Tình tiết bất ngờ giữa căng thẳng đối thoại Triều Tiên-Hàn Quốc

Hải Võ |

Cuộc đối thoại cấp cao Hàn-Triều đang diễn ra căng thẳng, song những tín hiệu bất ngờ từ Bình Nhưỡng cho thấy tình hình bán đảo lạc quan hơn so với các báo cáo rất nhiều.

Bình Nhưỡng bất ngờ gọi Hàn Quốc bằng "tên thân mật"

Chiều tối 22/8, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA và phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) gần như cùng lúc công bố thông tin, quan chức cấp cao 2 miền bán đảo liên Triều đã tổ chức cuộc tiếp xúc khẩn cấp tại khu vực đình chiến Bàn Môn Điếm.

Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong So, Bí thư Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang Gon đại diện cho Bình Nhưỡng trong cuộc đàm phán với Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin và Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hong Yong-pyo.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) chỉ ra, việc truyền thông nhà nước Triều Tiên nhanh chóng đăng tải thông tin về cuộc đối thoại cấp cao giữa 2 miền là "vô cùng hiếm thấy".

Đặc biệt hơn nữa, trong các báo cáo của mình, Triều Tiên đã gọi Hàn Quốc là "Đại Hàn Dân Quốc", như một tín hiệu khiến truyền thông quốc tế hết sức quan tâm.

Từ trước đến nay, cách xưng hô "thân mật" như trên mà Bình Nhưỡng dành cho Seoul chỉ được sử dụng vào thời kỳ chính quyền của các Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Roh Moo Hyun thực hiện "chính sách Ánh dương", làm ấm lại quan hệ 2 miền bán đảo.

Ngoài các giai đoạn trên, các cơ quan ngôn luận của Bình Nhưỡng luôn gọi Hàn Quốc là "bù nhìn Nam Triều Tiên", Hoàn Cầu cho hay.

Trong các thời kỳ cầm quyền của đảng bảo thủ Hàn Quốc, Triều Tiên cũng chưa từng gọi người láng giềng là "Đại Hàn Dân Quốc".

Các quan chức cấp cao Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay trước cuộc hội đàm chiều tối 22/8 tại Bàn Môn Điếm. Ảnh

Hoàn Cầu bình luận, cử chỉ tôn trọng rất hiếm thấy mà Triều Tiên dành cho Hàn Quốc này, là biểu hiện khá rõ Bình Nhưỡng mong muốn làm giảm tình hình căng thẳng, bất chấp nhiều báo cáo cho thấy song phương đều có các hoạt động quân sự "nóng".

Hãng Yonhap (Hàn Quốc) cho hay, Seoul yêu cầu Triều Tiên xin lỗi về việc nổ mìn tại khu phi quân sự hồi đầu tháng và nã pháo sang Hàn Quốc hôm 20/8, trong khi Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc họ có hành vi khiêu khích, và yêu cầu Hàn Quốc dừng tuyên truyền chống Triều Tiên.

15h30 chiều 23/8, cuộc đối thoại cấp cao tại Bàn Môn Điếm đã tái khởi động. Theo Yonhap, hội đàm kéo dài một cách khó tin và có thể tiếp tục kéo dài theo hình thức "Marathon".

Giáo sư ĐH Dongguk, Hàn quốc
Kim Yong Hyun
Sự thay đổi thái độ (ở bán đảo liên Triều) của Bình Nhưỡng có dấu hiệu của việc "bị Trung Quốc gây áp lực".

Triều Tiên muốn làm Tập Cận Bình "muối mặt"?

Trang Đa Chiều chỉ ra, ngay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tuyên bố sáng 20/8 rằng sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 2/9 dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, thì chiều cùng ngày, Triều Tiên đã "nã" rocket sang căn cứ Hàn Quốc.

Động thái này được cho là "dằn mặt" Seoul, nhưng đồng thời được cho là Bình Nhưỡng cố ý khiến Bắc Kinh "xấu mặt".

Đa Chiều phân tích, mối đe dọa lớn nhất đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể không phải là Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc, mà là Trung Quốc.

Bình Nhưỡng quan ngại Trung Quốc chiếm vị thế chủ đạo trong quan hệ song phương và buộc Triều Tiên phải "phối hợp" với Bắc Kinh. Ông Kim có thể đã xem việc Trung Quốc "giúp đỡ" Triều Tiên có dấu hiệu của sự kiềm chế.

Kể từ năm ngoái, Triều Tiên đã liên tục nỗ lực tìm kiếm đột phá ngoại giao với Nga, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản... thậm chí muốn "hất cẳng" Trung Quốc để độc lập về ngoại giao và kinh tế, Đa Chiều cho hay.

Sau sự kiện "nã pháo" hôm 20, Hàn Quốc nhanh chóng trao đổi với Washington, trong khi Triều Tiên không hề thông báo hoặc "có lời" với Bắc Kinh. Mục đích của Bình Nhưỡng nhiều khả năng là "vượt mặt" Trung Quốc để đàm phám với Seoul.

Đa Chiều cho rằng, với việc Moscow nhanh chóng lên tiếng kêu gọi các bên ở bán đảo kiềm chế ngay trong ngày xảy ra vụ đấu pháo cho thấy Thứ trưởng Ngoại giao nước này có thể đã thông báo vụ việc với Điện Kremlin từ sớm trong chuyến công du Nga.

Kết quả, việc Nga, Mỹ lên tiếng trước về vấn đề bán đảo Triều Tiên đã tạo thành hiệu ứng "đẩy Bắc Kinh ra ngoài", đúng như những gì Triều Tiên tính toán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại