Quốc tửu Mao Đài của Trung Quốc trong vòng xoáy tham nhũng

Thủy Thu |

Việc nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần rượu Mao Đài Quý Châu vừa bị điều tra đã khiến dư luận Trung Quốc một lần nữa đổ dồn sự chú ý lên quốc tửu Mao Đài.

Những năm gần đây, cùng với chính sách chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc, bảng danh sách các quan chức nước này ngã ngựa liên quan đến rượu Mao Đài ngày càng nhiều.

Rượu Mao Đài vốn được gọi là "quốc tửu" của Trung Quốc, nay mặc nhiên trở thành "người phát ngôn" cho tham nhũng của Trung Quốc.

Là tham nhũng “lôi kéo” Mao Đài hay Mao Đài “sa đà” vào tham nhũng? Đây là câu hỏi được giới truyền thông Trung Quốc thường đặt ra.

Quốc tửu nổi phong ba

"Không có bất cứ sản phẩm nào liên hệ chặt chẽ với chính trị giống như Mao Đài. Mao Đài có ảnh hưởng và vai trò to lớn trong chính trị và ngoại giao của Trung Quốc.

Trong tiệc mừng độc lập năm 1949 của Trung Quốc, Mao Đài đã được chọn dùng trong quốc yến...” - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Mao Đài Viên Nhân Quốc nói.

Dư luận Trung Quốc cho rằng, Mao Đài Quý Châu với lịch sử hình thành hơn 60 năm và mối liên hệ mật thiết với chính trị Trung Quốc dần đang bị đẩy vào hố đen tham nhũng.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) hôm 25/3 cho hay, “đảng ủy tỉnh Quý Châu phê chuẩn bắt giữ điều tra nguyên Ủy viên đảng ủy Công ty TNHH rượu Mao Đài, nguyên Tổng giám đốc Công ty hữu hạn cổ phần rượu Mao Đài Quý Châu, Đàm Định Hoa bị do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".


Đàm Định Hoa (ngoài cùng, bên phải) trong cuộc tiếp đón hoàng tử Anh Andrew năm 2014. Ảnh: Hexun

Đàm Định Hoa (ngoài cùng, bên phải) trong cuộc tiếp đón hoàng tử Anh Andrew năm 2014. Ảnh: Hexun

Đây là quan chức thứ 2 của Trung Quốc bị ngã ngựa vì liên quan đến Mao Đài sau Đại hội ĐCSTQ khóa 18 (2012).

Trước đó, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mao Đài Phòng Quốc Hưng đã bị điều tra vào hôm 26/11/2014.

Nguyên Tổng giám đốc Công ty THHH Mao Đài Quý Châu, Kiều Hồng cũng bị ngã ngựa vì liên quan đến tham nhũng vào năm 2007.

Trang Đa chiều (Mỹ) nhận xét, dư luận Trung Quốc chẳng lạ lùng gì với giá thành bất động sản nước này tăng cao những năm gần đây.

Nhưng họ lại ít biết rằng, giá rượu Mao Đài còn tăng cao hơn giá bất động sản gấp nhiều lần trước Đại hội 18.

Thị trường “thao túng” khiến giá mỗi bình Mao Đài được đẩy lên cao chóng mặt. Mỗi bình có thể vài nghìn hoặc vài chục nghìn NDT.

Thậm chí, rất nhiều người Trung Quốc hiện đang đầu cơ tích trữ Mao Đài vì coi loại rượu này quý không khác gì vàng ròng hay ngoại tệ mạnh.

Chính điều này đã khiến Mao Đài được đẩy lên vị trí chẳng khác gì món hàng xa xỉ trong giới thượng lưu Trung Quốc.

Theo báo cáo thuế năm 2015, tập đoàn Mao Đài Quý Châu thu về 326 tỷ NDT với khoản lợi nhuận ròng lên đến... 155 tỷ NDT.

Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mao Đài, Lý Khắc Lương từng nói: “Mao Đài chính là một cỗ máy kiếm tiền”.

Chính tỷ suất lớn nhuận lớn cộng với lỗ hổng pháp lý và những "luật ngầm" đã định vị chặt chẽ việc kinh doanh Mao Đài.

Theo thông báo của nhà chức trách Trung Quốc vào 21/12/2015, Phòng Quốc Hưng bị điều tra do lợi dụng nhiều chức danh như: Phó thị trưởng, Thị trưởng, Bí thư thành ủy Nhân Hoàn, Quý Châu để tư lợi, nhận hối lộ bất hợp pháp.

Nhưng theo nguồn tin khác, Phòng Quốc Hưng và tham quan ngã ngựa trước đó là Kiều Hồng đã tham gia vào hệ thống kinh doanh Mao Đài và thường thông qua những thủ đoạn phi pháp để kiếm về những khoản lợi nhuận kếch xù.

Giới truyền thông Trung Quốc tiết lộ, Phòng Quốc Hưng đã dùng danh nghĩa của con trai mình là Phòng Tuấn và người nhà để đăng kí kinh doanh chuỗi nhà hàng rượu Mao Đài.

Theo thống kê, mỗi năm, mỗi cơ sở trong chuỗi nhà hàng này thu về số tiền khoảng 20-30 triệu NDT. Dư luận Trung Quốc ước tính, số tài sản của Phòng cũng phải lên đến bạc tỷ.

Thông tin Đàm Định Hoa bị điều tra cũng đã được lan truyền trước khi có thông tin chính thức.

Do đó, tuy ông này đã về hưu vào tháng 2/2015 nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay của CCDI. Có bình luận cho biết, sau khi bị điều tra, các nhân vật giấu mặt khác trong hệ thống của kinh doanh Mao Đài của Đàm cũng đã bị bắt giữ.

Thông tin chính thức về vụ điều tra này hiện vẫn chưa được chính quyền tiết lộ.

Mao Đài bị tham nhũng lôi kéo?

Theo Đa chiều, một ủy viên Chính hiệp đã từng đệ trình lên Trung Nam Hải “Đề án cấm dùng tiền công quỹ để mua rượu Mao Đài” tại kỳ họp "lưỡng hội" năm 2012.

Ngày 26/3/2012, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong phiên họp công tác chính phủ kiêm phiên họp thường kỳ Quốc vụ viện lần thứ 5 đã đề xuất “cấm dùng tiền công quỹ để mua thuốc, rượu và quà tặng cao cấp”.

Do đó, giá rượu Mao Đài đã bị giảm mạnh vào ngay hôm sau. Nhưng dư luận Trung Quốc cho rằng, lệnh tạm thời này của chính phủ Trung Quốc chỉ chữa được "vết thương ngoài da" mà chưa trị được tận gốc vấn đề.

Sau Đại hội 18, rất nhiều quan chức Trung Quốc bị ngã ngựa. Đa phần những quan chức này khi bị điều tra đều liên quan đến Mao Đài.


90 bình rượu Mao Đài tham nhũng được xếp thành chữ Hủ tại Quý Châu. Ảnh: Thời báo Đô thị Quý Châu.

90 bình rượu Mao Đài tham nhũng được xếp thành chữ "Hủ" tại Quý Châu. Ảnh: Thời báo Đô thị Quý Châu.

Vào tháng 12/2015, phòng Triển lãm giáo dục tác phong đảng thành phố Thanh Trấn, Quý Châu đã dùng 90 bình rượu Mao Đài lậu trong tổng số 124 bình để xếp thành chữ “Hủ” (腐), mang nghĩa là “hủ bại, tham nhũng”.

Lô rượu này được phát hiện do một cán bộ của Tổng liên đoàn lao động thành phố Thanh Trấn tàng trữ tại nhà riêng.

Rượu Mao Đài vốn là loại rượu chuyên dùng trong tiệc chiêu đãi của chính phủ Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây, hình thức bình gốm màu trắng đặc trưng Mao Đài lại dần trở thành danh từ riêng để ám chỉ việc tiệc nhậu dùng công quỹ của quan chức Trung Quốc.

Ngoài việc coi tiệc rượu là con đường để tiến thân, quan chức Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng theo hệ thống phân cấp thời phong kiến.

Ví dụ, lãnh đạo nào thì uống rượu nào, hút thuốc nào, ăn món nào, chơi môn thể thao nào, đi xe nào, ở nhà nào và đi nước nào v.v...

Đây dường như đã trở thành “luật bất thành văn” trên quan trường Trung Quốc. Do đó, rượu Mao Đài với danh xưng quốc tửu nghiễm nhiên trở thành công cụ giúp thân phận cấp cao của quan chức Trung Quốc trụ vững.

Dư luận Trung Quốc cho hay, 60% số lượng rượu Mao Đài ở Trung Quốc hiện nay do chính các quan chức nước này tiêu thụ.

Trong đó, sự kiện khiến dư luận Trung Quốc rúng động chính là sự kiện hàng nghìn thùng rượu Mao Đài của "hổ béo" quân đội Cốc Tuấn Sơn được phanh phui.

Theo một nguồn tin cho hay, khi điều tra Cốc, nhân viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật quân đội Trung Quốc đã tìm thấy hơn 1000 thùng rượu Mao Đài được giấu trong hầm rượu nhà ông này.

Đồng thời, cơ quan này còn phát hiện hàng loạt những sản phẩm giá trị khác như đồng hồ, trang sức và tranh vẽ nổi tiếng khác.

Hơn nữa có thể kể đến trường hợp cựu Bí thư đảng ủy Tập đoàn Y dược Thiên Tân Trương Kiến Tân đóng rượu Mao Đài vào các chai nước khoáng để uống tại văn phòng.

Hay 1853 bình rượu được giấu tại nhà riêng của cựu Cục trưởng Cục Công an Thanh Đảo, Phùng Việt Hân và chuyện mỗi ngày uống một bình rượu Mao Đài của cựu Phó thị trưởng Nhạc Dương, Hồ Nam, Trần Tứ.

Không chỉ bị giới quan chức "giật dây", nhiều năm gần đây, rượu Mao Đài còn còn bị những kẻ làm rượu giả thao túng.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, 90% lượng rượu Mao Đài được lưu thông trên thị trường là hàng giả. Nhưng theo một thông tin mới được tiết lộ, hầu hết lượng rượu Mao Đài giả này đều được sản xuất từ chính thị trấn Mao Đài, Quý Châu.

Thị trấn này chỉ có diện tích 87 km2 nhưng lại có hàng trăm cơ sở sản xuất rượu lớn nhỏ mà người ta có thể dễ dàng nhận ra rượu giả bằng mắt thường.

Dư luận Trung Quốc đang tự đặt câu hỏi, tình trạng rượu Mao Đài giả được sản xuất hàng loạt và mua bán tràn lan ngay diễn ra ngay trước chính quyền địa phương liệu có liên quan đến lợi ích của hệ thống quản lý nơi đây?

Hé lộ bàn tay bí mật "thao túng" quốc tửu

Đa chiều đưa tin, từ 19- 21/2 vừa qua giới doanh nhân Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị diễn đàn doanh nghiệp Trung Quốc lần thứ 16 tại tỉnh Hắc Long Giang.

Sự kiện này có nhiều ông lớn góp mặt như Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lenovo Dương Nguyên Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Qihu 360 Chu Hồng Huy, nhà sáng lập kiêm CEO Tập đoàn Jingdong Lưu Cường Đông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TCL kiêm CEO Lý Đông Sinh và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vanke Vương Thạch.

Theo thông báo, toàn bộ số rượu Mao Đài dùng trong suốt thời gian diễn ra sự kiện do Hiệp hội nghiên cứu Văn hóa quốc tửu Mao Đài Bắc kinh tài trợ.

Hiệp hội trên được thành lập vào năm 2009, do Chủ tịch danh dự Lý Khắc Lương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mao Đài, Viên Nhân Quốc và Chủ tịch HĐQT Công ty Thiệu Đức Bắc Kinh Lý Bách Đàm lãnh đạo, được mệnh danh là “sự tập hợp những tinh anh của giới nghệ thuật, văn hóa và kinh doanh”.

Người sáng lập Alibaba Jack Ma chính là Phó giám đốc đầu tiên của hiệp hội.

Có phân tích nhận xết, cú mạnh tay thực hiện chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền đã khiến rất nhiều "chính trị gia kiêm thương nhân" bị vạch mặt.

Trường hợp nổi tiếng nhất chính là cựu Chủ nhiệm Văn phòng trung ương Lệnh Kế Hoạch, cũng là người đứng đầu tổ chức “Tây Sơn hội”. Đây là hội kín quyền lực bí mật của những quan chức cao cấp có quê ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Hay tấm rèm bí mật "Bàn cổ hội" của Xa Phong - con rể cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Đới Tương Long - bị kéo xuống lật tẩy hàng loạt sự kiện tham nhũng.

"Bàn cổ hội" giống như "Tây Sơn hội", là mạng lưới được lãnh đạo bởi những nhân vật cốt cán của giới chính trị và kinh doanh.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, giai đoạn trước và sau tết Âm lịch 2014, những vụ tham nhũng liên tiếp bị CCDI phanh phui đã khiến ông Tập Cận Bình nổi đóa.

Dư luận cho rằng, Mao Đài được coi loại rượu trắng cao cấp tiêu biểu. Khi nó lọt vào “mắt xanh” và được hậu thuẫn bởi những nhà cầm quyền thì giá thành sẽ được đẩy lên mức không tưởng.

Và nếu một khi nó bị quyền lực lạnh lùng bỏ rơi hoặc kìm hãm sẽ khiến nó chìm nghỉm và bị đẩy vào “thị trường gấu” (ý chỉ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán).

Nhưng truyền thông Trung Quốc đánh giá theo tình hình thực tế hiện nay, hào quang của rượu Mao Đài vẫn còn tỏa sáng.


Con phố đi bộ với những gian hàng bán rượu Mao Đài nổi tiếng ở trấn Mao Đài, Nhân Hoài, Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: 163

Con phố đi bộ với những gian hàng bán rượu Mao Đài nổi tiếng ở trấn Mao Đài, Nhân Hoài, Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: 163

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại