Ngôi nhà mới xây được 4 tháng, ông Tiêu Quốc Cường (tại TP Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông) đã tê tái phát hiện một vết nứt lớn trên tường phòng khách. Nỗi lo sợ khi hay tin nhiều ngôi nhà ở làng lân cận bị “hố tử thần” nuốt mất hiển hiện trong tâm trí ông Tiêu.
Mất nhà hàng loạt
Ông Tiêu tâm sự với đài CNN: “Tôi đã biết trước ngày này thế nào cũng đến nhưng không ngờ nó đến nhanh như vậy”. Gia đình ông buộc phải chuyển đến một nơi khác sinh sống, bỏ lại mảnh đất mà cả 4 thế hệ gia đình bám trụ trong nhiều năm liền.
Tế Ninh là một trong những TP than của Trung Quốc, giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên, những mỏ than càng sâu hơn, rộng hơn thì “hố tử thần” càng sinh sôi, khiến hàng ngàn ngôi nhà bị bỏ hoang mỗi năm. Theo thống kê, “hố tử thần” đã nuốt chửng khoảng 20 triệu m2 đất mỗi năm ở Tế Ninh. Ước tính 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong 10 năm qua.
Viễn cảnh mà Cục Tài nguyên Đất đai Tế Ninh vẽ ra rất đáng sợ: đến năm 2090, 1/3 diện tích TP sẽ trở thành “hố tử thần”, buộc 5 triệu người dân phải đi nơi khác sinh sống. Nhà nghiên cứu Cố Mai lo ngại lượng người di cư lớn như thế có thể gây bất ổn xã hội.
Trả giá cho sự thịnh vượng
Kể từ khi được khai thác vào những năm 60 của thế kỷ trước, than đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Tế Ninh. Ông Mạnh Linh Quân, nhân viên một công ty than địa phương, nhớ lại hình ảnh của một TP kém phát triển 30 năm trước: “Khi tôi còn bé, nơi đây không hề có một nhà máy, trung tâm thương mại và ga tàu lửa nào. Giờ đây, Tế Ninh lại là một trong những TP thịnh vượng nhất miền Bắc”.
Tuy nhiên, để đổi lấy sự phát đạt này, Tế Ninh phải trả một cái giá không hề rẻ. Mỗi ngày đi làm, ông Mạnh phải chứng kiến hàng trăm hố lớn nhỏ sụt trên đường. Ông cho rằng đã quá muộn để TP từ bỏ hoạt động khai thác than. “Ở đây sẽ chẳng là gì nếu không có các công ty than. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục khai thác than và khắc phục sự cố hố sụt” - ông Mạnh nói.
Trong những năm gần đây, các quan chức Tế Ninh đã cố gắng tận dụng “hố tử thần” để làm ao nuôi cá, hồ nước hoặc công viên nước. Dù vậy, vẫn còn hơn 50% diện tích đất sụt lún bị bỏ hoang, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Ngân sách từ chính phủ rót xuống không đủ để khắc phục vấn đề hố sụt” - ông Hàn Hy Chúng, một quan chức địa phương, cho biết. Đạo luật bồi thường sụt lún do khai thác mỏ tại Trung Quốc có quy định số tiền mà các công ty than phải đền bù cho người dân bị ảnh hưởng nhưng không đề cập đến những vấn đề phát sinh sau đó. Một số gia đình đã tìm cách lấp lại các hố sụt nhưng chi phí khá cao - tốn ít nhất 15 USD/m2 đất - nhưng số tiền bồi thường họ nhận được chỉ khoảng 5 USD/m2 đất.
Việc chuyển đến nơi sinh sống mới cũng khiến gia đình ông Tiêu gặp không ít khó khăn. Ông cho biết: “Giá thịt heo đang tăng và chúng tôi không thể mua nổi. Trước đây, chúng tôi không phải bận tâm nhiều như vậy bởi chúng tôi tự trồng rau và nuôi heo”. Một khó khăn khác là tình trạng thiếu việc làm tại nơi ở mới. Một người dân tên là Khổng Kiện than thở: “Nhà mới của chúng tôi cách thị trấn gần nhất đến 32 km. Thật khó để kiếm được một công việc ra hồn”.