Tuần trước, thế giới đã bỏ qua một diễn biến rất quan trọng ở Nga

Đức Huy |

Khủng bố ở Brussels hay chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tốn nhiều giấy mực của báo chí tuần trước, và khiến đa số bỏ qua một diễn biến vô cùng hệ trọng ở Nga.

Đương nhiên, những sự kiện nói trên đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thế giới, nhưng nếu xét đến những hệ lụy mang tính bước ngoặt đối với địa chính trị toàn cầu, thì chúng vẫn phải xếp sau một diễn biến ở Nga tuần qua mà không mấy chú ý đến.

Nhưng New York Times (NYT) đã không bỏ qua diễn biến này.

Nhà báo Andrew Kramer, trưởng đại diện NYT tại Moscow cho biết, tuần trước, trong nỗ lực nhằm cứu vớt nền kinh tế Nga đang chìm trong khủng hoảng, lãnh đạo nước này đã cân nhắc việc "đánh liều": áp đặt khung thuế mới cho ngành công nghiệp dầu khí.

Bước đi này đã được suy đi tính lại nhiều lần trước đây, nhưng nay nhiều khả năng sẽ chính thức được thực thi.

Và nếu điều đó xảy ra, thì theo đánh giá của nhà báo Max Fisher trên trang bình luận chính trị Vox, nó sẽ dẫn tới những hệ lụy mang tính bước ngoặt không chỉ cho tương lai của Nga, mà còn với cả thế giới.

Trước hết, hãy điểm qua một vài con số.

Khi giá dầu còn ở mức 100 USD/thùng, chính phủ Nga đánh thuế khoảng 74 USD trong số đó, theo số liệu phân tích của NYT. Ngoài ra, các tập đoàn dầu khí chi khoảng 15 USD chế biến dầu và xuất khẩu, như vậy lợi nhuận rơi vào khoảng 100 - 74 - 15 = 11 USD/thùng.

Nay, khi một thùng dầu chỉ bán được với giá 35 USD, thuế cũng chỉ còn 17 USD. Chi phí chế biến và xuất khẩu vẫn giữ nguyên, như vậy các tập đoàn dầu khí chỉ còn thu lãi khoảng 35 - 17 - 15 = 3 USD/thùng.

Chính phủ Nga phụ thuộc rất nhiều vào tiền thuế thu về từ ngành công nghiệp dầu khí, khi phải "gánh vác" gần một nửa (!) ngân sách nước này.

Và khi tiền thuế thu về tụt dốc từ 74 USD xuống chỉ còn 17 USD mỗi thùng, nền kinh tế Nga có thể nói đã gần như chạm đáy, thậm chí còn khiến các nhà phân tích lo ngại sẽ dẫn đến bất ổn chính trị.

Đó cũng chính là lý do tại sao giới chức chính phủ Nga đang mạnh tay đề xuất tăng thuế đối với ngành công nghiệp dầu khí.

Nhưng hãy thử nhìn sự việc từ góc độ của các tập đoàn dầu khí, lợi nhuận của họ cũng giảm từ 11 USD xuống chỉ còn 3 USD/thùng.

Ai cũng biết các tập đoàn dầu khí quyền lực đến mức nào, và họ còn thu lời được bằng nhiều cách khác bên cạnh xuất khẩu. Song nói đi cũng phải nói lại, các tập đoàn này bỏ ra rất nhiều tiền trong việc tìm kiếm và phát triển các nguồn khai thác mới.

Khoan dò, tìm kiếm, phát triển công nghệ nhằm tối ưu hóa khai thác, tất cả các công đoạn đều rất công phu, tốn nhiều công sức cũng như tiền của đầu tư, và có thể phải tốn đến hàng năm, thậm chí hàng thập kỉ, mới đem lại kết quả.


Các hoạt động tìm kiếm khai thác mỏ dầu mới sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế mới. Ảnh: AP

Các hoạt động tìm kiếm khai thác mỏ dầu mới sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế mới. Ảnh: AP

Khung thuế mới mà chính phủ Nga đang hướng tới áp đặt sẽ nhắm vào khoản tiền mà các tập đoàn dầu khí nước này dùng để chi trả cho các hoạt động tìm kiếm và phát triển nguồn khai thác nói trên. Trong tương lai gần, bước đi này sẽ giúp Moscow "nhẹ gánh" hơn rất nhiều trong ngân sách.

Nhưng về lâu về dài, các tập đoàn dầu khí bị cản trở trong việc phát triển nguồn khai thác biết làm thế nào khi các mỏ dầu hiện nay cạn kiệt?

"Nga làm vậy chẳng khác nào ăn quả ăn luôn cả hạt giống" - ông Kramer nhận định. Nhà báo này dẫn một chi tiết trong bản báo cáo mới nhất của bộ Năng lượng Nga, đó là đến năm 2035, bộ này dự kiến sản lượng dầu của Nga sẽ chỉ còn một nửa.

Nói cách khác, kể cả khi giá dầu có tăng trở lại, thì sản lượng của Nga khi ấy cũng đã giảm quá sâu để có thể giúp nền kinh tế nước này phục hồi.

Theo ông Kramer, đây cũng không phải lần đầu tình trạng này xảy ra. Cuối những năm 80 của thế kỉ trước, kinh tế Liên Xô đã kiệt quệ do giá dầu giảm đến mức điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác buộc phải "rút ruột" nền công nghiệp dầu khí nước này.

Cựu thủ tướng Nga
Yegor Gaidar
Giá dầu, chứ không phải cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, mới là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Tất nhiên Nga của ngày nay đã khác nhiều so với Liên Xô của những năm 80, và khả năng hệ thống chính trị Nga sụp đổ vì sức ép kinh tế rất khó xảy ra. Nhưng hậu quả những chính sách theo kiểu "thợ hàn" để lại luôn vô cùng nghiêm trọng, và Nga thời nay cũng không thể tránh khỏi.

Theo nhà báo Fisher, không sớm thì muộn, điện Kremlin sẽ phải làm một trong hai điều sau (hay thậm chí cả hai): đó là cắt giảm chi tiêu quân sự, con át chủ bài nâng tầm vị thế địa chính trị Nga, hoặc cắt giảm chi tiêu xã hội, một con dao hai lưỡi có thể gây bất ổn nội bộ.

Cái giá phải trả cho sự ổn định là rất đắt. Ông Fisher nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tại vị được nhiều nhiệm kì liên tiếp như vậy là nhờ được cả giới tài phiệt (hưởng đặc cách từ Putin), lẫn công chúng (đề cao năng lực bình ổn chính trị của Putin), ủng hộ.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng giữ ổn định tại các điểm nóng như Chechnya bằng cách chi tiền hậu thuẫn chính quyền nhà nước tự trị, qua đó kiểm soát và tránh đi vào vết xe đổ của năm 1999-2000.

Giới tài phiệt quá quen với phú quý, người dân quá quen với những dịch vụ xã hội đầy ưu đãi, và tất cả cũng đều quá quen một lực lượng quân đội Nga hùng mạnh bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa khủng bố, cũng như sự o ép của tư bản phương Tây.

Một khi Moscow xác định họ không còn cách nào khác và buộc phải áp dụng khung thuế mới nói trên để "sống qua ngày", thì hệ quả tất yếu là kinh tế Nga về lâu về dài sẽ trượt dốc, và những gì người dân Nga đã quá quen, đã mặc định có sẵn như trên, không thể tiếp tục tồn tại được nữa.


Người dân đã quá quen với hình ảnh quân đội Nga hùng mạnh.

Người dân đã quá quen với hình ảnh quân đội Nga hùng mạnh.

Buổi hoàng hôn của một cường quốc

Trong bối cảnh hiện nay, cả hệ thống chính trị trong nước cũng như vị thế của Nga trên trường quốc tế đều được xây dựng dựa trên nền móng của lợi nhuận thu được từ dầu khí.

Ngành công nghiệp quốc phòng tuy có phát triển mạnh, nhưng rõ ràng không thể gánh vác trọng trách của công nghiệp dầu khí. Còn sức mạnh quân sự của Nga ư? Thử hỏi nếu ngân sách hạn hẹp thì Moscow lấy đâu ra tiền để bạo chi quân sự như vậy?

Và theo ông Fisher, cái nền móng ấy của Nga đang bị phá vỡ từng ngày. Thực tế là Nga có thể sẽ suy thoái trong hàng thập kỉ tới, và vị thế một cường quốc có thể ngẩng cao đầu đứng ngang hàng với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh giờ chỉ còn là ánh hào quang quá khứ.

Brussels, Cuba, Syria, không thể phủ nhận những sự kiện tại đây có ý nghĩa rất lớn. Nhưng đề xuất tăng thuế dầu khí ở Nga, dù nhìn qua có vẻ không mấy quan trọng, mới thật sự là diễn biến mang tính bước ngoặt hàng đầu trong tình hình chính trị thế giới 7 ngày vừa qua.

Nó là điểm nhấn cho một thực tế đã hiện hữu trong nhiều năm trở lại đây - ánh hoàng hôn đã chiếu lên vị thế cường quốc của Liên bang Nga trên trường quốc tế.

Chưa rõ liệu những hệ lụy xuất phát từ chính sách thuế mới đối với ngành công nghiệp dầu khí Nga sẽ ra sao, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, hậu họa sẽ vô cùng, vô cùng nghiêm trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại