Triều Tiên cải cách, phớt Trung, thân Nga

Thục Ninh |

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ đang bẻ lái tập trung ngoại giao của mình từ Trung Quốc sang Nga, trang tin Đa Chiều của Hoa kiều nhận định.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn một nghiên cứu cho rằng, Triều Tiên có thể thông báo một tầm nhìn chính sách mới về chính trị và kinh tế trong năm 2015, mở ra kỷ nguyên mới dưới thời ông Kim Jong-un.

Triều Tiên có thể sẽ đề xuất một cấu trúc quyền lực mới, cũng như những cải cách về kinh tế, ngoại giao cởi mở hơn đánh dấu thời đại của ông Kim Jong-un. Ông Kim Jong-un sẽ đưa ra những chính sách khác biệt so với cha và ông nội.

Các chính sách mới này có thể được thông báo vào trước hoặc sau ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10), Yonhap dẫn báo cáo từ Viện Nghiên cứu phương Đông, Đại học Kyungnam (Hàn Quốc).

Tái xuất sau một thời gian vắng mặt bí ẩn liên quan vấn đề sức khỏe, nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên đã cử ngay đặc phái viên Choe Ryong-hae sang Mátxcơva 8 ngày với nghị trình được giữ kín, theo một báo cáo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Giới phân tích tin rằng, tướng Choe gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm cố gắng thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.

Ông Choe cũng được cho là đã thăm hai thành phố viễn đông Khabarovsk và Vladivostok của Nga giáp biên giới Triều Tiên.

Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Mátxcơva trở nên nồng ấm những tháng gần đây khi ông Kim Jong-un cố gắng chấm dứt tình trạng cô lập Triều Tiên, trong khi ông Putin đang tìm các hướng khác trong cuộc chiến chống lại lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phó nguyên soái Hyon Yong-chol, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên, đã gặp ông Putin tại Mátxcơva hôm 8/11 và chuyển lời chào của ông Kim Jong-un.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong cũng thăm Nga 10 ngày trong tháng 9.

Nga và Triều Tiên mới đây còn tăng cường hợp tác kinh tế.

Tháng 10, Nga thông báo sẽ giúp Triều Tiên nâng cấp 3.500km đường sắt để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên của nước này.

Tháng 5, Nga quyết định xóa 90% các khoản nợ cũ cho Triều Tiên.

Quan hệ ngày càng khăng khít giữa Bình Nhưỡng và Mátxcơva cho thấy ông Kim cuối cùng đã quyết định không để bị lệ thuộc vào sự ủng hộ của Bắc Kinh, Đa Chiều nhận định.

Theo trang tin này, Trung Quốc tỏ ra lạnh nhạt với ông Kim Jong-un kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 12/2011, thậm chí ủng hộ cộng đồng quốc tế lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và cũng không thu xếp một cuộc gặp giữa ông Kim và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia cơ bản rơi vào băng giá kể từ khi ông Kim xử tử nhân vật số hai Jang Song-thaek.

Triều Tiên còn tìm cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Nhật Bản và Mông Cổ, cũng như nhiều nước ở châu Âu và châu Phi.

Tháng trước, một phái đoàn chính phủ Nhật Bản được mời thăm Triều Tiên 4 ngày với nhiều tiến triển về vấn đề bắt cóc công dân Nhật trước đây.

Cùng thời gian trên, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam công du một loạt quốc gia châu Phi để tăng cường quan hệ.

Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok-ju thăm châu Âu và Mông Cổ trong tháng 9.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên thăm Iran, Nga và Mỹ. Cả 3 người Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ đã được trả tự do như một cử chỉ thiện chí.

Theo Đa Chiều, Trung Quốc dường như đang cố xa lánh Triều Tiên hơn. Cựu đại sứ Trung Quốc Wang Yusheng cho rằng, Triều Tiên là một “tài sản tiêu cực” đối với Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nay thiếu nghiên cứu nhằm hoạch định việc phải làm gì với Triều Tiên, song điều đó không có nghĩa Bắc Kinh sẽ chỉ khoanh tay đứng nhìn Bình Nhưỡng và Mátxcơva tiếp tục xích lại gần nhau hơn, ông Wang nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại