Báo Vglyaz (Nga) dẫn lời Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA cho biết: “Do những hành động xâm hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine mà Nga đang thực hiện, NASA đã ngừng một phần lớn hợp tác với Nga. Tuy nhiên, NASA và ROSCOSMOS (Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga) sẽ tiếp tục phối hợp trong việc đảm bảo các hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế ISS một cách an toàn và liên tục”.
Việc đơn phương cắt đứt hợp tác với Nga sẽ gây hại cho NASA nhiều hơn. Quan điểm này được một đại diện NASA tại thuộc Trung tâm quản lý bay Korolev, ngoại ô Moscow, ông Alexander Koptev phát biểu với Itar-Tass vào hôm thứ Năm vừa qua.
Ông cũng lưu ý rằng, riêng với các hoạt động liên quan đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) thì việc Mỹ có ngừng hợp tác hay không không ảnh hưởng gì đến Nga. Tất nhiên, phía Mỹ (NASA) có quan hệ với Nga không chỉ trong lĩnh vực hợp tác ISS. NASA còn tích cực hợp tác với Viện nghiên cứu vũ trụ của Nga. Mối quan hệ này chưa rõ sẽ bị ảnh hưởng ra sao sau tuyên bố của NASA.
Koptev đặc biệt nhấn mạnh rằng, phần lớn các chương trình hợp tác vũ trụ của Mỹ và Nga có lợi cho NASA. “Nếu Mỹ quyết định ngừng hợp tác vũ trụ với Nga thì chính Mỹ sẽ bị thiệt hại hơn” - chuyên gia này khẳng định.
NASA đang có ý định nhanh chóng xây dựng một tàu vũ trụ có người lái và thoát khỏi “sự phụ thuộc vào Nga” trong quá trình đưa phi hành gia lên ISS. “Nếu Quốc hội không cung cấp những phương tiện cần thiết thì Mỹ sau này sẽ còn phải trả nhiều triệu USD cho Nga” - cơ quan này cảnh báo.
Hiện việc đưa các phi hành đoàn quốc tế lên ISS, trong đó có cả các đại diện người Mỹ, được thực hiện chỉ bằng các tàu vũ trụ Soyuz của Nga theo một thỏa thuận giữa NASA và ROSCOSMOS có giá trị tới cuối năm 2017. Theo truyền thông Mỹ, để có được một chỗ trong cabin của Soyuz, Mỹ phải trả khoảng 70 triệu USD.
Vấn đề động cơ RD-180
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng thông báo rằng, Lầu Năm Góc đang xem xét vấn đề giảm sự phụ thuộc vào các động cơ vũ trụ RD-180 của Nga. Thực tế Mỹ đang phải sử dụng động cơ RD-180 để phóng tên lửa đẩy Atlas-5 nhằm đưa các vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó có các vệ tinh quân sự theo đơn đặt hàng của chính phủ.
Thứ trưởng Không quân Mỹ Eric Fanning trước đó thừa nhận rằng, Mỹ đang nỗ lực bảo vệ mình khỏi nguy cơ gián đoạn trong việc cung cấp động cơ đẩy RD-180. Họ đã tính tới việc tự sản xuất. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ có dự trữ các động cơ RD-180 mua từ Nga, đủ để tiến hành phóng Atlas tới tận năm 2016.
Còn chuyên gia trong lĩnh vực vũ trụ-quân sự, thành viên của tạp chí News of Cosmonautics, ông Yuri Lisov cho rằng, Mỹ đã mua 50 tổ hợp động cơ này, trong khi đó mới chỉ sử dụng có 35 tên lửa nên còn lại 15 tổ hợp.
Chuyên gia này cũng khẳng định rằng, trong trường hợp đóng các dự án song phương khác thì chính người Mỹ sẽ bị tổn hại: “Điều này không chỉ liên quan tới các hoạt động trên ISS, mà còn liên quan tới hoạt động của các thiết bị do Nga cung cấp cho các hệ thống của Mỹ theo các thỏa thuận liên chính phủ”. Tối thiểu là có 4 thiết bị như vậy đang phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học với hiệu quả cao.
Mỹ không mua động cơ, Nga sẽ bán trong nước
Nếu ngừng hợp tác vũ trụ với Nga, Mỹ sẽ phải tính cách xoay sở khi thiếu đi nguồn cung cấp động cơ RD-180 cho tên lửa đẩy.
Trong khi đó, Nga lại hoàn toàn chủ động cho đầu ra của các động cơ RD-180 của mình. Lisov cho rằng, cơ quan thiết kế Energomash của Nga chuyên sản xuất các động cơ RD-180 có thể bắt đầu cung cấp những động cơ này cho các tên lửa đẩy loại Soyuz 2.1v. “Trong trường hợp Mỹ từ chối hợp tác, Energomash có thể chuyển hướng hoạt động sản xuất cho thị trường trong nước” - Lisov nhấn mạnh.
Mark Melakovski, nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề Y-Sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết ông tin tưởng rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Nga cũng không bị thiệt hại. “Chúng tôi đủ mạnh. Mức độ hoạt động của các nhà khoa học và chuyên gia Nga đã đạt tới mức mà nếu lệnh trừng phạt được áp dụng thì tôi không tin rằng nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công việc của chúng tôi” – ông khẳng định.
Đối với chỗ trên tàu Soyuz nếu Mỹ không còn thuê của Nga, ông Alexander Zheleznyakov, viện sĩ Viện Vũ trụ Tsiolkovski của Nga cho biết: “Hiện tất cả các chỗ trống trên tàu Soyuz Nga đều dành cho nước ngoài. Nhưng chúng tôi có những lợi ích quốc gia và các chương trình nghiên cứu riêng. Và các chỗ trống trên tàu Soyuz có thể được chính những phi hành gia của Nga sử dụng” - chuyên gia này khẳng định.