Thay đổi cục diện Trung Đông?
Quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cướp đi đòn bẩy chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông, có thể dọn đường cho sự trở lại của các nhóm khủng bố cực đoan và thúc đẩy Nga mở rộng quyền lực, theo Tribune News Service.
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại, các cựu quan chức và nhà ngoại giao đã coi quyết định này là một sai lầm, một phần là do mục tiêu đánh bại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS - lý do đã nêu của ông Trump về việc rút quân - vẫn chưa hoàn thành.
"Điều đó giống như việc ta bước ra từ một đám cháy rừng mà lửa vẫn còn âm ỉ dưới chân", đô đốc Mỹ nghỉ hưu James Stavridis, một cựu chỉ huy NATO so sánh.
Đối với nhiều người, việc rút quân cũng đại diện cho việc Mỹ nhường lại sự thống trị truyền thống của mình ở Trung Đông. Trong đó, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều tháng đàm phán về tương lai chính trị của Syria, còn Mỹ lại luôn đứng ngoài rìa.
Việc rút quân đã mang lại chiến thắng cho hai đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của Mỹ là Iran và Nga, những thế lực đang từng bước giành lại các phần lãnh thổ và phát triển ảnh hưởng trong sự hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nếu Iran tiến vào lấp đầy khoảng trống mà người Mỹ để lại, quốc gia này sẽ tìm được đường ra biển. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có thể lấy thêm chỗ đứng mà ông đang xây dựng ở Trung Đông.
Đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu không thoải mái với sự hỗ trợ của Mỹ cho các chiến binh người Kurd ở Syria sẽ cảm thấy được xoa dịu. Nhưng những người Kurd đã có nhiều năm huấn luyện và chiến đấu bên cạnh các lực lượng đặc biệt của Mỹ, sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông sông Euphrates.
Họ sẽ bị dồn vào đường cùng và chỉ có cách chạy trốn hoặc tìm đến thỏa thuận với chính quyền Assad.
Washington để lại các đòn bẩy ở Syria, điều này sẽ làm suy yếu các cuộc đàm phán và các vấn đề khác mà Mỹ muốn giải quyết ở Trung Đông - đứng đầu trong số đó là Iran.
Charles Lister, một thành viên cao cấp tại viện Trung Đông, một nhóm chuyên gia nghiên cứu về Syria nói rằng, bàn tay sức mạnh của Mỹ trên bàn đàm phán và trong bất kỳ chiến lược ngăn chặn khu vực nào đã bị giảm bớt.
Trong khi đó, Moscow đặc biệt được hưởng lợi trước động thái này. Các quốc gia ở Trung Đông, bao gồm cả Israel, đang ngày càng ngả dần sang Nga.
Trước đây, Mỹ là đối tác của họ trong viện trợ, vũ khí và thương mại. Nhưng chính quyền Trump đã nhiều lần bị chỉ trích là không nhất quán và việc rút quân khỏi Syria chỉ là ví dụ mới nhất.
"Đây là điều cơ bản làm giảm uy tín của Mỹ", Ilan Goldenberg, người đứng đầu chương trình Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho hay.
Goldenberg chỉ ra chính sách mà ông gọi là "chính sách Trung Đông kiểu yo-yo" của Washington: Rút quân rồi sau đó chờ đến khi thảm họa xảy ra thì lại đưa quân trở lại.
Chẳng hạn, Tổng thống Barack Obama đã rút hầu hết các lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq, rồi sau đó phát sinh ra IS - đòi hỏi phải có sự hiện diện của Mỹ.
Có những lãnh thổ ở Syria mà Nga và Iran không có quyền kiểm soát, Goldenberg lưu ý, sẽ trở thành vùng đất màu mỡ cho các nhóm cực đoan như IS phát triển trở lại.
"Trong 20 năm qua, chính sách của chúng ta ở Trung Đông không khác gì một cái yo-yo", chyên gia Goldenberg nói. "Chúng ta tuyên bố sẽ rời đi rồi quay lại quá nhiều. Điều đó không tốt và khiến nước Mỹ dễ tổn thương".
Trong danh sách những người chiến thắng, đô đốc Stavridis bổ sung thêm Tổng thống Assad, nhân vật đang có cơ hội để làm nhiều thứ hơn bao giờ hết. Hiện tại, Washington đã không thể đóng một vai trò quyết định nào trong thỏa thuận chính trị về tương lai ở Syria để buộc ông Assad ra khỏi quyền lực.
Vì sao Mỹ có quyết định gây "bão"?
Đã có suy đoán rằng, quyết định của ôngTrump bị ảnh hưởng bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi giận vì sự ủng hộ của Mỹ đối với các chiến binh người Kurd trong khu vực, lực lượng mà nước này cáo buộc là mối đe dọa.
Chính quyền Erdogan gần đây đã tuyên bố khởi động một cuộc tấn công quy mô lớn chống lại người Kurd ở phía Đông sông Euphrates, nơi có khả năng gây nguy hiểm cho quân đội Mỹ.
Can Acun, một nhà nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội có trụ sở tại Ankara cho biết, "ngày nào Mỹ vẫn ở còn miền Bắc Syria, thì ngày đó họ vẫn có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ".
Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Trump đã nói chuyện nhiều lần trong những ngày gần đây, bao gồm một cuộc gọi điện đàm vào tuần trước và cuộc gặp mặt trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, Argentina đầu tháng này.
Các báo cáo liên tục trên báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã ám chỉ một số thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo.
Martin Martin Indyk, cựu đại sứ Mỹ tại Israel cho biết, ông Trump đã rút khỏi Syria dưới sự đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ, nhường lại một phần ba sự ảnh hưởng ở Syria.
"Những ngày thống trị của người Mỹ ở Trung Đông đã qua. Tất cả đã dành cho Putin, Erdogan (và Khameini)", ông viết, đề cập đến Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Iran.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Trump nói rằng vẫn tham gia vào Trung Đông, chủ yếu trong mối quan hệ rất chặt chẽ với Israel.
Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn tạo ra thỏa thuận tối cao, một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Nhưng hai năm vừa qua, bất chấp sự có mặt của con rể ông trong vai trò cố vấn, đã không có thỏa thuận nào được thực hiện.
Thiếu tướng Israel đã nghỉ hưu Yaakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Thủ tướng Netanyahu tỏ ra ít lạc quan hơn.
Ông Amidror mô tả các hành động của Mỹ chống lại Iran ở Syria - mối quan tâm chính của Israel - là không đáng kể, trong khi việc rút quân khỏi căn cứ al-Tanf, một vị trí quan trọng trong trục Iran-Iraq-Syria, có thể là thảm họa.
Sự ảnh hưởng đến từ quyết định của Mỹ chủ yếu là về tâm lý và ngoại giao: Với việc rút quân này, Mỹ đã từ bỏ Syria và để Israel lại một mình, ông nói.