Mới đây, báo chí Nhật Bản đã đồng loạt đăng tải các thông tin về việc 2 nhà lãnh đạo Trung - Nhật đã có cuộc nói chuyện ngắn và bắt tay nhau 2 lần trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Bali, đồng thời đánh giá đây có thể là điểm khởi đầu cho nỗ lực xích gần lại với nhau của hai nước trong bối cảnh tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đang căng thẳng.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có động thái rất kích động và khó hiểu khi người phát ngôn Hoa Xuân Oánh đăng đàn phê phán báo chí Nhật Bản vì đăng tải tin tức này.
Khi được hỏi về việc liệu hai lãnh đạo có thật sự bắt tay hay không, bà Hoa Xuân Oánh đã không đưa ra câu trả lời chính thức mà lại lảng tránh bằng cách đặt ngược lại câu hỏi “Các vị có thấy tin tức nào như thế từ đoàn đại biểu Trung Quốc không? Rõ ràng là không”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phê phán phía Nhật Bản không có thiện chí trong việc cùng nhau giải quyết các vấn đề tranh chấp đảo giữa hai nước mà chỉ thường xuyên đưa những thông tin mà họ cho là định hướng dư luận như trên.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phía sau) tại Hội nghị APEC.
Theo đánh giá của tờ Dwnews, việc giữa 2 nhà lãnh đạo có bắt tay thật sự hay không có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc một mực phủ nhận và phản đối báo giới Nhật Bản có thể xem như động thái không muốn người Trung Quốc “hiểu lầm”, “buông lỏng” sự tức giận đối với chính phủ Nhật Bản, nhằm nỗ lực duy trì sự ức chế và tức giận của người dân nước này đối với Nhật.
Trước đó vào tháng 9, tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint Petersburg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc nói chuyện ngắn khoảng 5 phút và bắt tay nhau.
Nhiều nguồn bình luận đánh giá ông Tập Cận Bình thực chất muốn sử dụng phong cách ngoại giao của mình, nhưng trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, ông chưa dám đi ngược lại sự hậm hực của hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc đối với Nhật Bản.