Tháng trước, tầm nhìn tại thành phố Cáp Nhĩ Tân đã giảm xuống dưới 3m do tình sương mù dày đặc. Vào những ngày như thế, các nhà khoa học và kỹ sư cho biết không có camera giám sát nào có thể nhìn xuyên qua được.
Đối với các nhà chức trách, vấn đề này là mối lo ngại nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Bắc Kinh đã đầu tư rất lớn để xây dựng một hệ thống mạng lưới giám sát trên toàn quốc, cho phép cảnh sát có thể quan sát tất cả các đường phố chính và các điểm nóng tại những thành phố lớn.
Nhưng khi tình trạng sương mù dày đặc đang trở nên ngày càng phổ biến, hiệu quả của hệ thống giám sát bị suy giảm đáng kể. Một số người lo ngại rằng những kẻ khủng bố có thể lựa chọn ngày nhiều sương mù để thực hiện các cuộc tấn công.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời ông Kong Zilong, kỹ sư dự án cấp cao của công ty Shenzhen Yichengan Technology, một chuyên gia về công nghệ giám sát video cho biết vẫn chưa có các thiết bị an ninh có thể hoạt động trong điều kiện sương mù dày đặc.
Công nghệ hiện có như ảnh hồng ngoại, có thể giúp các camera nhìn xuyên qua màn sương mù hay khói ở một mức độ nhất định, nhưng sương mù ở Trung Quốc những ngày này là một câu chuyện hoàn toàn khác. Các hạt sương mù quá nhiều và ở dạng rắn có khả năng ngăn ánh sáng gần tương tự một bức tường gạch.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi tầm nhìn giảm xuống dưới 3m, thậm chí camera loại tốt nhất không thể nhìn xa hơn 12 m”, ông Kong Zilong nhận định.
Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NSFC) đã cấp kinh phí cho hai nhóm - một dân sự và một quân đội - nghiên cứu vấn đề và tìm ra các giải pháp trong vòng 4 năm.
Tuy nhiên, giáo sư Yang Aiping, một chuyên gia trong lĩnh vực ảnh kỹ thuật số tại trường Đại học Thiên Tân, người đứng đầu nhóm dân sự, cho biết bà đang phải đối mặt với sức ép rất lớn bởi những thách thức lớn về mặt công nghệ.
“Phần lớn nghiên cứu ở những nước khác là nhằm đối phỏ với sương mù. Tại Trung Quốc, đa phần mọi người nghĩ sương mù và khói bụi có thể được giải quyết cũng bằng phương pháp này. Nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi nhận thấy rằng chúng hoàn toàn khác nhau về các đặc tính quang học”.
Trong khi đó, nhóm quân sự do giáo sư Bi Duyan thuộc trường Đại học quân đội Trung Quốc ở Sơn Tây đứng đầu vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Giáo sư Zhang Li, chuyên gia về xử lý ảnh tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng cần phải có những sáng kiến mang tính đột phá. “Trong những ngày sương mù dày đặc nhất, chúng ta cần sử dụng radar để đảm bảo an ninh tại những khu vực nhạy cảm".
Theo ông, sóng điện tử hay sóng vi ba có thể được sử dụng bởi khả năng xuyên qua sương mù dễ dàng, song bức xạ tạo ra từ chúng lại gây hại cho sức khoẻ con người.