Minh họa/INT
Năm 1991, mạng toàn cầu World Wide Web chính thức hoạt động, mở ra kỷ nguyên thông tin mới cho nhân loại. Trong ba thập kỷ qua, dựa trên nền tảng Internet, nhiều tập đoàn công nghệ ra đời và dần chiếm lĩnh bảng xếp hạng những doanh nghiệp có giá trị cao nhất thế giới.
Sự phát triển của họ đã cho ra đời khái niệm "Big Tech", nghĩa là các công ty công nghệ lớn và thống trị ngành công nghệ thông tin như Meta (công ty mẹ của Facebook), Amazon, Apple, Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google).
Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ, các Big Tech đang thao túng nhận thức và cuộc sống của mọi người. Một trong những sự kiện thể hiện rõ nhất điều đó là vụ bạo động đồi Capital hôm 6/1/2021, khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tiến hành chiếm đóng tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Ngay sau sự kiện, Twitter và Facebook đã khóa tài khoản của ông Trump vì cho rằng ông đã kích động bạo lực. Sau đó, Apple, Amazon và Google đồng loạt đình chỉ Parler, ứng dụng mạng xã hội mà ông Trump và những người ủng hộ ông sử dụng.
Hành động trên thể hiện các biện pháp cứng rắn của Big Tech để ngăn chặn kích động bạo lực, tin xấu, tin giả. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên luồng tranh cãi về quyền lực ngày càng lớn của Big Tech nhưng không được kiểm soát.
Ngay cả Tổng thống Mỹ - một chính trị gia có quyền lực và ảnh hưởng lớn trên thế giới cũng có thể bị các Big Tech trừng phạt, thì ai sẽ trừng phạt Big Tech nếu nền tảng của họ chứa những nội dung tiêu cực?
Đó là câu chuyện của 2 năm về trước. Hiện nay, quyền lực của Big Tech không chỉ gói gọn trong phạm vi nhận thức thông tin, mà còn tác động lên kinh tế quốc gia và thế giới.
Tính đến tháng 10/2023, Apple kiểm soát 55% doanh số bán điện thoại thông minh ở Mỹ. Microsoft kiểm soát 70% hệ điều hành máy tính trên thế giới với khoảng 6 tỷ máy tính đang chạy hệ điều hành Windows. Hệ điều hành Android của Alphabet kiểm soát 71% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu trong khi 92% tìm kiếm được thực hiện trên Google.
Amazon chiếm 39% thị trường thương mại điện tử Mỹ. Còn mỗi nền tảng của Meta (Facebook, Instagram, WhatsApp hay Messenger) có hơn một tỷ người dùng. 77% người dùng Internet trên thế giới sử dụng ít nhất một sản phẩm của Meta.
Theo trang tin Pravda, các Big Tech có quyền lực ngang với vị thế của một quốc gia. Mức lợi nhuận hàng năm của họ thậm chí cao hơn GDP của một số quốc gia trên thế giới. Các Big Tech được ví như một cường quốc thế giới dù không có chính phủ nhưng họ nắm trong tay nhiều quyền lực từ nhận thức, chính trị đến kinh tế.
Điều này khiến các Big Tech trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng đối với xã hội nói chung. Họ biết mọi thứ về chúng ta từ quan điểm tôn giáo, chính trị, cho đến tình trạng quan hệ, tài chính, sức khỏe... Các thông tin bí mật, dữ liệu của chúng ta hoàn toàn có thể bị bán cho bên thứ ba.
Một ảnh hưởng tiêu cực khác là tính độc quyền của các Big Tech. Họ không chỉ chiếm phần lớn thị phần kinh doanh, tiêu dùng trên thế giới, mà còn thu hút nhân tài đến từ khắp nơi trên thế giới, làm các quốc gia đánh mất đi quyền kiểm soát tiềm năng khoa học.
Các Big Tech có quyền lực rất lớn, thậm chí ngang với một quốc gia, nên những tác động tiêu cực của nó cũng ảnh hưởng sâu rộng.
Để kiềm tỏa quyền lực của các Big Tech, hồi tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), hoạt động như "người gác cổng" kỹ thuật số. Đạo luật trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhằm chống lại sự thống trị, hạn chế quyền lực và mức độ ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ lớn.
Mỹ cũng dự kiến thông qua dự luật chống độc quyền trong năm nay nhằm kiểm soát sức mạnh của các Big Tech. Tuy nhiên, các chính sách hạn chế Big Tech nhìn chung mới dừng lại trong phạm vi quốc gia hoặc khu vực. Bất chấp những nỗ lực ngăn cản, các Big Tech vẫn nắm trong tay nhiều quyền lực và đe dọa ảnh hưởng lên mọi vấn đề, mọi quốc gia trên thế giới.