Rầm rộ "gìn giữ hòa bình" ở Nam Sudan, TQ che đậy mục đích gì?

Thi Anh |

Rầm rộ đưa quân tới Nam Sudan, khoa trương về sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, TQ muốn bảo vệ điều gì?

Vì dầu mỏ?

Đầu năm 2015, Trung Quốc bắt đầu triển khai hàng trăm binh lính tới Nam Sudan. Đây là đầu tiên nước này đưa một tiểu đoàn bộ binh tới tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Theo truyền thông Trung Quốc, khác với các hoạt động trước đó mà binh lính giữ vai trò hỗ trợ, lần này, tiểu đoàn bộ binh của Trung Quốc có năng lực chiến đấu.

Lực lượng gìn giữ hòa bình có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các địa điểm đặt căn cứ của Liên Hợp Quốc và bảo vệ những người dân thường đang phải trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, theo ước tính của truyền thông Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh: Việc triển khai binh lính tới Nam Sudan khẳng định vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế.

Rầm rộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, TQ che đậy mục đích gì? - Ảnh 1.

Trung Quốc triển khai binh lính tới Nam Sudan tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ.

Ông Daniel Wagner, giám đốc điều hành công ty quản lý rủi ro đặt tại Mỹ Country Risk Solutions cho rằng: "Giống như các nước khác, Trung Quốc quan tâm tới việc bảo vệ lợi ích của mình, cũng như thể hiện uy quyền".

"Ngoài nghi vấn về dầu, có một nghi vấn lớn hơn về việc Trung Quốc đứng ra nhận trách nhiệm như một cường quốc thế giới đang nổi, và bạn có thể coi Sudan là một phép thử", ông Wagner nhận định.

Sau khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1971, Trung Quốc từ chối đóng góp tiền bạc cũng như điều động binh lính tới tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Động thái này phản ánh chủ trương không can dự của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, nước này bắt đầu tham gia các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc. Và những năm gần đây chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng binh lính Trung Quốc được triển khai ở nước ngoài.

Yunsun, một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings nhận định: Trung Quốc tăng quân (tới Nam Sudan) có lẽ là để bảo vệ lượng dầu khổng lồ mà nước này đầu tư trong khu vực.

Năm 2011, 5% lượng dầu của Trung Quốc có nguồn gốc từ Nam Sudan. Trong khi đó, Unity và Thượng Nile, các bang sản xuất dầu đang nằm trong số những nơi hứng chịu làn sóng bạo lực nặng nề nhất ở Nam Sudan.

"Trung Quốc sẽ quả quyết rằng họ đang đóng góp người và lực" để hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình toàn cầu, bà Yunsun nói, "Nhưng mặt khác, chúng tôi nhận ra rằng: À, Trung Quốc sở hữu lợi ích lớn về dầu ở khu vực này. Có lẽ động cơ của Trung Quốc không cao cả đến vậy".

... hay buôn vũ khí?

Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh điều binh tới Nam Sudan là minh chứng cho vai trò mới của nước này: Nhân tố có tầm ảnh hưởng tới quốc tế. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng hoan nghênh hành động của Trung Quốc.

Thế nhưng, có những dấu hiệu cho thấy một số nhân vật ở Trung Quốc đang tìm cách gây bất ổn cho cuộc xung đột. Elizabeth Deng của tổ chức Ân xá Quốc tế đã tìm ra các bằng chứng về lượng lớn vũ khí được vận chuyển tới Nam Sudan từ một nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc.

Rầm rộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, TQ che đậy mục đích gì? - Ảnh 2.

Bắt đầu từ năm 2013, cuộc xung đột ở Nam Sudan vẫn chưa chấm dứt.

"Năm ngoái, chúng tôi đã xác nhận được một lượng lớn vũ khí từ nhà sản xuất Trung Quốc, Norinco, chuyến hàng trị giá 38 triệu USD gồm vũ khí hạng nhẹ", bà Deng cho biết.

Tháng 9/2014, Bloomberg dẫn nguồn một quan chức thuộc đại sứ quán Trung Quốc ở Juba cho hay: Phần còn lại của hợp đồng đã bị hủy vào tháng 7 sau khi chính quyền cho là "không phù hợp".

Ân xá quốc tế cùng các tổ chức nhân quyền khác và một số quan chức Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cấm vận vũ khí trong cuộc xung đột này. Họ cho rằng nhiều khả năng các vũ khí sẽ rơi vào tay các bên có liên quan tới hành động tàn sát dân thường.

Còn bản thân các binh sĩ Trung Quốc được triển khai thì khá bỡ ngỡ. Nhiều binh lính lần đầu tiên được ra nước ngoài, nhưng phần lớn vẫn coi châu Phi là một "lục địa tăm tối" như trong cuốn tiểu thuyết của Joseph Conrad.

"Gia đình tôi không thể hiểu nổi làm thế nào mà người ta có thể tới châu Phi để đi du lịch", một binh lính Trung Quốc chia sẻ với BBC.

Lính Trung Quốc "bỏ của chạy lấy người", bỏ mặc nhân viên LHQ bị hãm hiếp

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn thông tin từ tổ chức nhân quyền Center for Civilians in Conflict cho biết, hôm 11/7, hơn 100 tay súng đã tấn công căn cứ của LHQ tại thủ đô Juba, Nam Sudan.

Nhưng thay vì bảo vệ hàng chục ngàn dân thường đang lánh nạn tại đây, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bao gồm các binh sĩ Ethopia và Trung Quốc lại tháo chạy. Trong khi các binh sĩ Ethiopia còn giúp sơ tán thường dân và có lúc bắn trả, thì các binh sĩ Trung Quốc chỉ lo thoát thân, bỏ lại vũ khí đạn dược sau lưng.

Cao ủy LHQ tại Nam Sudan đã ra lệnh cho các đơn vị này ứng cứu người dân, nhưng họ "từ chối rời căn cứ được bảo vệ".

Ít nhất 5 nhân viên quốc tế của LHQ bị hãm hiếp tập thể, hàng chục người khác bị tấn công. Một phóng viên người Nam Sudan bị sát hại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại