Vì sao Mỹ chỉ giúp đỡ Ukraine theo kiểu “nửa vời”?

Các hình ảnh vệ tinh do thám cung cấp cho chính phủ Kiev để hỗ trợ chiến đấu chống lại phe ly khai tại miền đông Ukraine đã được Mỹ làm giảm độ phân giải để tránh kích động Nga và làm lộ bí mật của Mỹ

Hồi năm ngoái, Nhà Trắng đã đồng thuận với lời đề nghị của chính phủ Ukraine về việc cung cấp hình ảnh và các nguồn tin tình báo để hỗ trợ quân đội Kiev chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy tại miền đông.

Tuy nhiên, trước khi chuyển những bức ảnh vệ tinh cho chính phủ Ukraine, các quan chức Mỹ đã làm mờ những vị trí quân sự nằm bên lãnh thổ Nga cũng như hạ độ phân giải về hoạt động bố trí quân của phe ly khai miền đông, khiến các tướng quân đội Kiev không thể nắm bắt rõ thông tin.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), việc làm này của Mỹ đã làm chậm thời gian chuyển các hình ảnh vệ tinh cho chính phủ Ukraine ít nhất là 24 giờ đồng hồ.

Bởi Washington muốn tránh cung cấp cho quan chức Ukraine những thông tin tình báo đúng thời điểm và chính xác bởi nó có thể kích động phản ứng quân sự từ Nga.

Thậm chí, những bức ảnh tình báo còn che khuất nhiều góc chụp để tránh khả năng nếu không may rơi vào tay người Nga, họ sẽ biết được năng lực tình báo của các vệ tinh Mỹ.

Ngoài ra, Washington còn thi hành những biện pháp hạn chế chia sẻ thông tin tình báo. Điển hình, vào mùa thu năm ngoái, chính phủ Mỹ đã chuyển các radar tầm ngắn cho Ukraine nhằm giúp quân đội Kiev phát hiện vị trí đối phương nã súng cối và pháo binh.

Nhưng Washington lại không cung cấp các bộ phận chủ chốt còn lại cho quân đội Kiev để giúp hệ thống này hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

Theo các quan chức Ukraine, những mặt hạn chế trên đã gây cản trở cho khả năng chiến đấu của quân đội chính phủ trước lực lượng ly khai "vốn được Nga huấn luyện kỹ càng và trang bị cho nhiều thiết bị quân sự tối tân".

Tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận mọi lời cáo buộc về việc hỗ trợ cho phe ly khai tại miền đông Ukraine đồng thời phương Tây cũng không đưa ra được bằng chứng nào về việc này.

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 chính thức ra đời hôm 12/2, các cuộc nã đạn pháo liên tiếp của phe ly khai cũng đã buộc quân chính phủ Kiev phải rút khỏi thành phố chiến lược Debaltseve.

Ngay cả khi các cuộc giao tranh tại Ukraine đang có dấu hiệu lắng dịu trong những ngày gần đây, hôm 26/2, phát biểu trước Ủy ban Quốc hội Mỹ, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, ông James Clapper vẫn tuyên bố quân ly khai miền đông dường như sẽ tiếp tục chiến đấu để giành quyền kiểm soát thành phố Mariupol.

Bởi đây là một thành phố cảng và công nghiệp quan trọng đóng vai trò cải thiện nền kinh tế cho các khu vực ly khai tại miền đông Ukraine.

Do đó, để lấp đi khoảng trống thiếu thông tin tình báo theo thời gian thực, chính phủ Kiev đã nhờ cậy nhiều quốc gia khác bao gồm Canada.

Tránh kích động Nga

Giới chức Mỹ nhấn mạnh các cơ quan tình báo và quân sự của nước này hiện đang cung cấp một số thông tin tình báo nhạy cảm cho vài người đồng cấp Ukraine mà Washington tin tưởng.

Tuy nhiên, những thông tin này chỉ đơn thuần là đưa cho họ xem chứ không phục vụ mục đích hỗ trợ quân đội Kiev trên chiến trường.

Hình ảnh vệ tin mà Mỹ cung cấp cho Kiev chỉ giúp chính phủ Ukraine nắm rõ hơn những gì xảy ra trên lãnh thổ quốc gia chứ không phải bên biên giới Nga.

Ngay cả chính quyền của Tổng thống Obama cũng đang bị chia rẽ sâu sắc về việc nên hay không cung cấp cho chính phủ Ukraine những thông tin tình báo hành động nhằm tiêu diệt đối phương.

Trong đó, Nhà Trắng còn đang tranh cãi về khả năng cung cấp các loại vũ khí sát thương cho quân đội Kiev và hiện chưa đưa được ra quyết định cuối cùng.

Ngoài ra, thay vì cung cấp thông tin tình báo hành động, giới chức Ukraine cho hay Mỹ đang chuyển sang kế hoạch trang bị radar phát hiện mục tiêu theo thời gian thực cho Kiev.

Bởi trước đây, mỗi khi chuẩn bị chuyển hình ảnh vệ tinh tình báo cho chính phủ Ukraine, Washinton thường làm mờ phần lãnh thổ Nga bao gồm những khu vực dọc biên giới Ukraine nơi mà lực lượng ly khai và quân đội Nga xây dựng cơ sở hoạt động quân sự.

Đồng nghĩa với việc, các bức ảnh vệ tinh chỉ nhằm hỗ trợ cho chính phủ Ukraine cái nhìn rõ hơn về những gì đang diễn ra trên lãnh thổ nước này chứ không phải là trên đất Nga.

Nguyên nhân là do giới chức Mỹ lo ngại Kiev có thể dùng hình ảnh vệ tinh do thám để tấn công vào những vị trí đóng quân trên lãnh thổ Nga, khiến căng thẳng quân sự leo thang.

Do đó, độ phân giải của các bức ảnh chỉ ngang bằng hình ảnh vệ tinh thương mại. Còn theo các tướng lĩnh Ukraine, họ thường không thể sử dụng những hình ảnh vệ tinh mà Mỹ cung cấp bởi chúng đã quá muộn so với tình hình thực tế.

Về phần mình, giới chức Mỹ cho biết các bức ảnh bị chuyển muộn từ một ngày hoặc thậm chí là hơn bởi họ còn phải phân tích và làm giảm độ phân giải. Nói cách khác, các bức ảnh vệ tinh tình báo đã được làm “giảm độ nghiêm trọng” trước khi Mỹ cung cấp cho đồng minh.

Trong trường hợp của Ukraine, các cơ quan tình báo Mỹ còn luôn canh cánh một điều rằng hoạt động chia sẻ hình ảnh vệ tinh có thể bị sử dụng sai mục đích trên chiến trường hoặc không may rơi vào tay tình báo Nga.

Bởi lây nay, tình báo Nga đã quá rõ từng ngõ ngách trong mạng lưới thông tin và giới chức Ukraine.

“Sự hỗ trợ này là vô ích. Chúng tôi không thể chờ cả một ngày để có được hình ảnh vệ tinh. Chúng tôi cần hình ảnh theo thời gian thực”, WSJ dẫn lời phó Chủ tịch Quốc hội Ukraine, ông Andriy Parubiy.

Theo ông Parubiy, người từng đảm nhận vị trí cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu cho Tổng thống Ukraine, thỏa thuận giữa Kiev và Canada sẽ cung cấp những hình ảnh vệ tinh theo thời gian thực và độ phân giải cao hơn so với Mỹ.

Nội bộ Mỹ bất hòa

Trong khi đó, quốc hội Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama đồng thời hối thúc Nhà Trắng gỡ bỏ một số hạn chế trong hoạt động chia sẻ tình báo nhằm giúp quân đội Ukraine chiến đấu hiệu quả hơn.

“Thông tin quá cũ là điều không hay. Khi bàn tới vấn đề quốc phòng, thì thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng”, nghị sĩ Randy Forbes khẳng định.

Còn theo nghị sĩ John McCain thuộc đảng Cộng hòa tại bang Arizona, phe ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine đang nhận tiếp nhận các máy bay không người lái và nhiều hệ thống tình báo thời gian thực từ Nga.

Trong khi đó, Ukraine cũng từng đề nghị phía Mỹ cung cấp các máy bay không người lái trinh sát hoạt động tầm cao nhằm giúp thu thập dữ liệu chiến trường theo thời gian thực.

Giới chức Mỹ cho hay họ đang tiến hành thảo luận về khả năng chuyển các máy bay không người lái tầm thấp cho phía quân đội Kiev nhưng lại lo ngại Nga sẽ gây nhiễu sóng hoặc bắn rơi chúng.

Quân đội Ukraine sử dụng máy bay không người lái tại khu vực chiến sự miền đông.

Hiện tại, Mỹ đã trang bị cho Ukraine hệ thống radar phản cối tầm ngắn hay còn gọi là TPQ-48, giúp xác định vị trí bắn pháo cối và pháo binh của đối phương trong khoảng cách gần 6,5 km.

Tuy nhiên, Mỹ lại không cung cấp phần mềm và một số linh kiện quan trọng khác giúp quân đội Ukraine có thể dùng TPQ-48 bắn trả tự động trước làn đạn từ phe ly khai.

Ngoài ra, chính quyền Ukraine cũng đã đề nghị Mỹ hỗ trợ hệ thống radar tầm ngắn hiện đại TPQ-49 cũng như 2 hệ thống radar phản pháo tầm xa TPQ-36 và TPQ-37, có khả năng phát hiện vị trí bắn pháo và rocket của đối phương ở khoảng cách gần 50 km.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ đang thận trọng xem xét đề nghị trên. Thậm chí, một quan chức trong chính quyền Tổng thống Obama khẳng định Mỹ không có đủ số lượng radar tầm xa trên để hỗ trợ cho Ukraine.

Không nản lòng, Ukraine còn tiếp tục đề nghị Mỹ cung cấp các tên lửa Javelin, giúp phá hủy xe tăng thiết giáp của Nga. Song, phía quan chức Mỹ cho rằng Ukraine nên tìm đối tác khác để đưa ra đề xuất này.

Hiện nay, Estonia, Lithuania và Ba Lan, 3 quốc gia trong khối NATO, đều đang sở hữu loại tên lửa Javelin.

Tuy nhiên, các nước trong khối NATO đã nhất trí sẽ cùng bàn bạc trước khi một thành viên nào đó có ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, một quốc gia không phải thành viên trong khối.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại