Moscow đứng trước nguy cơ thất thủ
Ngày 30 tháng 9 năm 1941, cụm Tăng-Thiết giáp 2 của Thượng tướng Heinz Guderian chuyển sang tấn công, và ngày hôm sau Tổng tham mưu trưởng Lục quân Wehrmacht - Thượng tướng Franz Halder ghi trong nhật ký công tác của ông ta:
"Cụm xe tăng của Guderian đã chọc thủng dải trung tâm tuyến phòng thủ của đối phương trên toàn bộ chiều sâu tuyến và tiến được 60 km".
Ngày 2 tháng 10 năm 1941, Halder lại ghi tiếp vào nhật ký: "Các tập đoàn quân 2, 4 và 9 đang chuyển sang tấn công.… Hôm nay, lúc 05:30, quân đội, lợi dụng tiết trời mùa thu sáng sủa, đã phát động cuộc hành quân lớn "Bão táp".
Cùng ngày, Tư lệnh cụm Tập đoàn quân "Trung tâm", Thống chế Fedor von Bock, đã ghi nhật ký như sau: "Cuộc tấn công diễn tiến dễ dàng đến mức bạn bất giác tự hỏi mình liệu kẻ thù có cơ trốn thoát được hay không.
Ngày 6 tháng 10 năm 1941, quân của cụm tăng-thiết giáp Guderian chia cắt Phương diện quân (PDQ) Bryansk, sau khi bao vây ba tập đoàn quân (TĐQ) Xô Viết – các TĐQ 3, 13 và 50. "Nồi hầm Bryansk" đã hình thành như vậy".
Molotov, Stalin (giữa), Voroshilov trên Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh ngày 1 tháng 5 năm 1941. Ảnh: Getty.
Ngày 7 tháng 10 năm 1941, quân đội của cụm Tập đoàn quân "Trung tâm" đã giáng cho quân đội Xô Viết thuộc các PDQ Miền Tây và PDQ Dự bị ở khu vực Vyazma một thất bại kinh khủng.
Thống chế Von Bock sau đó đã ghi nhật ký rất ngắn gọn: "Sáng nay, Sư đoàn xe tăng số 10 Panzer đã tiến ra Vyazma từ hướng đông. Sư đoàn xe tăng 2 Panzer cũng đã tiếp cận, khép vòng vây xung quanh các lực lượng chủ yếu của người Nga".
Bị mắc trong "nồi hầm Vyazma" là các TĐQ 16, 19 và 20 của PDQ Miền Tây, các TĐQ 24 và 32 của PDQ Dự bị. Tổng cộng, 8 trong số 15 TĐQ Xô Viết giữ mặt trận trên hướng chiến lược phía Tây đã bị bao vây trong các "nồi hầm" Bryansk và Vyazma, 5 TĐQ khác đã bị loại khỏi vòng chiến, mất khả năng chiến đấu vì những tổn thất to lớn, thực ra họ đã bị nghiền nát.
Và các TĐQ này trên thực tế, đã làm ba PDQ Xô Viết ngừng tồn tại với tư cách các binh đoàn chiến dịch-chiến lược,– các PDQ Bryansk, Miền Tây và Dự bị.
Ảnh: Herman Hoth và Von Bock trong chiến dịch Barbarossa năm 1941.
Trên tuyến phòng thủ Xô Viết phát sinh một mảng hổng khủng khiếp có chiều rộng khoảng 500 km mà không có gì để lấp lại: không còn bộ đội phía trước Moscow, đường vào thủ đô dường như bỏ ngỏ. Đó là một thảm hoạ, và Stalin đi đến kết luận: Moscow không thể giữ được!
Tuy nhiên, người ta cũng lo xa sớm: ngay từ ngày 8 tháng 10 năm 1941, Ủy ban Quốc phòng (GKO) họp, Stalin ra quyết định, trong trường hợp tình hình phát triển không thuận lợi, sẽ phải bỏ Moscow.
Cùng ngày, một mệnh lệnh bí mật có chữ ký của Stalin: lập danh sách các nhà máy, xí nghiệp cần đặt mìn và phá nổ nếu quân địch tràn vào thành phố.
Ngày 15 tháng 10 năm 1941, khi quy mô của thảm hoạ trở nên rõ ràng, Stalin tự tay mình dùng bút chì màu đỏ chỉnh sửa vào một sắc lệnh được GKO chuẩn bị vội vàng "Về vấn đề sơ tán thủ đô Liên bang CHXHCN Xô Viết, thành phố Moscow" và ông đã ký nó.
Tài liệu chỉ phổ biến trong một phạm vi hẹp: theo các ghi chú viết tay trên đó, ngoài bản thân Stalin, được nhận tài liệu ở dạng đầy đủ chỉ có Lavrenti Pavlovich Beria, Vyacheslav Molotov và Lazar Kaganovich.
Còn những người như Tổng Tham mưu trưởng Hồng quân Công nông, - Boris Shaposhnikov, Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow và Đảng ủy vùng Moscow, - Aleksandr Shcherbakov và Dân ủy nhân dân Hải quân Nikolai Kuznetsov chỉ có thể tiếp xúc với tài liệu ở những phần "liên quan đến họ" như ghi chú viết tay chỉ định.
Tài liệu viết:
"Do tình hình không thuận lợi trong khu phòng thủ Mozhaisk, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước quyết định:
1. Giao đồng chí Molotov thông báo cho các phái bộ nước ngoài rằng, hôm nay họ sẽ được sơ tán đến thành phố Kuibyshev. (Dân ủy Giao thông – đồng chí Kaganovich đảm bảo điều động kịp thời các đoàn tàu cho các phái bộ ngoại giao, còn Dân ủy Nội vụ – đồng chí Beria tổ chức công tác bảo vệ họ).
2. Ngay hôm nay, sơ tán Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, cũng như Chính phủ đứng đầu là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Xô viết, đồng chí Molotov (đồng chí Stalin sẽ sơ tán vào ngày mai hay muộn hơn tùy theo tình hình).
3. Ngay lập tức sơ tán các cơ quan thuộc Bộ Dân ủy Quốc phòng và Bộ Dân ủy Hải quân (Ghi chú: dòng chữ viết tay của Stalin) tới thành phố Kuibyshev, còn nhóm chủ lực của Bộ Tổng tham mưu - đến Arzamas.
Sắc lệnh có thủ bút của I. Stalin
4. Trong trường hợp quân địch xuất hiện ở cửa ngõ Moscow, giao Bộ Dân ủy Nội vụ – đồng chí Beria, và đồng chí Shcherbakov tiến hành phá nổ các nhà máy, kho tàng và các cơ quan không thể sơ tán, và tất cả các thiết bị điện của đường tàu điện ngầm (trừ đường dẫn nước và thoát nước).
Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Nhà nước I. Stalin. 15.10.41"
Đoàn ngoại giao rời Moscow buổi tối cùng ngày, đồng thời lũ lượt kéo vào Kuibyshev là các đoàn tàu của chính phủ chở các quan chức thuộc bộ máy Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản toàn Liên bang (Bôn sê vích), các bộ Dân ủy, Xô viết Tối cao, Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản; chuyển tới Kuibyshev còn có các Ủy viên Bộ Chính trị Voroshilov, Kalinin, Andreyev ...
Xe tăng QĐ Xô Viết tháng 10/1941.
Quyết định sinh tử
Buổi tối ngày 15 tháng 10 năm 1941, Cục Thông tin Xô viết truyền đi thông báo, trên hướng phía Tây tình hình đã trở nên tồi tệ, còn tại một trong các khu vực phòng thủ hiện đã bị chọc thủng và từ sáng 16 tháng 10 năm 1941, tại thủ đô đã bắt đầu xuất hiện sự bất an.
Sự việc đóng cửa metro làm tăng thêm sự bất an, tại đó người ta đang tháo dỡ thiết bị, chuẩn bị để tiêu huỷ nó.
Tới thời điểm đó toàn bộ tủ quần áo, ba xe hơi, thư viện của Stalin đã được chuyển tới Kuibyshev, và thực sự Stalin đã định ngày 16 tháng 10 năm 1941 sẽ rời Moscow trên một chuyến tàu đặc biệt đã chờ sẵn. Nhưng, như ta đã biết, ông không bao giờ rời đi.
Nếu Moscow thất thủ, đây sẽ là đòn chí mạng cho toàn bộ hệ thống chỉ huy quản lý: tất cả sẽ bị đóng sập đối với Moscow, Kremlin và cá nhân đồng chí Stalin. Mất mắt xích Moscow dù chỉ tạm thời một lúc cũng chắc chắn dẫn đến những khó khăn khủng khiếp đối với chính quyền trên toàn bộ đất nước.
Ý nghĩa của đầu mối đường sắt Moscow, của các đầu mối giao thông vận tải Moscow rất khó đánh giá cho đúng trên mọi phương diện: chiếm được nó sẽ chặn được toàn bộ hệ thống tiếp vận.
Không phải ngẫu nhiên Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân "Trung tâm" Von Bock trong những ngày đó đã viết trong nhật ký tác chiến của ông ta rằng "phần lớn mạng lưới đường sắt xung quanh Moscow vẫn nằm trong tay đối phương. Và điều này là rất xấu!".
Tuy nhiên, người Đức đã không định chiếm Moscow bằng một cuộc công kích: "Führer đã cấm chúng tôi vào Moscow", - vẫn là Von Bock viết trong nhật ký của mình. Và ông ta giải thích: "Fuhrer đã ra lệnh khóa chặt thành phố trong các giới hạn của Đường sắt Tháng Mười".
Nhưng cũng như việc đánh chiếm Moscow, việc "chỉ có" bao vây và cắt rời thủ đô ra khỏi phần còn lại của đất nước sẽ phá hủy toàn bộ việc giao thông liên lạc tới phần châu Âu của Liên bang Xô viết, là điều chắc chắn sẽ dẫn đến sự tan rã hoàn toàn của một mặt trận như vậy.
Người dân Thủ đô Moscow di tản trong mùa Đông 1941.
Với tư cách một chính trị gia già dặn và đầy kinh nghiệm, mà ông chắc chắn là người như vậy, Stalin chính trong ngày hôm ấy hiểu rõ: sau Moscow không có chỗ cho ông - cho cá nhân ông, là một lãnh tụ.
Mặc dù một khu phòng thủ hùng mạnh lâu dài đã được xây dựng trên các lối dẫn vào thủ đô dự bị, Kuibyshev, Stalin vẫn không thể bước lên chuyến tàu sơ tán đến đó. Nếu rời khỏi một thành phố là đầu não tập trung tất cả các sợi dây quyền lực, ông sẽ mất hoàn toàn uy tín – đối với Đảng, quân đội, cơ quan an ninh, tóm lại là trên khắp đất nước. Vị trí của ông chỉ có thể là ở Moscow, và giữ cho thành phố này đứng vững.
Đó là lý do tại sao Stalin chưa bao giờ di tản "không phải vào ngày mai hay muộn hơn, mà tùy thuộc vào hoàn cảnh", sau khi ông đã ra quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mình.