Tổng thống Pháp Hollande và bài toán khó ở Nga sau vụ Su-24 bị bắn hạ

Thùy Vân |

Tổng thống Pháp ngày 26/11 đến Moscow hội đàm với Tổng thống Putin trong bầu không khí căng thẳng sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ.

Moscow là chặng dừng chân tiếp theo của Tổng thống Pháp trong tuần ngoại giao marathon đặc biệt quan trọng nhằm thiết lập liên minh duy nhất chống IS.

Trước đó, ông Hollande đã tiếp xúc với nguyên thủ Anh, Mỹ và Đức. Tuy nhiên, chuyến đi được dự đoán sẽ gặp rất nhiều trở ngại lớn do những biến động gần đây trong quan hệ quốc tế.

Không đạt được cam kết lớn từ Mỹ

Trở ngại đầu tiên, đó là ông Hollande không đạt được sự cam kết lớn như mong đợi từ phía Tổng thống Mỹ, Barack Obama.

Trong cuộc gặp ở Washington ngày 24/11, Tổng thống Mỹ chỉ cam kết sẽ mở rộng các cuộc không kích IS cùng Pháp và hỗ trợ Pháp trong lĩnh vực cung cấp thông tin tình báo.

Tuy nhiên, với vấn đề quan trọng nhất là việc đứng chung với Nga trong một liên minh chống IS duy nhất thì ông Obama rất thận trọng và không nhượng bộ.

Dù bắt tay với nhau, ông Hollande (trái) và ông Obama vẫn không đạt được sự đồng thuận về tương lai của ông Assad trong vấn đề Syria. Ảnh AFP
Dù bắt tay với nhau, ông Hollande (trái) và ông Obama vẫn không đạt được sự đồng thuận về tương lai của ông Assad trong vấn đề Syria. Ảnh AFP

Tổng thống Mỹ vẫn cho rằng chừng nào Moscow chưa thay đổi quan điểm ủng hộ Tổng thống Syria, Bachar Al-Assad thì chừng đó sẽ không có chuyện liên minh.

Ngoài ra, ông Barack Obama cũng không ngần ngại so sánh, với ý chỉ trích, rằng, trong khi Mỹ đang cùng liên minh 65 nước đánh IS thì Nga chỉ là “liên minh hai nước” (gồm Nga và Iran), ủng hộ cho Tổng thống "độc tài" Bashar Al-Assad.

Quan điểm cứng rắn này của Mỹ đẩy Pháp vào thế kẹt bởi trước đó, Pháp đã chủ động xuống thang trong vấn đề số phận của ông Bashar Al-Assad dù ngay từ đầu khủng hoảng Syria, chính Paris chứ không phải Washington mới là bên có quan điểm phản đối ông Al-Assad quyết liệt nhất.

Ở thời điểm hiện tại, trong vai trò là cầu nối để kéo Mỹ và Nga ngồi vào cùng nhau trong một liên minh chống IS mà lại không đạt được những nhượng bộ cần thiết từ Washington, ông Francois Hollande sẽ không có nhiều thứ để có thể đem ra bàn bạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thế kẹt do căng thẳng Nga- Thổ Nhĩ Kỳ

Trở ngại lớn thứ hai, chính là sự việc liên quan đến việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga mới đây.

Sự kiện này đẩy quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng của NATO và có vai trò chiến lược trong khủng hoảng Syria, trở nên căng thẳng.

Nga đã bắt đầu có các hành động trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cục diện tại Syria thêm phức tạp và khó lường.

Vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đang khiến ông Hollande rất khó ăn khó nói với ông Putin. Ảnh Sputnik
Vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đang khiến ông Hollande rất "khó ăn khó nói" với ông Putin. Ảnh Sputnik

Paris và Ankara vốn có mối quan hệ không nồng ấm nhưng trên danh nghĩa, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh trong khối NATO nên rất khó cho ông Hollande lên tiếng chỉ trích hành động được xem là gây căng thẳng không đúng thời điểm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang là đối tác tối quan trọng với EU trong việc xử lý khủng hoảng người tị nạn Syria nên dù muốn hay không, Paris cũng khó có thể công khai ủng hộ Nga và làm mếch lòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính toán của Nga

Điểm tích cực nhất chờ đợi ông Hollande ở Moscow đó là ông Vladimir Putin cũng đang rất mong đợi cuộc gặp này.

Dù đang mở rộng các hoạt động quân sự với cường độ cao ở Syria nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu rằng việc nhanh chóng tìm kiếm được một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria là cực kỳ quan trọng nếu Nga không muốn sa lầy tại quốc gia Trung Đông này.

Nếu gạt được các bất đồng sang một bên và hợp tác được với liên minh phương Tây trong cuộc chiến chống IS, Nga có thể đảm bảo được, ở mức độ nhất định, sinh mệnh chính trị của ông Bachar Al-Assad đồng thời vẫn duy trì được ảnh hưởng của mình tại Syria và tránh sa lầy.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà ông Vladimir Putin mong chờ, đó là các bước đi này sẽ dần phá bỏ được thế cô lập mà phương Tây áp đặt với Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Liệu Tổng thống Nga Putin có lắng nghe lời ông Hollande dẹp bỏ bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ?
Liệu Tổng thống Nga Putin có "lắng nghe" lời ông Hollande dẹp bỏ bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ?

Đây mới chính là tính toán chiến lược quan trọng nhất của Nga khi tiến hành can thiệp vào Syria.

Moscow hiểu rõ rằng khi đã có sự hiện diện mạnh mẽ tại Syria, phương Tây không thể không cần đến Nga nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này trọn vẹn.

Tính toán này đã đi đúng hướng, khi EU phải căng mình đối phó với khủng hoảng người tị nạn Syria và đặc biệt sau vụ khủng bố Paris 13/11, phương Tây hiểu rằng chỉ có cách tiêu diệt tận gốc rễ IS, ổn định tình hình chính trị tại Syria thì mới có thể gạt bỏ được nỗi lo khủng bố và tị nạn.

Trong cả hai nhiệm vụ này, vai trò của Moscow là không thể thiếu.

Vấn đề với Tổng thống Pháp, Francois Hollande, vì thế, là phải làm sao thuyết phục được Tổng thống Nga Vladimir Putin không leo thang căng thẳng bằng các biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ và phải chấp nhận một số nhượng bộ nhất định nếu muốn đứng chung liên minh duy nhất đánh IS với Mỹ.

Đó sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại