Khi căng thẳng ở Vịnh Ba Tư gia tăng trong vài tuần qua, hoạt động của các thế lực quốc tế trong khu vực cũng tăng cường.
Đáng chú ý nhất trong đó là sáng kiến thành lập liên minh hải quân chung giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho các tuyến vận tải và thương mại qua eo biển Hormuz - và đặc biệt là để ngăn chặn bất kỳ hành động tiềm năng nào của Iran tại đây.
Trong khi đó, về phần mình, Nga đã tăng cường các hoạt động ngoại giao và các hoạt động liên quan khác để tránh bị loại ra khỏi cuộc chơi khu vực, theo LobeLog.
Ở cấp độ ngoại giao, Nga đã đưa ra một số đề xuất liên quan đến các thỏa thuận an ninh tập thể tiềm năng ở Vịnh Ba Tư, với sự tham gia của tất cả các quốc gia trong khu vực, đi kèm với sự giám sát của năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, Nga đã đề xuất một khuôn khổ an ninh cho khu vực dựa trên nòng cốt là Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE). Hơn nữa, Nga đã khéo léo quảng bá bản thân mình như một trung gian giữa Iran và các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập.
Một số trang tin Ả Rập gần đây cũng thừa nhận rằng: Tổng thống Vladimir Putin sẽ là người trung gian lý tưởng giữa Iran và các nước láng giềng Ả Rập trong tương lai sóng gió tại đây.
Iran là cửa ngõ của Nga đến Vịnh Ba Tư?
Các hoạt động ngoại giao của Nga ở Vịnh Ba Tư cho đến nay vẫn được tăng cường mỗi ngày, trong đó nổi bật nhất là đề xuất về an ninh tập thể.
Song song với ngoại giao, Moscow đã áp dụng các biện pháp cụ thể hơn để đặt mình vào trong cuộc chơi ở Vịnh Ba Tư, xây dựng vị thế quan trọng trong khu vực và đóng vai trò lớn trong các quyết định tương lai liên quan đến an ninh khu vực, cùng với các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu.
Trong bối cảnh này, Iran là một phần quan trọng của chiến lược gây dựng ảnh hưởng hơn nữa của Nga ở Vịnh Ba Tư. Không chỉ có quan hệ gần gũi, việc có một đối tác như Iran luôn là điều có lợi đối với Nga.
Trong cuộc chiến ở Syria, Iran đã chứng minh sự hữu ích đối với Moscow khi cùng chung chiến tuyến ủng hộ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, và ít nhất Tehran từng cho phép máy bay Nga sử dụng căn cứ không quân cho các hoạt động ở Syria.
Sau chuyến đi tới Moscow khoảng hai tuần trước của chỉ huy của hải quân Iran Daryadar Hossien Khanzadi, truyền thông Iran thông báo rằng Tehran và Moscow đã ký một thỏa thuận quân sự bí mật mà chi tiết về nó vẫn chưa được tiết lộ.
Bất kể thỏa thuận đó sẽ mang đến điều gì, chuyến đi của Khanzadi tới Moscow đã có một kết quả cụ thể khiến phương Tây ngỡ ngàng. Theo đó, Iran và Nga đã thống nhất sẽ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung ở Vịnh Ba Tư vào cuối năm nay.
Chính sách thù địch của Mỹ với Iran đang mở ra cơ hội cho Nga.
Nhưng điều này không phải là tất cả. Trong một bài viết trên Oil Price.com, cây bút Simon Watkins tiết lộ rằng, Iran đã đồng ý cho phép Nga sử dụng làm căn cứ tại các cảng Bandar Bushehr và Chabahar.
Ông cũng tuyên bố rằng Moscow có ý định đặt những vũ khí tiên tiến nhất tại các cảng này. Một số nguồn tin khác tuyên bố rằng, Moscow muốn thiết lập một căn cứ tàu ngầm ở Chabahar của Iran.
Nếu những thông tin trên được chứng minh là đúng, điều đó có nghĩa là Tổng thống Vladimir Putin cuối cùng đã thực hiện được giấc mơ của Peter Đại đế là mang ảnh hưởng đến vùng nước ấm ở Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, một số quan điểm tỏ ra hoài nghi về việc Iran sẵn sàng trao quyền căn cứ vĩnh viễn cho Nga. Đầu tiên, hiến pháp của Iran không cho phép một hành động như vậy.
Thứ hai, Iran luôn tự hào là một quốc gia độc lập với tất cả các cường quốc. Cho phép sự hiện diện của Nga tại các cảng của mình sẽ làm giảm danh tiếng của Tehran như là một quốc gia tự lực.
Tuy nhiên, khả năng Iran ưu ái cho Nga mở rộng sự hiện diện ở Vịnh Ba Tư cũng không hẳn là không xảy ra. Iran đang quay cuồng dưới gánh nặng của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt và cảm thấy lo sợ về một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Mỹ.
Do đó, Tehran có thể quyết định tạm gác mọi thứ sang một bên và sử dụng sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Nga như một sự răn đe chống lại Mỹ.
Cũng tương tự như ở Syria, Iran thấy sức mạnh quân sự của Nga đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn Mỹ tiến hành một chiến dịch quân sự toàn diện chống lại Tổng thống Bashar al -Assad.
Tình hình ở Vịnh Ba Tư khá khác biệt và không có khả năng Nga sẽ sẵn sàng đến bảo vệ Iran nếu có cuộc đối đầu với Mỹ. Mặc dù vậy, sự hiện diện của hải quân Nga rõ rệt hơn trong khu vực có thể thay đổi phần nào các tính toán của Mỹ về những rủi ro tiềm tàng khi chiến tranh với Iran.
Khai thác sự thù địch của Mỹ đối với Iran
Bất kể việc Nga có ý định gây dựng quyền lực lâu dài của mình đối với Vịnh Ba Tư hay không, rõ ràng chính sách thù địch quá mức của Mỹ đối với Iran đã mở ra cơ hội cho Moscow tăng cường ảnh hưởng tại đây.
Cùng với đó, trong khi Washington ngày càng trở nên căng thẳng với Tehran, trong vài năm qua, Moscow đã không ngừng mở rộng và cải thiện mối quan hệ với Iran và các quốc gia Ả Rập khác trong vùng Vịnh.
Do đó, sẽ không phải là quá xa vời khi người ta tin rằng, Tổng thống Putin một ngày nào đó có thể trở thành hòa giải viên lớn nhất ở vùng Vịnh.
Hiện tại vẫn chưa phải quá muộn để Mỹ và Châu Âu ngăn chặn việc hiện thực hóa một kịch bản như vậy.
Thông qua cách tiếp cận làm dịu căng thẳng với Iran; trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015; nới lỏng và cuối cùng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt; khuyến khích hòa giải xung đột Ả Rập-Iran, sẽ giúp Mỹ giảm đáng kể nguy cơ chiến tranh và do đó làm giảm khả năng mở rộng sự hiện diện khu vực của Nga.
Quan trọng hơn, bằng cách theo đuổi một chính sách như vậy, Mỹ sẽ giữ được vị trí là trọng tài duy nhất của các vấn đề vùng Vịnh.