Ukraine: Vì sao phương Tây chỉ có thể trông chờ vào Merkel?

Anh Thư |

(Soha.vn) - Thủ tướng Đức đang ở vị thế tốt nhất để duy trì đối thoại với Putin, làm dịu căng thẳng Ukraine. Song “bài tập” phải được sự phối hợp chặt chẽ từ các đối tác của mình.

Angela Merkel có một nỗi sợ hãi: Những con chó. Và ông Putin đã tặng bà thứ gì trong chuyến thăm Nga hồi tháng 1/2006? Một con chó bằng bông! Khi vừa mới đắc cử, nhằm đánh dấu sự cắt đứt với người tiền nhiệm Gerhard Schroder, vốn rất thân với Tổng thống Nga, bà đã nhân chuyến thăm Moscow để gặp gỡ phe đối lập tại Nga. Một năm sau đó, khi tiếp bà tại dinh thự riêng ở Crimea, ông Putin đã để cho con chó săn cưng Koni của mình nhảy lên cổ bà Thủ tướng. Nhà báo Stefan Kornelius viết trong cuốn tiểu sử của Thủ tướng Đức: “Ngày hôm nay cũng vậy, không khí đối đầu này giữa bà Merkel và ông Putin vẫn còn”.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeirer, khi châu Âu trải qua “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”, mong muốn thoát khỏi khủng hoảng được đặt lên trên cả mối quan hệ kỳ cục này. Angela Merkel giờ đây là nhà lãnh đạo duy nhất của phương Tây mà ông Putin thực sự tôn trọng.

Bà Thủ tướng lớn lên tại Đông Đức, biết nói tiếng Nga. Theo ông Stefan Meister, ủy viên Hội đồng châu Âu về đối ngoại (ECFR): “Bà hiểu cái mà nhiều người khác không hiểu”. Ngược lại cũng vậy. Putin nói rất sõi tiếng Đức, thứ tiếng mà ông cũng truyền cảm hứng cho các con của mình. Tổng thống Nga từng là một điệp viên KGB ở Dresden khi bức tường Berlin sụp đổ.

Sự hiểu nhau pha chút hoài nghi nói trên đã được làm sáng tỏ vào năm 2008, khi Thủ tướng Đức ngăn cản ý định của Mỹ đưa Ukraine và Gruzia vào NATO, vì điều này chẳng khác nào “xúc phạm” Tổng thống Nga. Sáu năm sau, các chuyên gia Đức tự hỏi bà đã tránh rất hiệu quả một cuộc xung đột với Moscow, hay ngược lại, đã thất bại trong việc kéo Kiev vĩnh viễn thoát khỏi “vạt áo” Liên Xô cũ? Kể từ đó, ông Putin thấy bà là một đối tác khó nhằn, nhưng cũng đáng tin cậy, dù niềm tin của họ hoàn toàn khác nhau.

Bà Angela là lãnh đạo phương Tây duy nhất mà Tổng thống Putin tôn trọng.

Bà Angela là lãnh đạo phương Tây duy nhất mà Tổng thống Putin thực sự tôn trọng.

Dù sao đi nữa, Đức vẫn được kêu gọi đóng một vai trò chủ chốt. Quan hệ địa chính trị, văn hóa và kinh tế của Đức với phương Đông gắn kết họ với vai trò này. Đức nằm rất gần Lemberg, thành phố du lịch của Ukraine, bằng cách này Paris và Berlin có thể bước một bước là sang phương Đông. Đức có 3 triệu người nói tiếng Nga (gần bằng số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ), chủ yếu đến từ các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Chính vì vậy, họ rất quan tâm tới những căng thẳng ở Crimea. Họ có mặt trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, giống như trước đây, hồi xảy ra thảm họa hạt nhân Tchernobyl.

Quan hệ kinh tế cũng giúp giải thích sự quan tâm này: Đức mua 1/3 nhu cầu dầu khí của mình từ Nga và kim ngạch trao đổi giữa hai nước đạt gần 80 tỷ euro. Đó là toàn bộ vấn đề của Merkel, người không thể cắt đứt quan hệ với đối tác thương mại lớn này và phải tỏ ra đáng tin cậy trong các đe dọa trừng phạt kinh tế của mình. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lo ngại: “Sự phụ thuộc của Đức vào khí tự nhiên của Nga có thể hạn chế đáng kể quyền quyết định của châu Âu”. Nhưng tại Berlin, người ta đáp lại rằng Đức cũng không thể bị Moscow bỏ rơi, ngay cả khi Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm. Vì một lý do đơn giản: một nửa ngân sách Nga phụ thuộc vào việc xuất khẩu khí đốt.

Trong khi chính phủ mới ở Đức tự hỏi về trách nhiệm quốc tế của mình, họ sẽ xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine thế nào? Trước tiên là “phải phối hợp chặt chẽ với các đối tác của mình”, như bà Merkel đã nhắc lại trong một bài diễn văn trang trọng gần đây tại Bundestag (Quốc hội Đức). Berlin biết rằng Moscow chỉ chờ đợi một điều: sự chia rẽ giữa các đối tác châu Âu, và cả với Mỹ. Cũng không phải vô tình mà ông Putin đã đón nhận cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden, người đã có những tiết lộ kinh hoàng về các vụ nghe lén của NSA – nhất là nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức – gây những căng thẳng lớn giữa Berlin và Washington.

Đến giờ, dù có quan điểm khác nhau về tốc độ và mức độ trừng phạt Nga, nhưng Mỹ và Đức vẫn khá thống nhất. Cũng như các nước châu Âu buộc phải phối hợp với nhau từ sau cuộc khủng hoảng đồng euro. Thành công này nhờ rất nhiều vào sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier với người đồng cấp Pháp Laurent Fabius, và người đồng cấp Ba Lan Radoslaw Sikorski, dù sự can thiệp chung của họ vào Kiev rốt cuộc dẫn tới việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovitch phải trốn sang Nga và làm bùng nổ cuộc khủng hoảng với Moscow.

Theo tờ New York Times, sau khi vô tình mắc lỗi vì nghĩ rằng ông Putin cũng có lý, bà Merkel giờ đây đã nói với Tổng thống Barack Obama rằng Tổng thống Nga đã đánh mất tính thực dụng. Nhưng, 100 năm sau khi bùng nổ chiến tranh thế giới Hai, bà Thủ tướng sẽ là người cuối cùng chĩa mũi súng quân sự vào cách hành xử của ông Putin. Giờ đây, các nỗ lực ngoại giao cũng như đề xuất của bà về nhóm tiếp xúc giữa người Ukraine, người Nga và người châu Âu không mang lại kết quả nữa. Các biện pháp trừng phạt dường như là khó tránh. Sự đối đầu Merkel – Putin chỉ mới bắt đầu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại