Pháo M142 khai hỏa về phía mục tiêu. Ảnh: Getty Images
Reuters ngày 27/5 dẫn các nguồn tin độc quyền xác nhận, Mỹ và Ukraine đã tiến hành các cuộc thảo luận về nguy cơ leo thang căng thẳng trong trường hợp Ukraine tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi lo ngại về sự leo thang nhưng vẫn không muốn đặt giới hạn địa lý hoặc ràng buộc họ quá nhiều với những thứ mà chúng tôi đang cung cấp cho họ", nguồn tin Mỹ nói.
Theo nguồn tin, Washington và Kiev đã đạt được "sự hiểu biết chung" về giới hạn sử dụng một số hệ thống vũ khí do phương Tây cung cấp.
Sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, lực lượng của Kiev từng một vài lần đột kích các mục tiêu ở lãnh thổ Nga gần biên giới hai nước, gây thiệt hại về tài sản cho phía Nga. Moscow chỉ trích hành động này, đồng thời tấn công một số mục tiêu ở thủ đô Kiev để cảnh báo.
Mỹ khẳng định không muốn bị kéo vào xung đột với Nga, nhưng lại cùng đồng minh cấp ngày càng nhiều vũ khí hiện đại cho Kiev. Phương Tây gần đây đã gửi pháo M777 Howitzer, tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine, vốn có tầm bắn xa, tạo thách thức đáng kể cho lực lượng Nga.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang cân nhắc cấp cho Kiev hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS) M142 hiện đại, vốn có tùy chọn phóng đạn dẫn đường tầm bắn 70km hoặc đạn tên lửa tầm bắn 300km.
M142 được mệnh danh là "siêu pháo phản lực". Với phiên bản thông thường, nó được cho là chỉ cần tới 20 giây để phóng đi 6 quả đạn, tầm sát thương bao trùm khu vực diện tích rộng gần 80ha.
Trong bất cứ cuộc gặp hay hội nghị quốc tế nào 3 tháng qua, Ukraine đều nêu nguyện vọng được phương Tây cấp thật nhiều vũ khí sát thương cao, nhất là máy bay chiến đấu và pháo phản lực.