Phe "diều hâu" thắng thế
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng 3 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ để cân bằng yêu cầu của phe "diều hâu", những người muốn tấn công Trung Quốc với mong muốn của chính mình là theo đuổi một thỏa thuận thương mại và xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Mỹ đã chứng tỏ 1 điều: những "con diều hâu" đang nắm quyền.
Đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19 và chán ngán với những gì các quan chức Mỹ gọi là tình trạng gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ, Trump đã cho phép một nhóm cố vấn nhỏ do Ngoại trưởng Michael Pompeo dẫn đầu để thúc đẩy chính sách đối kháng. Kết quả là một loạt các biện pháp trừng phạt, hạn chế và đỉnh điểm là quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.
Cuộc chiến giờ được mở ra ở một loạt các mặt trận: Trung Quốc siết chặt tình hình ở Hồng Kông, Tân Cương... Và gần như trong mọi lĩnh vực, Mỹ đều đáp trả mạnh hơn. Nước này cấm các học giả Trung Quốc, trục xuất các nhà báo Trung Quốc và cảnh báo Mỹ cần cắt giảm sự phụ thuộc hàng hóa Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pompeo, cùng với Phó Trợ lý an ninh quốc gia Matt Pottinger, là những kỹ sư trưởng của sự thay đổi. Họ cho rằng, Mỹ cần đáp trả sau hàng thập kỷ bỏ qua hành vi của Trung Quốc, chỉ trích chính quyền của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ vì đã quá ngây thơ.
Theo một nguồn tin, Pompeo và các cố vấn đã kết luận, Mỹ và Trung Quốc khác biệt một cách cơ bản và không thể cùng tồn tại.
Mỹ đang đáp trả Trung Quốc theo cách mà Mỹ đã không làm trong 20 năm qua, ông Pompeo phát biểu vào ngày 19/6. "Chúng ta đã phản ứng với quân đội của họ, việc sử dụng lực lượng quân sự, bằng cách lùi lại. Chúng ta đã phản ứng với việc hành vi ép buộc ngoại giao bằng cách rút lui. Tổng thống Trump sẽ không cho phép điều đó", ông nói.
Ông Pompeo đã thực hiện chiến dịch bằng các chuyến thăm tới Vương quốc Anh và Đan Mạch trong tuần này nhằm mục đích liên kết một liên minh toàn cầu để chống lại Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã kêu gọi Mỹ kiềm chế, so sánh quyết định của Mỹ là một chiếc xe đi sai đường.
Thái độ thù địch gia tăng
Thúc đẩy thái độ "diều hâu" là một nhóm các cố vấn xung bao gồm Trợ lý Bộ trưởng David Stilwell và hai học giả người Mỹ gốc Hoa: Miles Yu và Mung Chiang.
Yu là giáo sư lịch sử, người đã nghiên cứu quốc phòng Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ và từ lâu đã lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh để mở rộng khả năng và ảnh hưởng của mình. Còn Mung Chiang từng là trưởng khoa kỹ thuật của trường đại học Purdue.
Một người nữa cũng tham gia với tư cách cố vấn là Michael Pillsbury, tác giả cuốn sách năm 2015 có tựa đề Cuộc đua trăm năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế nước Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu.
Thời kỳ đầu của dịch Covid-19, Tổng thống Trump ca ngợi hết lời về những nỗ lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng khi Covid-19 bắt đầu lan rộng, điều này đã biến mất, thay vào đó là một bầu không khí tiêu cực.
Theo nhiều nguồn tin, ngay cả những tiếng nói ôn hòa cũng bị bỏ qua trong các cuộc họp.
Thái độ "diều hâu" này đã làm dấy lên mối lo ngại từ cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa bên ngoài chính phủ.
Đây là một phần của cuộc bầu cử, ông Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và cựu thượng nghị sĩ Dân chủ từ bang Montana, nói với Bloomberg. Rõ ràng Trung Quốc gây ra rất nhiều vấn đề cho Washington, nhưng đây là cách xử lý sai.
Một số nhà cựu ngoại giao và các nghị sĩ trung lập hơn cũng cho rằng Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc để giải quyết mọi vấn đề, bao gồm chống khủng bố, biến đổi khí hậu và không phổ biến hạt nhân.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates trong tuần này bày tỏ lo ngại hai bên sẽ bị đẩy đi quá xa về phía thù địch.