Nội dung chính
- Đợi nước sôi sùng sục rồi mới cho thịt gà vào, thực tế là một sai lầm
- Nước đá có tác dụng cực quan trọng sau khi luộc gà xong
- Có những dấu hiệu giúp người dùng nhận biết gà tươi ngon từ chợ
Trong văn hóa Á Đông nói chung cũng như văn hóa, đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Việt nói riêng, ngày rằm tháng 7 được đánh giá là một dịp vô cùng quan trọng và đặc biệt. Đây còn được coi là ngày "Vu lan báo hiếu", ngày để những thành viên trong gia đình sửa soạn mâm cơm tươm tất, dâng lên tổ tiên, ông bà hay những người đã khuất.
Trong mâm cúng ấy, có một món quen thuộc, được đánh giá là dễ thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng nắm được cách làm sao cho chuẩn, để đem lại thành quả món ăn ngon nhất. Đó là món thịt gà luộc. Nhiều người than phiền, thịt gà nếu không được luộc đúng cách có thể bị khô, thậm chí ngoại hình con gà không được đẹp mắt.
Theo lời khuyên từ những đầu bếp hay những người có kinh nghiệm nấu ăn lâu năm, trình tự làm món gà luộc chuẩn vốn dĩ có những bước rất quan trọng. Những bước này góp phần giúp thịt gà có vị ngon ngọt, săn chắc, không bị khô. Ngoài ra, ngoại hình con gà sau khi luộc xong cũng được vàng ươm, cực đẹp mắt. Những thao tác này cần được chú ý ngay từ bước đầu tiên, trước khi luộc gà, cho đến trong và sau lúc luộc gà.
Cụ thể, trước khi luộc gà, người dùng cần thực hiện "massage cho gà". Lúc này, mình gà sau khi đã được rửa sạch sẽ được chà sát liên tục bởi muối hạt. Công đoạn này sẽ giúp thịt gà được loại bỏ hoàn toàn mùi khó chịu, đồng thời giúp gà có vị đậm đà, thịt lại săn chắc hơn. Người dùng có thể thực hiện bước này trong khoảng 2-3 phút, sau đó tiếp tục ngâm gà trong dung dịch nước muối loãng khoảng 20 - 30 phút.
Tiếp đến trong lúc luộc gà, người dùng cũng cần ghi nhớ nguyên tắc: Không đợi nước quá sôi rồi mới cho gà vào luộc. Các chuyên gia nhấn mạnh, hành động này có thể khiến da gà bị nứt khi bất ngờ tiếp xúc với nhiệt độ cao. Song, thịt gà bên trong lại không được làm chín hoàn toàn, khi lấy ra vẫn sẽ bị đỏ.
Thay vào đó, người dùng hãy cho gà vào luộc ngay khi thấy nồi nước đang đun trên bếp có dấu hiệu bốc hơi, chưa xuất hiện những bọt nước sôi lăn tăn. Người dùng nhẹ nhàng nhúng thịt gà vào nồi nước khoảng 10 giây, sau đó nhấc ra khoảng vài giây rồi lại nhúng lại, giữ trong 10 giây tiếp theo. Cách làm này còn được các đầu bếp gọi là "Quy tắc 2 lần, 10 giây" khi luộc gà.
Sau khi đã hoàn thành đủ 2 lần, 10 giây giữ và nhấc gà ra khỏi nồi, người dùng đặt gà nằm yên vị trong nồi, đun ở lửa nhỏ. Một lưu ý nữa đó là cần đảm bảo để thịt gà được ngập hoàn toàn trong nước. Tùy vào kích cỡ mà con gà có thể được luộc trong thời gian khác nhau, thông thường từ 30 - 45 phút. Để nước luộc gà thêm đậm vị, thịt gà từ đó cũng đậm đà hơn, người dùng có thể cho thêm các gia vị như gừng, hành, tỏi, nghệ... ngay từ đầu, lúc đun nước.
Cuối cùng là khi vớt gà ra, có một công đoạn cũng quan trọng không kém. Nếu như những bước đầu tiên giúp thịt gà ngon ngọt, săn chắc thì công đoạn ở bước lấy gà ra sẽ giúp gà có "ngoại hình" mọng nước, vàng ươm óng ả. Không đặt ngay ra đĩa, ra bát, người dùng hãy cho thịt gà vừa luộc xong vào một chiếc bát nước lạnh, hoặc bát nước đá thì càng tốt.
Nước lạnh không chỉ giúp da gà co lại mà còn làm cho thịt gà trở nên chắc khỏe hơn, giữ được vị ngọt tự nhiên đặc trưng. Người dùng không nên chỉ sử dụng đá, mà cần dùng đá kết hợp với nước, rồi đổ lên thịt gà, hoặc ngâm thịt gà trong bát nước có đá, thì phương pháp này mới đem lại hiệu quả.
Sau khoảng vài phút ngâm, trước khi sử dụng người dùng có thể đem gà ra chặt, xếp lên đĩa rồi bày/thưởng thức là được.
Mẹo chọn mua thịt gà tươi ngon từ chợ
Bên cạnh các bước thao thác, tực hiện khi chế biến, việc chọn mua được thịt gà tươi ngon từ chợ cũng góp phần vô cùng quan trọng để cho ra thành quả hoàn hảo. Dưới đây là một số mẹo nhất biết thịt gà ngon, áp dụng với loại gà đã làm sẵn (gà không còn sống nguyên con) ngoài chợ mà các gia đình có thể tham khảo.
1. Màu sắc của gà
Đầu tiên cần quan sát ngoại hình của con gà. Gà ngon có màu da màu vàng nhạt, mỏng và mịn. Màu vàng đậm vẫn có thể xuất hiện, tuy nhiên chỉ ở một số vị trí nhất định như ức, cánh hay lưng gà. Nếu trên mình gà có các vết đốm đen, hay các vết bầm tím, tụ máu, người dùng không nên mua bởi có thể gà không được đảm bảo, chết bệnh.
Một mẹo được nhiều người áp dụng đó là nhìn kỹ vào màu sắc của cổ gà. Nếu cổ gà có màu sáng thì đó là gà ngon. Ngược lại nếu màu sắc trên cổ gà bất thường, có vết tím hay các nốt sần đỏ, nhỏ li ti thì tức là gà không ngon.
Hiện trên trên thị trường, để "đánh lừa" người tiêu dùng, nhiều tiểu thương còn đem gà đi nhuộm màu. Lúc này, người dùng tiến hành xem cả lớp mỡ bên trong mình gà. Nếu mình gà vàng đều nhưng bên trong mỡ lại màu trắng thì có nghĩa đây là gà đã qua xử lý nhuộm màu, có hóa chất.
2. Độ đàn hồi của thịt gà
Cách thứ 2 là người dùng dùng dùng tay ấn nhẹ để kiểm tra thể trạng của mình gà. Nếu thấy thịt có độ đàn hồi cao, cầm vào phần đùi, lườn gà thì săn chắc, không trơn, nhớt, thì tức là gà ngon.
Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu thịt gà khi ấn vào bị lõm sâu, thậm chí biến dạng thì có khả năng cao gà đã bị tiêm thuốc nước, hoặc đang bị phù dẫn đến tình trạng nhiều nước. Tốt hơn hết không nên mua những con gà như thế này.
3. Mùi của gà
Dấu hiệu cuối cùng để nhận biết gà ngon hay không đó mùi của thịt gà. Tuyệt đối tránh mua các loại gà có mùi hôi, nồng nặc, gây khó chịu ngay cả khi đứng xa.
Hiện nay trong các siêu thị hay các cửa hàng phân phối, có cả các loại gà đã được hút chân không, đóng gói sẵn, khiến người dùng khó kiểm tra kỹ. Tuy nhiên các loại gà này đa phần khá đảm bảo do đã được kiểm định chặt chẽ, người dùng có thể tham khảo ngày đóng gói được ghi trên bao bì để chọn được loại phù hợp.
Khi mang thịt gà về, nếu không chế biến và sử dụng ngay, tốt nhất người dùng nên bảo quản thịt gà trong ngăn đá, ngăn đông tủ lạnh.