Việc cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã khiến tình hình căng thẳng quân sự giữa 2 nước không ngừng leo thang trong thời gian qua.
“Chúng tôi muốn triển khai những hành động cụ thể nhằm củng cố công nghệ và công nghiệp quốc phòng giữa hai nước”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida sau cuộc họp "2+2" giữa bộ trưởng quốc phòng của hai nước hôm 9/1.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, hai quốc gia đã lên kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm phát triển các thế hệ trực thăng, máy bay không người lái và tàu ngầm hiện đại nhất.
Trước đó, Nhật Bản đã tổ chức các cuộc họp "2+2" với Mỹ, Australia và Nga. Hiện nay, Tokyo đang chủ động tìm kiếm sự ủng hộ và giúp đỡ của Pháp và Tây ban Nha trong việc tạo ảnh hưởng tới khu vực châu Phi và Mỹ La tinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định: “Đối thoại với Trung Quốc là việc cần thiết. Tôi đã nêu ý kiến này với người đồng cấp Trung Quốc và kêu gọi thiết lập một đường dây nóng để tiến hành đối thoại”.
Không chỉ Trung Quốc, hiện nay, các nước như Hàn Quốc và Mỹ đều lên tiếng phản đối trước hành động Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni hồi cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Fabius cho rằng mục đích chuyến thăm của ông Abe đã bị hiểu nhầm. "Hành động này thể hiện sự tiếc thương với người đã mất và cầu mong chiến tranh không xảy ra. Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới nên cầu nguyện cho những binh sĩ đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước”, ông Fabius nói.
Theo một thông báo của Điện Elysee, các bộ trưởng Nhật Bản cũng đã gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ông Hollande nhấn mạnh mong muốn của Pháp là “tăng cường đối thoại chính trị với Nhật Bản về các vấn đề quốc tế và thiết lập hợp tác lâu dài trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.