhớ tới 76 máy bay Su-57! - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ và NATO.

Để cân bằng sức mạnh với số lượng máy bay thế hệ 5 của NATO nhiều gấp gần 10 lần và trong điều kiện ngân sách quốc phòng eo hẹp, chiến lược của Nga là tiếp tục phát triển, sản xuất và nâng cấp các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4+ và 4++ để bù đắp sự thiếu hụt về số lượng.

Có thể kể đến Su-35 (thế hệ 4 ++), Su-30 (thế hệ 4+) và Su-34 (máy bay ném bom chiến đấu, thế hệ 4 ++). Toàn bộ máy bay này đều được phát triển từ máy bay chiến đấu Su-27 đã cực kỳ thành công.

Nhưng việc lấy máy bay thế hệ 4 bù đắp cho sự thiếu hụt máy bay thế hệ 5 là một cách làm miễn cưỡng.

Khoảng cách giữa máy bay thế hệ 4 và 5 quá lớn nếu so sánh giữa các thế hệ trước đó. Vì vậy việc bổ sung về lượng máy bay thế hệ 4 cũng không thể bù lại về chất với Mỹ và NATO khi máy bay thế hệ 5 trở nên vượt trội.

F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng trên các Khu trục hạm trực thăng.

Su-57 được Nga trang bị để răn đe "tấn công hạt nhân" toàn cầu?

Theo Học thuyết phòng thủ của Nga thì việc không sở hữu nhiều máy bay chiến đấu nói chung và máy bay thế hệ 5 nói riêng cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến cán cân quân sự của Nga với NATO.

Theo học thuyết, không quân Nga không đặt ra nhiệm vụ hiện diện quân sự trên toàn cầu mà chủ yếu là tập trung cho nhiệm vụ phòng thủ, bảo đảm an ninh cho không phận của Nga.

Tối hậu thư Gấu Nga gửi tới Mỹ và NATO: Nếu muốn gây chiến hãy nhớ tới 76 máy bay Su-57! - Ảnh 4.

Hiện tại Su-57 được trang bị vẫn theo học thuyết phòng thủ của Nga.

Dư luận Nga đặt ra câu hỏi, có cần thiết phải mua đến 76 chiếc Su-57 hay không? Lý do được đưa ra là kịch bản một cuộc chiến tranh tổng lực với NATO trên lãnh thổ Nga là điều khó có thể xảy ra vì Nga có vũ khí hạt nhân.

Trong trường hợp bị tấn công, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và với số lượng đầu đạn hạt nhân khổng lồ, chẳng đối phương nào dám chọc giận "Gấu Nga".

Nhưng trong bối cảnh NATO đang tiếp tục mở rộng về phía đông, đe dọa trực tiếp an ninh của Nga thì tình huống một cuộc xung đột cục bộ với việc Mỹ và NATO chiếm hoàn toàn ưu thế trên không là điều "không dễ chịu" đối với Nga.

Khi được bổ sung 76 Su-57, Không quân Nga sẽ có trong tay máy bay thế hệ 5, máy bay thế hệ 4+ cùng các hệ thống radar mặt đất, máy bay trinh sát, máy bay tiếp dầu, mạng lưới sân bay cùng với hệ thống phòng không nhiều lớp.

Tất cả các yếu tố nói trên kết hợp lại sẽ tạo thành một cán cân quân sự hoàn toàn khác giữa không quân Nga đối với Mỹ và NATO.

Đương nhiên nếu Nga sử dụng Su-57 trong tương lai để tham gia vào một cuộc xung đột toàn cầu với các vũ khí thông thường thì 76 Su-57 sẽ không thể so sánh với 600 chiếc F-22 và F-35 và hiển nhiên là không quân Nga sẽ bị đánh bại.

Tối hậu thư Gấu Nga gửi tới Mỹ và NATO: Nếu muốn gây chiến hãy nhớ tới 76 máy bay Su-57! - Ảnh 6.

Su-57 hoàn toàn thua kém về số lượng nếu cuộc "quyết chiến" toàn cầu diễn ra giữa Nga và NATO, tuy nhiên nếu là một cuộc xung đột cục bộ sát biên giới Nga thì lại là vấn đề khác.

Liệu NATO có lo ngại khi Su-57 sẽ được đưa tới "chiến tuyến"?

Hợp đồng mua 76 Su-57 bắt đầu giao hàng từ 2020 và kết thúc trước năm 2028. Như vậy mỗi năm không quân Nga sẽ nhận được từ 8 đến 9 chiếc Su-57.

Với số lượng máy bay như vậy thì việc biên chế số Su-57 về các đơn vị tuyến đầu sẽ không nhanh và không thể thay đổi đột ngột cán cân quân sự giữa hai bên.

Một vấn đề quan trọng khác đó là nhiều loại máy bay Nga cũng đã hết niên hạn sử dụng.

Từ năm 2020, không quân Nga đã lên kế hoạch loại biên tất cả các máy bay cường kích Su-24. Việc loại biên này chắc chắn sẽ tăng áp lực nhiệm vụ cho số máy bay chiến đấu còn lại.

Một vấn đề không kém phần quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả Su-57 đó là trình độ của phi công. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong việc phát huy ưu thế của máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Phi công Mỹ đã có gần 40 năm kinh nghiệm với máy bay tàng hình, nhưng với phi công Nga đây là "lần đầu tiên".

Và yếu tố then chốt nhất để NATO chưa phải lo lắng về sự "đột ngột" thay đổi cán cân quân sự đó là động cơ của Su-57 vẫn chưa được hoàn thiện. Số máy bay được Nga đưa vào trang bị trước năm 2023 sẽ chỉ trang bị động cơ của máy bay thế hệ 4 ++.

Động cơ thực sự đạt chuẩn thế hệ 5 của Su-57 có tên "Sản phẩm 30" vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện.

Mốc 2023 được đặt ra để Su-57 bay bằng động cơ thế hệ 5 và những chiếc Su-57 sản xuất trước đó cũng sẽ được nâng cấp động cơ và khi đó Su-57 mới có đủ sức mạnh.

Hiện tại Su-57 sử dụng động cơ của máy bay thế hệ 4 nên tính năng kỹ chiến thuật của nó chỉ nhỉnh hơn một chút nếu so với Su-35.

Dù còn những ý kiến trái chiều, nhưng chương trình mua sắm quy mô lớn máy bay thế hệ 5 Su-57 của quân đội Nga hứa hẹn sẽ làm thay đổi cán cân, ít nhất là về không quân giữa Nga đối với NATO trong tương lai.

Đây là bước đi đúng hướng khi người Nga đang từng bước khẳng định vị trí kế thừa Liên Xô. Ngày nay vị thế này thực sự đã trở nên quan trọng khi thế giới đã thay đổi theo chiều hướng đa cực và các cuộc đối đầu trở nên ngày càng phức tạp hơn.

Su-57 của Nga trình diễn bay ở độ cao thấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại