Trung Quốc và chiến dịch “ghẻ lạnh” Triều Tiên

Trong lúc “hục hặc” với nhiều quốc gia láng giềng cả trên biển và đất liền, Trung Quốc đang có dấu hiệu “nhắm” tới mục tiêu mới, đồng minh Triều Tiên.

Mối quan hệ “máu thịt” của Trung Quốc với Triều Tiên – một thời được ví như “răng và môi” – đang xấu đi nghiêm trọng. Sự khác biệt lớn giữa một Tập Cận Bình quyết liệt và đầy tinh thần dân tộc của Trung Quốc và một Kim Jong-un của Triều Tiên non trẻ, bướng bỉnh và quyết đi theo con đường riêng đã khiến mối quan hệ song phương ngày càng lạnh nhạt.

Theo tác giả Brahma Chellaney trên trang Japantimes, Triều Tiên đã trở thành mục tiêu của chiến dịch xuyên tạc thông tin do Trung Quốc “đạo diễn” sau khi xử tử một trong những người bạn đáng quý nhất của Bắc Kinh, ông Jang Song Thaek.

Ông Jang, “đầu mối chính” kết nối Trung Quốc với chính quyền Triều Tiên đã bị kết án và xử tử ngày 12/12/2013 vì tội phản quốc, trong đó có âm mưu đảo chính và bán rẻ tài nguyên quốc gia (như than đá, đất đai và kim loại quý) cho một “quốc gia bên ngoài” – ám chỉ tới Trung Quốc.

Sự việc này đã khiến ông Tập Cận Bình và nhiều quan chức Trung Quốc khác tức giận – một vị tướng nước này cảnh báo rằng Triều Tiên đang vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và một số nhân vật trong chính phủ kêu gọi chính sách “cứng rắn” với Bình Nhưỡng.

Các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã “ngó lơ” trước những bài viết bôi nhọ Kim Jong-un xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội nước này.

Ngay sau khi Triều Tiên xử tử ông Jang, Wen Wei Po (Văn Hối báo), một tờ báo nhỏ của Hồng Kông thân cận với Đảng Cộng sản Trung Quốc, loan tin rằng Kim Jong-un đã hành quyết chú rể của mình bằng hình phạt “lột hết quần áo rồi cho 120 con chó đói xé xác”.

Sau đó ngày 24/12, tờ Straits Times (Singapore) đưa lại và đến ngày 3/1, tin đồn này đã được truyền thông trên khắp thế giới đăng tải.

Ngày 3/1, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt viết trên trang Twitter của mình: “Ở đây điều thực sự thú vị là cậu chuyện dường như do giới chức Bắc Kinh dựng lên”.

Việc bôi nhọ Triều Tiên, một quốc gia cô lập và ngoan cố, có vẻ dễ dàng do chính quyền Bình Nhưỡng làm việc theo phong cách khép kín và rất ít thông tin về quốc gia này được lọt ra ngoài. Dư luận thế giới sẵn sàng tin vào bất kỳ câu chuyện gì về Triều Tiên, đặc biệt bởi vì không có con đường nào kiểm chứng các câu chuyện đó.

Trong khi đó, truyền thông quốc tế đặc biệt yêu thích những câu chuyện về các nhà lãnh đạo độc tài, bất chấp nguồn tin có đáng tin cậy hay không và nội dung câu chuyện có thể đi xa sự thật thế nào.

Trong trường hợp này, bản thân chính quyền Triều Tiên đã đề cập tới chủ đề “chó” khi công khai sỉ vả ông Jang là người “tồi tệ hơn một con chó”. Tuy nhiên, điều quan trọng là câu chuyện xử tử bằng chó đói chưa được kiểm chứng này không bắt nguồn truyền thông ở Hàn Quốc, nơi các nhà báo thường theo dõi sát sao tình hình Triều Tiên thông qua các nguồn tin tình báo và những người đào ngũ.

Câu chuyện trên mang những nét đặc trưng của Trung Quốc trong đó có sự xuất hiện của những con số chính xác – 120 con chó, đói trong vòng 5 ngày và vụ xử tử diễn ra với sự quan sát của 300 quan chức Triều Tiên.

Dùng các con số làm biểu tượng vẫn luôn được người Trung Quốc coi trọng.

Các “chiến binh xuyên tạc” của Trung Quốc đã thất bại trong việc tạo ra sự huyền bí của tin đồn khi đưa ra các con số “quá” chính xác: 120 con chó đói và 300 quan chức Triều Tiên. Vì thế câu chuyện “120 con chó đói ăn thịt ông Jang” là chỉ là câu chuyện bịa đặt rất “rẻ tiền”.

Do đó, nhiều khả năng ông Jang bị xử tử theo phương thức thông thường mà Triều Tiên áp dụng – xử bắn.

Thực ra, Trung Quốc đã học một số mánh khóe xuyên tạc từ Mỹ, quốc gia có “đặc trưng” chuyên bôi nhọ các nhà độc tài bị nước này bỏ rơi sau khi “hết tác dụng”.

Tuy nhiên, nếu xa lánh Triều Tiên, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc “cô độc” bởi nước này không có đồng minh thực sự nào, trong khi đó Mỹ, theo tuyên bố của Wasington, có tới 27 đồng minh quân sự và một số đối tác chiến lược khác. Hiện Bắc Kinh không có phương án nào tốt cho mối quan hệ với Triều Tiên, đặc biệt sau khi ông Jang bị xử tử và chính quyền Bình Nhưỡng thanh trừng một số phần tử thân Trung Quốc khác.

Kim Jong-un vẫn tự xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo cứng rắn và sẽ không cho phép Trung Quốc coi Triều Tiên như “nước chư hầu”. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, người khai sinh ra Triều Tiên, đã thực hiện 37 chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc, còn cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng tới nước này 9 lần. Trong khi đó, kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, Kim Jong-un chưa lần nào tới thăm Trung Quốc.

Kim Jong-un không muốn Triều Tiên lệ thuộc vào Trung Quốc.

Phớt lờ lời kêu gọi khẩn thiết của chính quyền ông Tập Cận Bình rằng Triều Tiên nên kiềm chế, Kim Jong-un ra lệnh thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo vào cuối năm 2012 và tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba vào tháng 2/2013. Sự bướng bỉnh của Kim Jong-un đã buộc Trung Quốc phải ủng hộ các lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên, khiến mối quan hệ Trung – Triều càng xấu hơn.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về vấn đề Triều Tiên của Trung Quốc là rất “khó gỡ” do Bắc Kinh không muốn Bình Nhưỡng sụp đổ. Nếu chính quyền Triều Tiên tan rã, hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất và là đồng minh của Mỹ. Trung Quốc đang có tranh chấp về lãnh thổ và tài nguyên với Triều Tiên và một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ thừa kế vấn đề này. Tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước tập trung ở hồ nước Chonji trên đỉnh Paektu – nơi biên giới Trung – Triều chưa được phân định và một số hòn đảo ở 2 con sông Yalu và Tumen phân chia hai nước.

Thực ra, tranh chấp lãnh thổ Trung – Triều không chỉ về khu vực biên giới, Trung Quốc còn đưa ra tuyên bố dựa theo chủ nghĩa xét lại lịch sử rằng vương quốc Koguryo ở châu thổ sông Tongge ở phía bắc Triều Tiên là của người Trung Quốc chứ không phải của người Triều Tiên.

Một báo cáo hồi tháng 12/2012 của Thượng viện Mỹ cảnh báo, Trung Quốc “có thể đang tìm cách tạo cơ sở để trong tương lai sẽ tuyên bố chủ quyền với bán đảo Triều Tiên”.

Trong khi chính sách của Washington về Triều Tiên chỉ tập trung vào riêng vấn đề vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh lại tìm cách gây ảnh hưởng về mặt địa chính trị và “nhòm ngó” tới các mỏ kim loại ở Triều Tiên. Trung Quốc cũng muốn ngăn chặn Nga và Nhật Bản tiếp cận và cản trở Hàn Quốc “xâm chiếm” Triều Tiên.

Về phần mình, chính quyền Kim Jong-un đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Mỹ để tránh lệ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc.

Brahma Chellaney cho rằng các nhà làm chính sách về Triều Tiên của Mỹ nên chú ý tới tình trạng quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên xấu đi để xây dựng đường lối đúng đắn. Mỹ nên xem xét lại việc coi Bắc Kinh là trung gian về vấn đề Triều Tiên và nên tiếp cận Bình Nhưỡng trực tiếp. Các nhà làm chính sách ở Seoul và Tokyo cũng nên cân nhắc tương tự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại