1. Ukraina có thể nhờ cậy những tòa án quốc tế nào?
Phát biểu tại Brussels hồi đầu tháng này, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya tuyên bố: "Chúng tôi coi Crimea là phần không thể thiếu của Ukraine. Và chúng tôi đang có kế hoạch kiện Nga ra toà án quốc tế vì sáp nhập Crimea . Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ quốc tế , chúng tôi có thể lấy lại Crimea ". Trong phát biểu này, ông Andriy Deshchytsya không nhắc đến việc Ukraine định thưa kiện ở tòa án cụ thể nào.
Nhưng những sự lựa chọn hiển nhiên cho Ukraine chỉ có 2 tòa án quốc tế ở Hague (Hà Lan). Một là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp của Liên Hợp Quốc. Hai là Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), cơ quan lâu đời nhất của thế giới chuyên đứng ra phân xử và giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia.
2. Ukraine muốn Nga bồi thường như thế nào?
Kiev có rất nhiều cái cớ để thưa kiện. Quan trọng nhất là mất quyền chủ quyền lãnh thổ đối với Crimea. Sau đó là những thiệt hại vì mất các tài sản nhà nước tại bán đảo này.
Tài sản nhà nước bao gồm mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng như các tòa nhà hành chính, cầu đường, trường trạm; các tài sản, trang thiết bị dân sự và quân sự (tàu, máy bay, vũ khí…) cho đến nguồn tài nguyên dồi dào như dầu và khí đốt tự nhiên ngoài khơi bán đảo Crimea. Kiev từng tính đẩy mạnh khai thác dầu và khí đốt tại đây để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Ukraine kỳ vọng kiện Nga ra tòa để đòi lại lãnh thổ và tài sản đã mất hoặc chí ít cũng phải đòi Nga bồi thường “hàng tỷ” thiệt hại Moscow gây ra cho họ.
3. Ukaine có bao nhiêu % thắng kiện?
Để có khả năng thắng kiện, đòi được những thứ đã mất Ukraine sẽ phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt và hứa hẹn vô vàn khó khăn. Phần trăm thắng kiện mà Ukraine có, tuy nhiên, phụ thuộc vào việc Nga có đồng ý tham gia vụ kiện này cũng như chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế hay không.
Tòa án dân sự quốc tế chuyên giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia có chủ quyền chỉ có quyền tài phán đối với trường hợp vi phạm một hiệp ước song phương hoặc đa phương cụ thể mà cả 2 nước đã ký kết.
Ngoài ra, không giống như tòa án hình sự quốc tế, cả 2 nước phải công nhận quyền của tòa án dân sự quốc tế để phán xử như một trọng tài trong tranh chấp về hiệp ước đó. (Tòa án hình sự quốc tế có quyền triệu tập các đối tượng ra xét xử nếu các đối tượng đó vi phạm pháp luật quốc tế. Các đối tượng buộc phải chấp hành nếu không sẽ bị cưỡng chế).
Giải thích về điều này, chuyên gia luật quốc tế tại Trường Luật Leiden ở Hà Lan Eric De Brabendere nhận định: "Nguyên tắc chính là các quốc gia luôn bình đẳng trước luật pháp quốc tế nên cả hai phải chấp thuận thủ tục giải quyết tranh chấp của một tòa án trọng tài hoặc tòa án quốc tế. Bạn thực sự cần sự chấp thuận của cả 2 nước (Nga, Ukraine). Ukraine đương nhiên muốn giải quyết tranh chấp thông quan tòa án quốc tế. Nhưng theo quan điểm của tôi, Nga sẽ không chấp nhận”.
Trong trường hợp Ukraine có thể chứng minh Nga đã phá vỡ một điều ước quốc tế mà Moscow đã ký kết trước thời điểm tòa án quốc tế phân xử tranh chấp, tòa có thể vẫn xét xử và ra phán quyết bất chấp sự vắng mặt của Nga. Dù tòa không có quyền hạn thực thi phán quyết hoặc trừng phạt Nga vì phớt lờ vụ kiện nhưng Kiev sẽ có một chiến thắng mang tính biểu tượng quan trọng.
Song trên thực tế, nhiều nhà phân tích nhận định, Nga sáp nhập Crimea là một quá trình rất phức tạp dẫn đến việc rất khó để chứng minh nước này vi phạm bất cứ hiệp ước nào từng ký với Ukraine. Quá trình sáp nhập bao gồm 2 bước.
- Bước thứ nhất là chính phủ ly khai ủng hộ Nga ở Crimea tuyên bố độc lập và không công nhận tính hợp pháp của nhà nước Ukraine.
- Bước thứ 2 chính là chấp nhận sáp nhập một nhà nước độc lập sau khi nhà nước đó tổ chức trưng cầu dân ý tự nguyện xin gia nhập Liên bang Nga.
Theo nhiều chuyên gia, thứ mà Ukraine có nhiều khả năng lấy lại được nhất chỉ là các tàu hải quân. Giám đốc Viện Luật Biển Hà Lan thuộc Đại học Utrech kiêm Giáo sư tại Trung tâm Jebsen về Luật Biển tại Đại học Tromso ở Na Uy, Alex Oude Elferink nhấn mạnh, việc Nga chiếm và tiếp quản các tàu Hải quân Ukraine là vi phạm luật quốc tế.
“Các tàu chiến và tàu chính phủ được sử dụng cho các mục đích phi thương mại được hưởng quyền miễn trừ trong lãnh hải của quốc gia khác. Quy định này cũng áp dụng cho các tàu chiến neo đậu trong cảng của một quốc gia khác. Do đó, tôi cho rằng, không có bất cứ cơ sở nào để Nga tiếp quản các tàu hải quân của Ukraine tại Crimea”, ông Alex Oude Elferink cho biết.
4. Kiện Nga để tiếp tục cô lập nước này?
Trong suốt cuộc xung đột với Nga, Ukraine luôn kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia phương Tây để cô lập Nga thông qua biện pháp trừng phạt. Mục đích là để gây áp lực với Moscow, ngăn chặn nước này can thiệp vào Ukraine và để đàm phán chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Việc kiện Nga ra tòa án quốc tế cũng là một phần của chiến lược đó. Ngay cả khi việc kiện Nga vô cùng khó khăn và Moscow tất yếu sẽ phản đối vụ kiện, quá trình công khai thưa kiện của Ukraine có thể phần nào hạ thấp hình ảnh của Nga và từ đó, có khả năng buộc Moscow phải điều chỉnh hành vi.
Chuyên gia Viện T.M.C Asser, Olivier Ribbelink, cố vấn pháp lý ở Hague giải thích: Các quốc gia phải quan hệ với các quốc gia khác. Do đó, họ luôn phải xây dựng hình ảnh trong mắt các quốc gia khác. Họ muốn duy trì hình ảnh là một đối tác ngoại giao và kinh doanh đáng tin cậy và được xem là đáng tin cậy bởi lợi ích lâu dài của họ phụ thuộc vào điều này. Không nước này muốn bị lôi ra tòa án quốc tế với cáo buộc vi phạm các thỏa thuận bởi danh tiếng của họ sẽ bị ảnh hưởng.