LTS: Hôm nay, trong không khí Ngày lễ Tạ ơn trên khắp nước Mỹ, New York Times đã đăng tải một bài viết của cây bút chính trị quốc tế nổi tiếng Roger Cohen, với một cách tiếp cận khá thú vị.
Lấy bối cảnh một cuộc trò chuyện bên bàn ăn giữa hai mẹ con trong một ngày mà hầu hết các gia đình trên khắp nước Mỹ được dịp sum họp, nhà báo Cohen đã khéo léo mô tả tình hình phức tạp hiện nay tại Syria, cũng như thể hiện quan điểm của ông về viễn cảnh một cuộc chiến tranh thế giới.
Bài viết mang nhan đề "Thế Chiến III". Dưới đây là bản dịch gửi đến quý độc giả:
---
Mẹ ơi, kể lại cho con nghe đi, Thế chiến I từ đâu mà ra hả mẹ?
Con yêu, mẹ nói rồi mà, chuyện xưa lắm rồi. Một thế kỉ chứ có phải ít đâu.
Đi mà, mẹ.
Phức tạp lắm con ạ. Con có thật sự muốn nghe không?
Có ạ.
Chuyện buồn lắm. Thế giới khi đó được tổ chức theo một trật tự nhất định, và cái trật tự đó bị phá vỡ, với cái giá phải trả là hàng triệu mạng người.
Ôi trời. Thế trật tự thế giới khi đó ra sao ạ?
Ngày xưa thế giới là tập hợp những đế quốc, họ kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn, với nhiều kiểu người khác nhau, và một số trong đó muốn có quyền tự quản, thay vì bị chi phối bởi một ông quốc vương ở xa lắc xa lơ.
Vâng.
Đế quốc Áo-Hung là một trong số đó. Họ có rất nhiều cung điện nguy nga tại thủ đô Vienna, nơi người ta đến nhảy múa ở các dạ hội sang trọng. Họ kiểm soát một khu vực lạc hậu của châu Âu bấy giờ, gọi là Balkan. Nhưng người dân ở đây không thích cách cai trị này.
Một ngày nọ, năm 1914, thái tử Áo-Hung và phu nhân đã bị ám sát tại một thành phố Balkan mang tên Sarajevo. Hung thủ là một người Serbia muốn đòi lại sự tự do cho những người Slav phía nam khỏi ách thống trị của đế quốc.
Chuyện cũng lớn thật. Rồi sao nữa hả mẹ?
Đế quốc kia tức giận lắm, họ bắt Serbia phải phục tùng hàng loạt mệnh lệnh nếu không sẽ gây chiến. Quốc vương ở Vienna tự tin lắm, vì ông ta có một anh bạn thân, một thế lực mới nổi tên là Đức.
Serbia cũng có một anh bạn tốt tên là Nga, cũng to lắm. Nhưng Serbia cứ lúng túng chần chừ, cũng như con mỗi khi phải làm bài tập về nhà vậy, thế là Áo-Hung đem quân sang đánh.
Rồi sao nữa ạ?
Thế rồi Đức tuyên chiến với Nga. Nga lại có anh bạn tên Pháp, anh này rõ ràng cũng chăng ưa gì Đức. Thế là Đức tấn công Pháp, thông qua một anh tên Bỉ. Điều này lại kéo một anh tên Anh vào. Anh cũng lại tuyên chiến với Đức.
Một đế quốc khác, đang trong thời kì suy tàn, là Ottoman, rốt cục cũng tham chiến cùng phe Đức và Áo-Hung. Phe Anh-Pháp cũng chào đón sự xuất hiện của Mỹ, một thế lực mới nổi.
Sau vài năm chiến tranh, 16 triệu người đã thiệt mạng. Kết quả là đế quốc Áo-Hung, Đức, Ottoman và Nga sụp đổ.
Tất cả chỉ vì một cặp đôi bị ám sát? Lạ ghê mẹ nhỉ.
Đôi lúc chuyện bé xé ra to, con người ta mất kiên nhẫn và mất định hướng, chỉ cần một sự kiện châm ngòi thế là mọi thứ biến thành một mớ hỗn độn con ạ.
Mẹ ơi, chuyện này chắc không xảy ra lần nữa đâu nhỉ?
Không đâu con ạ.
Bây giờ thế giới có còn đế quốc nào nữa không mẹ?
Một số người vẫn gọi Mỹ là đế quốc dù họ không có vua. Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất này, với quân đội đóng trên khắp thế giới và rất nhiều nước phụ thuộc vào họ, nương nhờ sự bảo vệ của họ. Nhưng Mỹ đang yếu đi con ạ.
Mẹ ơi, thế giới bây giờ có giống với lúc nãy mẹ nói không, cái chuyện mà trật tự thế giới đang từ thế này chuyển sang thế kia, và rất nhiều người phải bỏ mạng đó mẹ?
Không hẳn thế, con yêu ạ. Ý con nói người ta bỏ mạng ở đâu?
Ở Syria đó mẹ. Mẹ ơi, nước Syria này là sao ạ?
Đây là một nước nhỏ với sự pha trộn của nhiều sắc tộc và tôn giáo, nó xuất hiện sau khi Đế chế Ottoman do quá suy yếu mà sụp đổ.
Tại sao người ta lại đánh nhau ở Syria hả mẹ?
Phức tạp lắm con ạ. Con có thật sự muốn nghe không?
Có ạ.
Ở Syria, một nhóm người nước này thấy Tổng thống của họ cư xử giống như một quốc vương độc tài nên đã nổi dậy chống lại ông ta. Ông ta bắn trả lại họ.
Mỹ, Anh, và Pháp, cùng nhiều nước khác nữa, không thích điều đó. Họ nói họ ủng hộ phe nổi dậy, nhưng không hẳn.
Ủng hộ những không hẳn là sao hả mẹ?
Vì như mẹ nói đấy, Mỹ đang yếu đi.
Vâng, rồi sao nữa ạ?
Ông Tổng thống kia có một người bạn vừa to vừa khỏe tên Nga, và một người bạn khác cũng to khỏe không kém là Iran. Cả hai đều ủng hộ ông ta.
Vậy ông ta thắng hả mẹ?
Không hẳn. Phần đông trong số những người muốn loại bỏ ông Tổng thống này là người Hồi giáo dòng Sunni. Họ được một nước có tên Saudi Arabia ủng hộ, nước này đa số là người Sunni. Họ lại ghét Iran, và từng hậu thuẫn những phần tử cực đoan người Sunni.
Lại có anh Thổ Nhĩ Kỳ, hậu duệ của Đế chế Ottoman, cũng ghét ông Tổng thống Syria kia, và cũng ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng anh Thổ Nhĩ Kỳ này còn ghét một nhóm người khác hơn cả ông Tổng thống kia, đó là người Kurd.
Họ ghét người Kurd đến nỗi phải lén lút hậu thuẫn những phần tử cực đoan người Sunni, những kẻ chuyên đi chặt đầu và thậm chí bắn giết người dân ở các thành phố phương Tây, chỉ để mượn tay tiêu diệt người Kurd.
Mẹ ơi, khó hiểu quá.
Syria cũng bị chia ra làm nhiều mảnh, như Đế chế Ottoman khi xưa vậy. Bây giờ anh Nga đang dội bom kẻ thù của ông Tổng thống kia, anh Mỹ thì đánh bom những kẻ chặt đầu, anh Pháp cũng làm như anh Mỹ.
Anh Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn rơi máy bay của anh Nga. Anh Nga tức lắm. Người Kurd thì muốn sở hữu lãnh thổ mà họ nghĩ đáng ra phải thuộc về mình từ 100 năm trước. Anh Saudi Arabia thì lúc nào cũng chực chiến với anh Iran.
Nhưng chiến sự căng thẳng nhất ở Syria, nơi hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng.
Tất cả chỉ vì vài nước muốn lật đổ một ông Tổng thống kia hả mẹ?
Đôi lúc chuyện bé xé ra to, chỉ cần một sự kiện châm ngòi thế là mọi thứ biến thành một mớ hỗn độn con ạ.
Mẹ ơi, vậy Thế chiến III liệu sẽ ra sao?
Đừng lo, con yêu, mọi thứ nay khác rồi.
Thật không mẹ?
Thật chứ. Chúng ta có sự sống, có tự do, có mưu cầu hạnh phúc. Chúc mừng Ngày Lễ Tạ ơn, con yêu.