Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhận định, kể từ nửa cuối năm 2014, Triều Tiên đã bất ngờ thay đổi chính sách ngoại giao dài hạn, bắt đầu tiếp cận với một vài cường quốc có ảnh hưởng. Dường như Triều Tiên đang hi vọng có thể thoát khỏi tình trạng bị cô lập thông qua ngoại giao đa chiều.
Không chỉ tham gia cuộc đàm phán bí mật với Tokyo về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, Triều Tiên còn bất ngờ thả 2 người Mỹ bị bắt giam tại nước này. Thêm vào đó, các quan chức Triều Tiên cũng tăng cường "tấn công quyến rũ" nhiều quốc gia khắp thế giới, từ Mỹ, châu Âu tới châu Phi, trong đó, đặc biệt là Nga.
Hoàn Cầu chỉ ra rằng, thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đang có sự tiếp xúc gần gũi với Moscow. Tờ này dẫn thông tin từ văn phòng Tổng thống Nga cho hay, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su Yong đã có chuyến thăm 10 ngày tới Nga hồi tháng trước.
Đầu tháng 11, Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Triều Tiên Hyon Yong Chol đã gặp và chuyển thư viết tay của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới Tổng thống Putin trong chuyến thăm đến Nga.
Mới đây, Bí thư ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong Hae, đặc phái viên của Kim Jong Un, cũng đã diện kiến Tổng thống Nga tại Moscow.
Trả lời câu hỏi tự đặt ra rằng, "Vì sao chỉ có Nga phản ứng khá tích cực với các nỗ lực ngoại giao của Bình Nhưỡng", Hoàn Cầu đánh giá, căng thẳng giữa Washington và Moscow đang gia tăng. Khi mà áp lực từ phương Tây ngày càng tăng do khủng hoảng Ukraine, Nga hi vọng sẽ tăng thêm ảnh hưởng ở Đông Á và cố gắng trở thành đối trọng với Mỹ thông qua việc tiếp xúc thường xuyên với Triều Tiên.
Tờ này dự đoán, hợp tác kinh tế, xây dựng đường ray tàu hỏa và các kế hoạch cải cách ở Triều Tiên sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính từ Nga, đổi lại, Nga sẽ có quyền và lợi ích đối với các hoạt động khai thác vàng cũng như kim loại hiếm.
Dù vậy, không chắc chắn quan hệ hợp tác song phương này sẽ đạt được bao nhiêu kết quả lớn lao. Các nhận định rằng cuộc gặp có thể xảy ra giữa Putin - Kim Jong Un sẽ mang lại một kết quả ngoài dự đoán, trong trường hợp này, là khó xảy ra - theo Hoàn Cầu.
Báo Trung Quốc lý giải, đối với Bình Nhưỡng, ưu tiên quan trọng nhất về ngoại giao là giữ được mối quan hệ với Washington, đồng thời cố gắng tạo bước đột phá trong mối quan hệ, vốn đang bế tắc với Tokyo và Seoul.
Trong khi đó, Nga lại hướng sự tập trung về châu Âu, trong thời điểm căng thẳng đang gia tăng do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Do đó, sự tiếp xúc giữa Nga với Triều Tiên sẽ chỉ là một chính sách tạm thời, không có chiến lược.
Thêm nữa, Bắc Kinh và Moscow cũng đang đạt được sự thống nhất cao nhất trong nhận thức chiến lược về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ví dụ, cả 2 bên đều phản đối kế hoạch phát triển hạt nhân của Triều Tiên và thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên.
Do đó, Hoàn Cầu cho rằng, sự trao đổi giữa Nga và Triều Tiên sẽ không thể thay thế cấu trúc địa chính trị tại khu vực Đông Á, và rằng, Triều Tiên - quốc gia láng giềng với mối quan hệ hữu nghị truyền thông, sẽ không dễ gì thay đổi chính sách về Trung Quốc của mình.
Tờ này cũng nắm đuợc những đồn đoán rằng, Moscow có thể là lựa chọn của Kim Jong Un trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vai trò lãnh đạo tối cao, song tuyên bố, Bắc Kinh không bận tâm việc Kim Jong Un chọn quốc gia nào để bắt đầu chuyến thăm đầu tiên của mình.
Hoàn Cầu thậm chí còn khẳng định, Bắc Kinh thì rất hoan nghênh sự giao thiệp giữa Bình Nhưỡng với Moscow.