Quyết định của ông Trump rút bớt quân khỏi Đức chỉ là bước khởi đầu?

Lê Ngọc |

Việc ông Trump giành được nhiệm kỳ 2 tại Nhà Trắng liệu có đồng nghĩa với việc rút Mỹ khỏi NATO và đặt dấu chấm hết cho liên minh này?

Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper thông báo, 12.000 quân đồn trú sẽ rời khỏi Đức, một số sẽ ở lại châu Âu, chủ yếu là Bỉ và Italy; số còn lại quay trở lại Mỹ, sẽ tham gia các đợt triển khai luân phiên ở Đông Âu và khắp thế giới.

Việc cắt giảm quân số tác động đến châu Âu ít hơn những tín hiệu về cam kết của Mỹ với NATO, đặc biệt nếu ông Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai.

Nếu tái đắc cử vào tháng 11, việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Đức một cách tùy tiện và không phối hợp cho thấy một viễn cảnh ảm đạm đối với liên minh thành công nhất trong lịch sử - Tổng thống Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO.

Vào thời kỳ đầu của chính quyền Trump, mối lo lắng của người châu Âu đối với các hành động bột phát của Tổng thống Trump được giảm nhẹ nhờ sự hiện diện của các quan chức cấp cao diều hâu trong chính phủ, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster và Ngoại trưởng Tillerson.

Ông Trump có thể bày tỏ sự ủng hộ kỳ lạ với ông Putin nhưng hãy nhìn vào các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với Nga, hoặc việc trục xuất nhân viên Nga sau vụ tấn công Skripal - tất cả đều diễn ra trong tháng tại vị cuối cùng của Tillerson và MacMaster.

Dưới thời ông Mattis, Lầu Năm Góc đã tăng cường lực lượng hiện diện ở châu Âu, biến Sáng kiến tái trấn an châu Âu thành Sáng kiến răn đe.

Ông Mattis thậm chí còn viết một bài ca ngợi các đồng minh khi rời nhiệm, giải thích sức mạnh của Mỹ trên thế giới "gắn bó chặt chẽ với sức mạnh của hệ thống liên minh và đối tác toàn diện và độc đáo". Nhưng sự thù địch của ông Trump đối với các đồng minh của Mỹ đã khiến ông Mattis phải ra đi.

Chính quyền Trump hiện được biên chế nhiều quan chức chưa được Thượng viện phê chuẩn. Họ tham gia êkip không phải vì trình độ mà vì họ trung thành với Tổng thống và sẵn sàng làm những gì ông nói.

Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tiết lộ, việc rút quân nhằm xoa dịu mong muốn của Tổng thống đối với Đức chứ không phải vì an ninh quốc gia của Mỹ thiếu lôgic và chiến lược.

Người ta có thể điều chỉnh cơ cấu lực lượng trong bối cảnh các động lực địa chính trị đang thay đổi ở châu Âu, ví dụ như tái định vị lực lượng ở Ba Lan hoặc Đông Nam Âu; chuyển quân đến Bỉ để hội nhập tốt hơn với NATO.

Quyết định của ông Trump rút bớt quân khỏi Đức chỉ là bước khởi đầu? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CBS News.

Nhưng một quyết định như vậy sẽ cần sự phối hợp và tham vấn với các cơ quan quân sự, các đồng minh của Mỹ trong khu vực và các thành viên Quốc hội.

Quyết định cũng đòi hỏi giải quyết các vấn đề về hậu cần và trả lời các câu hỏi về khả năng răn đe chống lại sự xâm lược của Nga. Nhưng không có bất cứ hành động nào trong số này được thực hiện.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump đã đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có thực sự tôn trọng các cam kết an ninh NATO của mình hay không và đã nhiều lần thảo luận về việc rút Mỹ khỏi NATO.

Ông Trump cũng đặt câu hỏi liệu Mỹ có bảo vệ một đồng minh hiệp ước hay không, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng Montenegro có "những người rất hung hăng", tự hỏi bản thân tại sao Mỹ phải bảo vệ?

Trong chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở NATO tháng 5/2017, Trump vẫn chưa tái khẳng định cam kết của mình đối với Điều 5 [nếu một quốc gia thành viên của NATO bị tấn công đồng nghĩa với cả NATO bị tấn công - ND].

Hy vọng tốt nhất cho NATO trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là Liên minh, và viễn cảnh Mỹ rút quân, chỉ đơn giản là không nằm trong tầm ngắm của vị Tổng thống dễ bị phân tâm. Nhưng việc ông Trump mong muốn cải thiện quan hệ với Nga gây rắc rối cho Liên minh.

Phá hoại liên minh NATO là mục tiêu chiến lược hàng đầu của Nga kể từ khi Liên minh này được thành lập sau Thế chiến II. Nga từ lâu kêu gọi rút các lực lượng Mỹ khỏi châu Âu.

Cựu Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Châu Âu Ben Hodges đã mô tả việc rút lực lượng khỏi Đức là “một món quà dành cho ông Putin”. có thể ông Hodges đã đúng.

Nhưng phần thưởng cuối cùng không nằm ở việc rút lui mà là những gì Nga có thể nhận được nếu ông Trump giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai. Việc Mỹ rút các lực lượng khỏi Đức có thể là một khởi đầu của những gì sắp xảy ra với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump - sự kết thúc của NATO.

Tháng 7/2020, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn về việc ông ta không mong muốn rút Mỹ khỏi NATO. Tuy nhiên, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng ông Trump có thể rút Mỹ khỏi NATO vào cuối năm nay.

Chính trị gia này đã nói điều đó trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Razon của Tây Ban Nha. Bolton làm rõ rằng, ông Trump có thể quyết định thực hiện bước đi này ngay cả trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, dự kiến vào ngày 3/11/2020.

Ông Bolton còn nói thêm rằng, Tổng thống Mỹ đương nhiệm có thể tuyên bố rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Còn nhớ, tháng 9/2019, Trump đã sa thải Bolton. Chủ nhân Nhà Trắng sau đó giải thích do ông và người cố vấn của mình có "bất đồng lớn" về nhiều vấn đề.

Ông Bolton bảo vệ cách tiếp cận cứng rắn nhất với Nga, Iran, Triều Tiên và Afghanistan, thường xuyên tranh luận với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và bản thân Tổng thống. Hơn nữa, ông Bolton buộc Cục Tình báo và Nghiên cứu (INR) của Bộ Ngoại giao Mỹ phải ủng hộ quan điểm và mục tiêu chính trị của ông.

Sau khi bị sa thải, Bolton đã viết “Căn phòng, nơi điều đó xảy ra - Hồi ký Nhà Trắng” (The Room Where It Happened: A White House Memoir), trong đó trình bày chi tiết các chi tiết của quá trình hoạch định chính sách ở Mỹ.

Trong cuộc bầu cử tới đây, đảng viên Cộng hòa Bolton đứng về phía các đối thủ của đương kim Tổng thống Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại