Rắc rối từ S-400 đến Syria: Không còn thời gian cho Thổ Nhĩ Kỳ "đu dây" qua lại giữa Nga, Mỹ?

Quốc Vinh |

Bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khó có thể sửa chữa, trong khi đó một liên minh khu vực giữa Ankara và Moscow cũng sẽ thất bại.

Các nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sắp hết thời gian để cân bằng mối quan hệ với Nga và Mỹ khi Moscow và Washington tăng cường sức ép đối với Ankara về việc mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Trong vài tháng trở lại đây, Mỹ đã liên tục phản đối giao dịch mua hệ thống phòng thủ của Nga, duy trì lập trường về việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tên lửa S-400 sẽ làm lộ bí mật công nghệ của máy bay chiến đấu F-35, mà Mỹ và các đồng minh NATO khác sở hữu. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO dự kiến sẽ nhận F-35 trong năm nay.

Mỹ đã cảnh báo rằng nếu các tên lửa của Nga được giao, thỏa thuận mua F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thành và khả năng đón nhận cả các lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bác bỏ những lo ngại của Washington. "Nếu những tuyên bố này của Mỹ là đúng, thì S-400 cũng có thể truy cập bí mật công nghệ F-35 (khi cả hai đều được triển khai) ở Syria, khu vực Baltic", ông nói hôm 16/5 trong chuyến thăm Latvia.

Theo các báo cáo, Washington đã yêu cầu Ankara hoãn việc nhận hệ thống tên lửa của Nga vào tháng 7.

Tuy nhiên, trong những gì được coi là một sự thách thức đối với Mỹ, Chủ tịch Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir thậm chí tuyên bố rằng các tên lửa có thể được giao sớm vào đầu tháng tới.

"Chúng tôi là một quốc gia nghiêm túc. Thỏa thuận của chúng tôi với Nga vẫn tiếp tục", ông Demir nói với các phóng viên hôm 16/5.

Không có chuyện trì hoãn S-400

Ngoại trưởng Cavusoglu trước đó một ngày đã bác bỏ các báo cáo về khả năng giao S-400 sẽ có sự chậm trể. "Không có gì gọi là hoãn hay hủy ở giai đoạn này", ông nói. "Quyết định đó cũng không nằm trong chương trình nghị sự".

Sự phản kháng của Ankara đối với Washington trùng hợp với việc Moscow đồng ý với các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ để thành lập một nhóm làm việc chung ở Idlib, Syria. Nhóm làm việc giúp cho phiến quân nơi đây "dễ thở" hơn sau khi bị quân đội Syria và không quân Nga bắn phá liên tục.

Vụ tấn công gần đây là động thái dữ dội nhất kể từ khi Ankara và Moscow đạt được thỏa thuận vào tháng 9, ngăn chặn các lực lượng Syria mở cuộc tấn công toàn diện vào khu vực này.

"Có 2 triệu người trong vùng Idlib – phiến quan và những phần tử Sunni sẽ không thỏa thuận với Damascus", VOA News dẫn lời nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen diễn giải. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết tâm không cho vùng đất này bị chiếm đóng vì những người đó không có nơi nào để đi ngoài Thổ Nhĩ Kỳ".

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không muốn điều này xảy ra vì nó sẽ gây ra vấn đề an ninh và nhân đạo lớn. Trong khi Ankara muốn điều đó, Moscow sẽ là nhân vật chủ chốt đáp ứng", ông nói thêm.

Cứu vãn S-400

Rắc rối từ S-400 đến Syria: Không còn thời gian cho Thổ Nhĩ Kỳ đu dây qua lại giữa Nga, Mỹ? - Ảnh 2.

Ankara có thể sẵn sầng chịu trừng phạt để hoàn thành hợp đồng vũ khí với Nga.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Iran, đang hợp tác dưới sự bảo trợ của tiến trình Astana để chấm dứt nội chiến ở Syria và bảo đảm hòa bình lâu dài. Những nỗ lực đó đã gặp bế tắc với những bất đồng về việc thành lập một ủy ban hiến pháp mới.

Các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tiếp tục nỗ lực giải quyết một số điểm căng thẳng quan trọng. Theo đó, hai nước muốn hướng đến một khu vực an toàn ở Syria để bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khỏi lực lượng dân quân YPG mà Ankara chỉ định là một tổ chức khủng bố.

Sự ủng hộ của Washington đối với YPG trong cuộc chiến chống IS trong nhiều năm qua đã làm nảy sinh những tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng an toàn được coi là một cách để đưa mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO trở lại đúng hướng.

Theo các nhà phân tích, việc nhanh chóng chuyển giao tên lửa S-400 được hiểu là cách mà Moscow muốn ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong giải quyết sự khác biệt về Syria.

Động thái mua sắm vũ khí của Ankara sẽ mở ra cơ hội cho các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ theo Đạo luật trừng phạt đối thủ (CAATSA), trong đó cấm các hoạt động mua bán quân sự quan trọng của Nga.

Nhà phân tích Atilla Yesilada của GlobalSource Partners cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ có thể cam chịu bị xử phạt theo CAATSA".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan "vẫn bám lấy hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cho phép ông giữ lại tên lửa S-400, đồng thời chỉ phải chịu những lệnh trừng phạt ít tổn hại nhất từ CAATSA", ông nói.

Khác biệt cơ bản

Ankara tuyên bố Tổng thống Erdogan đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Trump để giải quyết vấn đề tên lửa S-400, với hy vọng rằng các tranh cãi thời gian qua đều đến từ các quan chức Mỹ còn bản thân quan điểm ông Trump sẽ khác.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những bất đồng cơ bản giữa hai đồng minh NATO mới là bản chất gây ra trở ngại.

Giáo sư quan hệ quốc tế Serhat Guvenc thuộc Đại học Kadir Has của Istanbul cho biết: "Sự thấu hiểu của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về trật tự thế giới đã thay đổi thay vì hội tụ cùng nhau".

"Họ xem sự phát triển quốc tế thông qua một lăng kính hoàn toàn khác. Tôi nghĩ vấn đề đến từ cấu trúc".

Khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ các đối tác phương Tây là mục tiêu chiến lược kéo dài hàng thập kỷ của Moscow, nhưng các nhà phân tích cho rằng bất kỳ liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nào chắc chắn sẽ thất bại trong các cuộc cạnh tranh khu vực, với Syria là nơi nổi bật nhất.

Nhà khoa học chính trị Cengiz Aktar thuộc Đại học Athens cho biết: "Thật không may, Ankara nghĩ rằng họ có thể khiến người Nga và người Mỹ chống lại nhau. Nhưng điều đó sẽ không hoạt động".

"Người Nga sớm hay muộn sẽ xóa sổ Idlib, nơi chứa hàng chục ngàn kẻ khủng bố, và đây là điểm bất đồng đầu tiên và quan trọng nhất giữa Ankara và Moscow", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại