Theo trang USAToday, việc Tổng thống Barack Obama quyết định rút ngắn chuyến công du châu Á trong tuần này có lẽ là một tin tốt lành đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang nỗ lực “xoa dịu” một khu vực phấp phỏng lo ngại trước lập trường hiếu chiến của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và mong ngóng cái gọi là chính sách ngoại giao “Trục châu Á” của Mỹ.
Chiến lược tái cân bằng nhằm củng cố ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á được Trung Quốc nhìn nhận là nỗ lực nhằm hạn chế sự trỗi dậy của nước này về mặt kinh tế và quân sự.
“Obama đã làm rất nhiều để kết thêm bạn mới và duy trì mối quan hệ với các bạn cũ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh, nhận định.
Nhưng chuyên gia Shi cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào cuối năm 2012, cũng đã có một loạt động thái riêng nhằm đảm bảo vị thế thống trị của Trung Quốc ở châu Á.
Thay vì đưa ra các đe dọa tấn công như những nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây, ông Tập đang dùng chiến lược “lạt mềm buộc chặt” để tranh giành tầm ảnh hưởng với Mỹ và gạt bỏ các mối lo ngại của khu vực Đông Nam Á về nước này.
Trung Quốc đã điều các đội tàu đánh cá và tàu quân sự tới các ngư trường trên Biển Đông đồng thời từ chối đàm phán với các quốc gia khác để chia sẻ quyền khai thác vùng biển này.
Nhưng hôm qua (3/10), tại thủ đô Jakarta, ông Tập đã đến thăm Indonesia trước ông Obama và đến với thái độ hết sức khiêm nhường.
Ông Tập mở đầu bài phát biểu tại Quốc hội Indonesia bằng câu hỏi “Các bạn khỏe chứ?” và nói bằng tiếng Indonesia, một hành động mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào có lẽ chưa từng làm bao giờ.
Ông Tập cũng đã “ghi điểm” khi công du cùng vợ, Bành Lệ Viên, một đệ nhất phu nhân có phong cách thời trang thanh lịch và sang trọng được nhiều người mến mộ. Từng là một ca sĩ phục vụ trong quân đội, bà Bành đã trở thành một biểu tượng ngoại giao của Trung Quốc trong khi trước đó hình ảnh của các đệ nhất phu nhân nước này đều hết sức mờ nhạt.
ợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ chồng Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tại cung điện Merdeka hôm 2/10. .
Hôm qua, hai vợ chồng ông Tập đã công du tới Malaysia và sẽ trở lại Indonesia vào ngày mai (5/10) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali.
Trong khi đó, Nhà Trắng vừa thông báo rằng Tổng thống Barack Obama đã hủy toàn bộ chuyến thăm châu Á vào cuối tuần này do những bế tắc về ngân sách tại Quốc hội. Thư kí báo chí Nhà Trắng Jay Carnet xác nhận, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thay mặt Tổng thống tham dự hội nghị APEC ở Bali và Hội nghị Đông Á tại Brunei.
Theo các chuyên gia, ông Obama càng ít xuất hiện tại châu Á thì càng có lợi cho Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, dư luận đang đặt câu hỏi liệu cái gọi là chiến lược “Trục châu Á” có thực sự tồn tại không.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, hiện đang tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, có nhiệm vụ khuấy động lại chiến lược “Trục châu Á” nhưng tới nay ông vẫn chưa có tuyên bố nào đáng chú ý về chiến lược này. Còn Ngoại trưởng John Kerry, người thay thế Tổng thống Obama công du tới Malaysia, lại tập trung hơn vào vấn đề Trung Đông.
“Cho tới nay, chiến lược “Trục châu Á” của Obama có thể được tóm tắt trong 3 chữ cái: MIA (Mất tích khi làm nhiệm vụ)”, Sadanand Dhume, nhà nghiên cứu thuộc Viện doanh nghiệp Mỹ, nhận xét.
“Đặc biệt là khu vực Đông Nam Á sẽ có lí do để cảm thấy bị bỏ rơi. Thay vì đối đầu với chính sách hiếu chiến mà Trung Quốc áp dụng cho khu vực này, Obama lại đang khiến ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này mờ nhạt đi với tốc độ nhanh nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam”, ông Dhume bình luận.
Quỹ Heritage, một nhóm tư vấn ở Washington ủng hộ Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại nước ngoài, cho rằng chiến lược “Trục châu Á” của chính quyền Obama chỉ là “hữu danh vô thực”. Nhóm này cho rằng việc Mỹ cắt giảm đáng kể chi tiêu quân sự đang hạn chế vị thế của nước này ở khu vực Thái Bình Dương.
Đây là lần thứ 3 ông Obama hoãn chuyến thăm của mình tới châu Á vì những vấn đề trong nước, trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiếm khi thay đổi kế hoạch công du nước ngoài, ngay cả khi xảy ra thiên tai hay tai nạn nghiêm trọng ở quốc gia mình.
Hôm qua, tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Trung Quốc đã thể hiện “nước cờ” làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Ông Tập nhấn mạnh tới mối quan hệ kinh tế và lịch sử với Indonesia, quốc gia lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc đang đầu tư vào một khu công nghiệp khổng lồ ở Indonesia, sẽ xây dựng trung tâm văn hóa ở Jakarta và xây dựng mạng lưới đường sắt một ray ở thủ đô Jakarta.
Trong bài phát biểu tại quốc hội Indonesia, ông Tập không “đả động” gì tới yêu cầu của các nước trong khu vực rằng Bắc Kinh phải tham gia vào các cuộc thương lượng đa phương để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ông Tập chỉ nói đơn giản rằng Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình và kêu gọi các bên tham gia đối thoại.
Benito Lim, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Philippines tại Đại học Ateneo de Manila, cho rằng Trung Quốc đang theo dõi sát sao liệu chính quyền Obama có thực thi chiến lược “Trục châu Á” thông qua Philippines hay không. Mỹ và Philippines đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này.
“Hầu hết người dân Philippines đều tin rằng nước Mỹ sẽ tới cứu chúng ta nếu chúng ta gặp rắc rối với một bên thứ ba, nhưng đó là kì vọng không thực tế. Người Mỹ có lợi ích quốc gia riêng của họ và đang gặp những vấn đề với Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn chính chúng ta”, chuyên gia Lim nói.
“Philippines cần cả Mỹ, để đảm bảo về mặt an ninh quốc phòng, và cả Trung Quốc, để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Lí tưởng nhất là hai nước trên không buộc chúng ta phải lựa chọn mà sẽ giúp đất nước chúng ta phát triển và coi cả hai nước trên là bạn”, ông Lim nói.
Một số chuyên gia Trung Quốc còn tuyên bố cách tốt nhất để Mỹ tránh được một cuộc xung đột là không cản trở đường đi của Trung Quốc.
“Obama không thực hiện chiến lược tái cân bằng mà đang đưa ra sự ủng hộ sai lệch chỉ khiến căng thẳng trong khu vực leo thang”, Shen Dingli, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nhận định.
Ông Shen cho rằng Washington không nên tiến tới thế đối đầu với Trung Quốc bằng việc khuyến khích các quốc gia trong khu vực chống lại “yêu sách” của Trung Quốc về Biển Đông.
“Một ngày nào đó, biện pháp ngoại giao sẽ không giải quyết được các cuộc tranh chấp và Trung Quốc sẽ đánh bại các quốc gia này; khi đó người Mỹ sẽ không đủ dũng cảm hậu thuẫn cho họ”, ông Shen cảnh báo.