Trung Quốc điều động xe tăng áp sát biên giới Triều Tiên

Anh Thư |

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang leo thang, Trung Quốc bất ngờ đưa xe tăng áp sát biên giới Triều Tiên, một động thái khiến không ít người thấy kỳ lạ.

Người dân Trung Quốc ở sát biên giới với Triều Tiên đã chứng kiến sự xuất hiện bất thường của lực lượng xe bọc thép, xe tăng quân đội trên đường phố thuộc thành phố Diên Cát, Diên Biên phía đông tỉnh Cát Lâm.

Xe tăng, xe bọc thép quân đội Trung Quốc chỉ cách biên giới với Triều Tiên chưa đầy 30km.

Việc Trung Quốc bất ngờ đưa xe tăng áp sát biên giới Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng một cách nghiêm túc về bế tắc hiện nay giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Một động thái có thể khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ, nhất là trên lý thuyết Trung Quốc vẫn đang là đồng minh lớn của Triều Tiên, bất chấp những sự rạn nứt gần đây trong quan hệ hai nước.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiếp tục đàm phán vào lúc 3 giờ 23.8 sau khi phiên đối thoại đầu tiên sau gần một năm không mang lại kết quả rõ ràng.

Cuộc đàm phán đầu tiên bắt đầu vào khoảng 6 giờ 30 chiều 22.8 sau khi Bình Nhưỡng ra tối hậu thư yêu cầu Seoul phải tháo dỡ các loa tuyên truyền tại khu vực phi quân sự (DMZ).

Bình Nhưỡng tuyên bố đã lệnh cho quân đội sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện nếu Seoul không có động thái xuống nước.

Một quan chức giấu tên từ chính phủ Hàn Quốc cho biết Seoul sẽ chỉ ngừng các chương trình phát thanh trên nếu cuộc đàm phán hai bên đưa ra một kết quả có thể chấp nhận.

Bế tắc giữa 2 miền Triều Tiên cũng xảy ra đúng lúc cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn đang diễn ra.

Ngày 21.8 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ và quan ngại sâu sắc về diễn biến trên bán đảo gần đây.

Trong khi đó, tờ Hoàn cầu thời báo đã cố gắng làm giảm nhẹ nguy cơ xung đột trong một bài xã luận: "Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều không sẵn sàng để bắt đầu một cuộc chiến tranh tổng lực. Không ai muốn khơi mào một cuộc chiến tranh.

Nhiều khả năng, kết quả sẽ là không có cuộc chiến nào bùng nổ, căng thẳng sẽ được xoa dịu giống như những lần trước. Sau tất cả, sự leo thang căng thẳng chẳng đem lại lợi ích cho bên nào".

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 21.8 ngay lập tức đăng một tuyên bố đáp trả lại lời "dạy bảo" Bắc Kinh: "Chúng tôi đã tự kiềm chế trong suốt mấy thập niên qua. Bây giờ bất cứ ai nói về tự kiềm chế đều chẳng giúp ích gì cho việc kiểm soát tình hình".

Diễn biến trên cho thấy sự lạnh nhạt giữa Triều Tiên với Trung Quốc, mối quan hệ mà trước đây gần như là duy nhất của Triều Tiên.

Tuy nhiên kể từ khi lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, ông đã chủ động "tránh xa" Bắc Kinh, thậm chí là xử tử người dượng rể được cho là một quan chức thân Trung Quốc hàng đầu.

Trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, nếu như Seoul lập tức thông báo cho Mỹ và các bên liên quan diễn biến tình hình thì người ta không thấy dấu hiệu nào về việc Bình Nhưỡng trao đổi với Bắc Kinh, trong khi đó Triều Tiên đã sớm phái một Thứ trưởng Ngoại giao sang Moscow để trao đổi về vụ pháo kích.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang sau vụ đấu pháo hôm 20.8 và Bình Nhưỡng tuyên bố cho Seoul 48 giờ để dỡ bỏ các loa phóng thanh phát thông điệp tuyên truyền qua biên giới, nếu không sẽ có các hành động quân sự mạnh tay.

Hiện thời hạn này đã qua nhưng chưa có sự cố nào xảy ra và hai bên đang có các cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại