Báo Anh: Putin đã đúng khi gọi Thổ Nhĩ Kỳ là "tòng phạm khủng bố"?

Minh Thu |

Tổng thống Nga Putin đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là "tòng phạm khủng bố" và khẳng định một số quan chức cấp cao của Ankara có mối quan hệ mật thiết với giới thủ lĩnh IS.

Theo tờ The Guardian (Anh), lập luận của nhà lãnh đạo Nga dường như có đầy đủ cơ sở.

Sau vụ việc chiếc trực thăng Mi-8 bị tấn công khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và tìm kiếm phi hành đoàn trên oanh tạc cơ Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là "tòng phạm của những kẻ khủng bố".

Ông Putin cho rằng một số quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ mật thiết với giới thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Theo tờ The Guardian của Anh, ngay từ giai đoạn đầu bùng nổ xung đột ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và ủng hộ chiến dịch chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ chính để các tay súng nước ngoài tiến vào Syria. Thậm chí, các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ còn được sử dụng là nơi phân phối vũ khí và đào tạo cho các tay súng nổi dậy ở Syria.

Trong khi đó, các thị trấn và làng mạc ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ lại là nơi sinh sống của hơn 1 triệu người di cư từ Syria.

Hoạt động tại các sân bay quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất nhộn nhịp.

Theo ước tính, phần đông nếu không muốn nói là toàn bộ trong tổng số 15.000 – 20.000 tay súng nước ngoài gia nhập hàng ngũ IS đã bay tới Istanbul hoặc Adana. Số khác di chuyển bằng phà dọc theo khu vực bờ biển Địa Trung Hải.

Đây cũng là cơ sở để các đồng minh của Tổng thống Syria Assad khẳng định chính quyền Ankara lâu nay hậu thuẫn cho IS trước cả thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24/11. 

Do đó, tuyên bố của Tổng thống Putin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "đồng lõa với khủng bố" có khả năng sẽ được hưởng ứng, ngay cả trong hàng ngũ những người ủng hộ Ankara.

Từ giữa năm 2012, thời điểm các tay súng hồi giáo bắt đầu di chuyển tới Syria, sự hiện diện của họ được ghi nhận ở mọi ngả đường tiến về vùng biên giới như sân bay Istanbul, các thành phố phía nam Hatay và Gaziantep cùng các làng mạc ở vùng biên giới.

Hành trình di chuyển của các tay súng nước ngoài tới Syria kéo dài tới cuối năm 2014, thời điểm các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ phối hợp hành động nhằm ngăn chặn làn sóng này.

Song đây cũng là thời điểm IS đã trở thành lực lượng chiếm ưu thế, giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía bắc và đông Syria.

Thậm chí, số lượng thành viên của IS còn áp đảo các phe phái đối lập ở Syria cũng như nhiều nhóm Hồi giáo khác vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Trong khi đó, IS khẳng định dù chính quyền nào được thành lập từ đống tro tàn xung đột ở Syria, mục tiêu ban đầu của nhóm khủng bố vẫn không thay đổi.

Điều đáng nói, hoạt động di chuyển của các tay súng nước ngoài qua Hatay và Gaziantep diễn ra một cách công khai, khi họ thường xuyên tụ tập tại các khách sạn, quán cà phê và trạm xe buýt ở địa phương.

Giới ngoại giao châu Âu tỏ ra vô cùng lo ngại trước tình cảnh này.

Họ cho rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang làm ngơ trước việc những chiến binh Hồi giáo bảo thủ tới Syria để chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Assad.

Khi tình hình Syria trở nên rối ren, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận ra rằng mối đe dọa từ các tay súng hồi giáo từng đi qua lãnh thổ nước này không hề đơn giản.

Máy bay ném bom Su-24 của Nga bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24/11.
Máy bay ném bom Su-24 của Nga bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24/11.

Trong khi đó, các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã có được nhiều thương vụ béo bở với những kẻ buôn lậu dầu mỏ từ IS, giúp nhóm khủng bố kiếm được ít nhất 10 triệu USD mỗi tuần.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành khách hàng chính của IS thay cho chính quyền Syria.

Chia sẻ với tờ Guardian, trong hai năm qua, nhiều thành viên cấp cao IS khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ muốn đứng ngoài cuộc và hiếm khi trực tiếp cản đường IS.

Mối quan ngại về sự liên kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS càng được củng cố sau cuộc truy quét của đặc nhiệm Mỹ ở phía đông Syria hồi tháng Năm. Chiến dịch này đã tiêu diệt nhân vật phụ trách hoạt động buôn bán dầu mỏ của IS là Abu Sayyaf.

Khi lục soát nơi ở của Sayyaf, đặc nhiệm Mỹ đã phát hiện nhiều ổ cứng máy tính cho thấy rõ mối liên hệ giữa các nhân vật cấp cao IS và một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay lập tức, công văn được gửi về Washington và London cảnh báo rằng sự phát hiện này có "ý nghĩa khẩn cấp về mặt chính sách".

Sau đó không lâu, Thổ Nhĩ Kỳ mở mặt trận mới chống lại nhóm ly khai người Kurd PKK, vốn xung đột với lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ gần 40 năm qua.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik phục vụ chiến dịch không kích chống IS, cùng với cam kết  tham gia với liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Kể từ đó, lực lượng máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như chỉ oanh tạc các mục tiêu của PKK bên trong lãnh thổ Syria, nơi YPG, một đồng minh quân sự của PKK, là lực lượng chiến đấu duy nhất đủ sức chống lại IS.

Thậm chí, giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ còn công khai tuyên bố người Kurd, đồng minh chính của Mỹ tại Syria, là mối đe dọa tới lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn cả IS.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, vẫn được xem là đồng minh của châu Âu. Nhưng Mỹ và Anh dần bớt nhiệt tình hơn với Ankara.

Bởi Washington và London đều lo ngại rằng nếu ủng hộ mạnh mẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ, hành động này sẽ chỉ làm phát sinh thêm biến cố ở khu vực vốn đầy bất ổn.

"Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng họ có thể kiểm soát được tình hình. Nhưng họ đã để tình hình vượt xa tầm tay.

Họ đã phải nhận trái đắng khi chứng kiến vụ đánh bom kép ngay tại trung tâm Ankara hồi tháng 10 mà IS lên tiếng nhận trách nhiệm.

Hành động này sẽ còn ám ảnh họ trong thời gian dài", một quan chức phương Tây nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại