Rốt cuộc Iran là người chiến thắng hay kẻ thất bại trong xung đột ở Karabakh?

QS |

Có những nhà phân tích cho rằng, chiến thắng của Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ chính là sự thất bại của Iran.

Azerbaijan và Thổ thắng = Iran thất bại?

Bề ngoài, cuộc chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan, [trong đó Baku nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, và được cung cấp các loại vũ khí hiện đại từ Israel], đã đi đến hồi kết hôm 10/11.

Đó là khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố ông chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, trong đó Armenia có sự nhượng bộ rất lớn về mặt lãnh thổ.

"Liệu lệnh ngừng bắn này có được duy trì? và liệu chính phủ của Thủ tướng Pashinyan có tồn tại được nữa hay không?" vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã sụp đổ trong 2 tháng qua.

Có những nhà phân tích tranh luận rằng, một trong những kẻ thua cuộc ở trận chiến này là Iran. Do Azerbaijan là đồng minh của Israel nên chiến thắng của Baku sẽ được xem như một thất bại của Iran – vốn xưa nay rất thân cận với Armenia. Trước đó, Tel Aviv được cho là đã sử dụng Baku như một căn cứ để do thám và tiến hành các chiến dịch chống lại Iran.

Rốt cuộc Iran là người chiến thắng hay kẻ thất bại trong xung đột ở Karabakh? - Ảnh 1.

Người dân ở Azerbaijan ăn mừng chiến thắng sau thỏa thuận ngừng bắn ngày 10/11. Ảnh: Daily Sabah

Bên cạnh đó, một số người cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là kẻ địch của nhau, do đó chiến thắng của Ankara trong xung đột tại Nagorno-Karabakh chính là thất bại của Tehran.

Ngoài ra, một trong những điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mới thiết lập là "xây dựng các hệ thống giao thông liên lạc mới" nối Azerbaijan với Cộng hòa tự trị Nakhchivan thông qua Armenia. Điều này cũng làm giảm vai trò của Iran đối với các tuyến giao thông chiến lược của Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Oved Lobel đến từ Hội đồng Các vấn đề Australia/Israel và Do Thái (AIJAC, trụ sở tại Australia), sự thật phức tạp hơn nhiều so với bức tranh mà những nhà phân tích này vẽ ra.

Đáp án thực sự là gì?

Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không phải kẻ thù của nhau. Trái lại, bất chấp những bất đồng chiến lược [đặc biệt là về số phận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria], Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn có mối quan hệ chặt chẽ và đang trở nên gần gũi hơn.

Có thể kể đến việc Ankara phá vỡ các biện pháp trừng phạt để ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran, hậu thuẫn phong trào Hezbollah và Hamas, hợp tác chống lại Đảng công nhân người Kurd (PKK) hay lật tẩy các vỏ bọc gián điệp của Israel ở Iran.

Một trong những mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ khi góp phần vào chiến thắng của Azerbaijan trước Armenia là nhằm thay thế Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE, hiện do Nga, Pháp và Mỹ là đồng chủ tịch) kiểm soát các chính sách ngoại giao quốc tế liên quan đến cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan, thành lập một hệ thống giám sát 3 bên mới, gồm Nga, Thổ và Iran.

Điều này sẽ tương tự như nhóm "Astana" hiện đang kiểm soát các diễn biến ngoại giao và thực địa ở Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gọi đó là "liên minh ba bên" trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2019.

Rốt cuộc Iran là người chiến thắng hay kẻ thất bại trong xung đột ở Karabakh? - Ảnh 2.

Iran có phải là "kẻ thất bại" trong xung đột ở Karabakh?

Ông Lobel nhận định, xét về năng lực quân sự, Iran yếu hơn Nga và Thổ. Mặc dù ở cấp thấp nhưng họ vẫn là "người chơi" trên sàn đấu này. Từ lâu, Nga đã tỏ ra lo lắng về cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh nói riêng và Caucasus nói chung, họ nhanh chóng kéo Iran vào cuộc để áp đặt một sự dàn xếp, phối hợp và tham vấn với Iran trong suốt tháng 10 vừa qua.

Hồi cuối tháng 10, đặc phái viên của Iran Seyyed Abbas Araqchi đã đưa ra một sáng kiến hòa bình trong sự kiện có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tới tháng 11, phía Nga cho biết họ sẽ cân nhắc đề xuất của Iran.

Vài ngày sau đó, Nga, Armenia cùng Azerbaijan tuyên bố đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Thỏa thuận này thực chất do Nga, Thổ làm trung gian, dù Ankara không được đề cập chính thức.

Ông Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin về thỏa thuận cuối cùng này và khẳng định rằng nó đã cho thấy "tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Nga-Thổ trong việc tìm ra hướng giải quyết các cuộc xung đột, cũng như khủng hoảng trong khu vực".

Mặc dù cả Nga và Iran đều không hài lòng với cuộc chiến tranh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi Ankara quyết định đưa lính đánh thuê Syria tới Nagorno-Karabakh nhưng cả hai quốc gia này đều không thiệt hại bất cứ điều gì với kết quả hiện nay.

Nga đã giành được vị thế lớn hơn tại khu vực, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã thay thế thành công cơ chế đa phương sang cơ chế song phương Nga-Thổ. Iran – đồng minh của Nga và đối tác của Thổ sẽ chỉ giành được lợi ích từ các thỏa thuận mới.

Để hoan nghênh thỏa thuận này, Iran tuyên bố "sẵn sàng hỗ trợ Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình dọc các đường giới tuyến dựa trên các điều khoản số 3 và số 4 trong thỏa thuận ngừng bắn".

Mối quan hệ giữa Iran với cả Armenia và Azerbaijan cũng phức tạp hơn nhiều những gì các nhà phân tích ở trên đã nêu ra. Dù xưa nay Teheran thân thiện với Armenia hơn và mâu thuẫn với Azerbaijan nhưng trong những năm gần đây, họ đã chuyển hướng sang lập trường tương đối trung lập.

Trong cuộc chiến tranh gần đây, Iran đã triển khai binh lính và Quân đoàn vệ binh cách mạng hồi giáo (IRGC) dọc biên giới với Azerbaijan sau khi một số quả rocket rơi xuống lãnh thổ của họ.

Đã có những báo cáo cho rằng Iran bắt đầu cung cấp năng lượng và lương thực cho Nagorno-Karabakh như một phần trong mối quan hệ đang mở rộng với Armenia, song đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy sự can dự của quân đội Iran theo cách này hay cách khác trong cuộc xung đột.

Thực tế thì năng lực quân sự phi hạt nhân của Tehran vẫn chưa đủ để có thể gây ra được tác động lớn nào.

Trong cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan năm 1993, IRGC được cho là đã can thiệp, đứng về phía Azerbaijan trong vai trò cố vấn và cung cấp vũ khí. Theo Chris Sands và Fazelminallah Qazizai, hai tác giả của cuốn "Night Letters: Gulbuddin Hekmatyar and the Afghan Islamists Who Changed the World", Iran đã phó thác hầu hết các chiến dịch của mình cho tổ chức phiến quân khét tiếng Hezb-i-Islami.

Tuy nhiên, trong những năm 2000, Iran và lực lượng ủy nhiệm Hezbollah của Lebanon được cho là đã phát động một số cuộc tấn công lớn nhằm vào lợi ích của Israel tại Azerbaijan, khiến mối quan hệ giữa hai nước suy yếu. Năm 2012, Azerbaijan bắt giữ 22 người bị buộc tội làm gián điệp cho Iran. Dù những lời cáo buộc này có thật hay không thì căng thẳng giữa hai phía đã bộc lộ rõ ràng.

Trong khi đó, Armenia đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ của nước này với Iran, tạo điều kiện cho các thỏa thuận mua vũ khí của Iran vào năm 2003.

Tuy nhiên, tới năm 2017, Iran bắt đầu cân bằng tốt hơn mối quan hệ với Armenia và Azerbaijan, đồng thời xây dựng quan hệ gần gũi hơn về chính trị với Baku. Giữa tháng 8 năm nay, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố: "Hiện chúng tôi [Iran] có mối quan hệ rất tốt đẹp với Azerbaijan".

Đến đầu tháng 11, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei nhấn mạnh: "Azerbaijan có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng". Đại diện của ông Khamenei tại Baku ra thông báo khẳng định "Karabakh thuộc về Azerbaijan", Iran "đã và sẽ đứng về phía Azerbaijan".

Về phần mình, Armenia không có liên kết trực tiếp về địa chính trị với Iran. Trong khi đó, Yerevan đã mở đại sứ quán đầu tiên tại Israel vào ngày 18/9/2020 dù chưa đầy 2 tuần sau đã triệu hồi đại sứ về nước sau khi Israel được cho là đã cung cấp các loại máy bay không người lái, tên lửa và nhiều thiết bị viện trợ quân sự tinh vi khác cho Azerbaijan.

Trớ trêu thay, Azebaijan lại là nước từ chối thiết lập đại sứ quán ở Israel bất chấp nhiều thập kỷ hứa hẹn.

Nhìn chung, theo nhà phân tích Lobel, Iran không phải là nhân tố then chốt trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Không giống như ở Syria, Iran không có quyền lợi chiến lược đáng kể nào trong kết quả đạt được, dù giáp ranh với cả Armenia và Azerbaijan.

Có thể có những mối lo sợ thực sự ở Tehran trước chiến thắng của Azerbaijan, cùng với sự quyết đoán và uy tín ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Lobel cho rằng, với xu hướng hiện tại, Iran không phải là kẻ thua cuộc trong bất cứ cuộc xung đột nào mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là người chiến thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại