Ra đòn trừng phạt, phương Tây có khiến Thổ Nhĩ Kỳ khuất phục?

Mạnh Kiên |

Nếu có thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, liệu điều đó có là chất xúc tác dẫn đến sự hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ với Nga chặt chẽ hơn?

Đòn trừng phạt

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 24-25/9 tới đây, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ quyết định, có hay không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này xuất phát từ việc hầu hết các nước đều có chung cảm nhận khó chịu về chính sách mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đưa ra ở Syria và Libya. Những động thái gây căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải có thể dẫn đến chiến tranh với Hy Lạp.

Ấn tượng chung đối với các quốc gia phương Tây đó là, hàng loạt nước đi đối ngoại táo bạo và khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ là bằng chứng cho thấy, nước này đang theo đuổi những tham vọng gây dựng ảnh hưởng và bành trướng lãnh thổ.

Nhiều chính trị gia cho rằng không cần phải chứng minh thêm về ý định can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái, tại Mỹ, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trừng phạt nước này vì các hành động quân sự ở Syria. Tuy nhiên, chúng đã được dỡ bỏ chỉ sau 4 ngày, khi lệnh ngừng bắn được ký kết. Sau đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ chống xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ban đầu, khả năng châu Âu và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Chính phủ của Tổng thống Erdogan là rất cao. Nhưng vấn đề quan trọng chi phối điều này là, châu Âu và Mỹ sẽ đòi hỏi gì đối với Thổ Nhĩ Kỳ để nương tay.

Trước hết, cần xác định lợi ích chính trị của phương Tây hiện tại là tránh một cuộc đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải, ổn định tình hình ở Syria, cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các vùng đất sinh sống của người Kurd, chấm dứt cuộc chiến ở Libya.

Theo đó, một biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ của châu Âu có thể tương tự với những bước đi vào tháng 11/2019, khi EU thiết lập khung pháp lý cho các lệnh trừng phạt như cấm đi lại và đóng băng tài sản. Động thái đó nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì các hoạt động khoan thăm dò tài nguyên ở Địa Trung Hải.

Nhưng, câu hỏi đặt ra là các biện pháp trừng phạt có ngăn cản được Thổ Nhĩ Kỳ? Theo giới phân tích, cũng như mọi khi, Ankara dường như sẽ coi thường bất kỳ biện pháp trừng phạt nào áp đặt lên mình và nhấn mạnh rằng, họ sẽ không khuất phục sức ép từ bên ngoài trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế của mình.

Ngoài ra, để tránh những thiệt hại về mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể khai thác sự mất đoàn kết giữa các nước châu Âu trong việc xem xét trừng phạt. Pháp, Hy Lạp và Síp ủng hộ một cuộc đối đầu mạnh mẽ; trong khi Đức, Tây Ban Nha và Italy nghiêng về một sự khiển trách nhẹ nhàng hơn. Trong khi ở Mỹ, Quốc hội có thái độ đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn chính quyền Tổng thống Trump.

Thấm đòn

Ra đòn trừng phạt, phương Tây có khiến Thổ Nhĩ Kỳ khuất phục? - Ảnh 2.

Tổng thống Erdogan.

Một câu hỏi khác được đặt ra đó là: Nếu có thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, liệu điều đó có là chất xúc tác dẫn đến sự hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ với Nga chặt chẽ hơn không?

Câu trả lời có thể là không, vì hai nước có những kế hoạch khác nhau cho tình hình hiện tại và tương lai ở Syria, Libya. Những phàn nàn của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên kể từ khi nước này bắt đầu sử dụng sức mạnh quân sự ở Libya trong việc chống lại lực lượng của tướng Khalifa Haftar.

Cũng không nên quên rằng, Erdogan đang phải đối mặt với nhiều sự phản đối trong nước do các chính sách tương tự đang làm trầm trọng thêm quan hệ với châu Âu và Mỹ.

Điều quan trọng là, bất kỳ lệnh trừng phạt nào chống lại Thổ Nhĩ Kỳ lúc này sẽ làm giảm sút hoặc trì hoãn vĩnh viễn việc nộp đơn gia nhập EU. Quá trình gia nhập bị trì hoãn càng lâu, sự phẫn nộ của người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng gia tăng.

Các chính sách táo bạo của Tổng thống Erdogan đang mang đến những điều phức tạp đối với ông, quốc gia của ông và toàn thế giới. Nhà lãnh đạo này đang nhận về những thiệt thòi khi gây ra những tranh chấp với Hy Lạp cũng như các hành động ở Syria và Libya.

Giới quan sát tin rằng, nếu châu Âu có thể ưu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thì điều này có thể ngăn cản ông Erdogan tiếp tục theo đuổi các chính sách bất lợi đối với mình.

Cùng với đó, lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Mỹ phụ thuộc hơn vào các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập. Mỹ chưa chấm dứt mối quan hệ của mình với các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ai Cập, nhưng nước này sẽ không dễ chấp nhận những bước đi vượt quá tầm kiểm soát ở Tehran, Cairo hoặc Ankara.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại