TT Obama chuẩn bị cho tham vọng 1 tỉ USD "hậu Nhà Trắng" thế nào?

My Lan |

"Tôi chưa có kế hoạch gì trong 10 năm tới. Nhưng tôi biết điều phải làm ngay sau khi tổng thống kế nhiệm tôi nhậm chức. Tôi sẽ ở bãi biển nào đó và nhâm nhi nước dừa".

Bữa tối kéo dài tới 2 giờ đêm

Bữa tối tại Nhà Trắng kéo dài mãi tới tận nửa đêm khiến tỉ phú Reid Hoffman, ông chủ mạng xã hội nghề nghiệp Linkedln, ái ngại tới mức phải cất lời đề nghị Tổng thống Obama nên đi nghỉ.

"Hãy cứ vô tư mà đuổi chúng tôi về", ông Hoffman vừa nói vừa đùa với Tổng thống.

Song Tổng thống Mỹ dường như chỉ vừa mới bắt đầu câu chuyện. Ông đáp lời: "Khi nào đến lúc thì tôi sẽ đuổi ông đi". Thế rồi, ông tiếp tục ngồi lại tới tận 2 giờ đêm với vợ mình, bà Michelle, cùng 13 vị khách.

Nhà văn Malcolm Gladwell, một vị khách trong bữa tối một ngày tháng Hai đó nhớ lại, ông Obama "tỏ ra vô cùng thoải mái". Tất cả bọn họ gặp nhau, bàn bạc ý tưởng quanh câu chuyện ông Obama nên làm gì sau khi rời Nhà Trắng.

Ông Obama gần như không hề để lộ bất cứ dấu hiệu nào cho công chúng thấy mình đang gấp rút tính chuyện tương lai.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông đã bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ hậu tổng thống của mình, với kỷ luật nghiêm ngặt và tham vọng gây quỹ - vốn là điều đặc trưng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của mình.

Cùng với Đệ nhất phu nhân và các phụ tá cấp cao, ông Obama đã vạch ra nền tảng cho thời kỳ hậu Nhà Trắng, cùng kế hoạch về khoản tiền vốn mà theo ước tính của họ, có thể phải lên tới 1 tỉ USD.

Số tiền này sẽ được sử dụng cho "thư viện số" đầu tiên của một tổng thống, với công nghệ hiện đại, cũng như gây một quỹ riêng mà khắp nơi trên thế giới đều có thể tiếp cận.

Cùng với chi phí xây dựng, các cộng sự của ông Obama đặt mục tiêu có được ít nhất 800 triệu USD – số tiền mà theo họ là đủ để không phải liên tục gây quỹ như sai lầm của cựu Tổng thống Bill Clinton.

Một cố vấn cấp cao lưu ý, 800 triệu USD chỉ là “sàn”, chứ chưa phải “trần”.

Một trong những địa điểm ở Chicago, nơi mà thư viện của ông Obama dự định sẽ được xây dựng.

Cho tới nay, ông Obama mới chỉ quyên góp được hơn 5,4 triệu USD từ 12 nhà tài trợ. Song các thành viên của quỹ toàn cầu của ông Obama cho hay, nỗ lực thực sự nhằm đẩy mạnh hoạt động gây quỹ sẽ diễn ra sau khi ông Obama rời nhiệm sở.

New York Times thậm chí còn khẳng định, trọng tâm trong kế hoạch hậu tổng thống của ông Obama là tiếp cận với các nhóm người siêu giàu.

Một số cố vấn thân cận của ông này chia sẻ, cuộc nói chuyện trong các bữa tối kéo dài hàng tiếng khiến họ nhớ lại những lần tham vấn riêng của ông Obama với nhà tài trợ và các lãnh đạo trong giới kinh doanh, khi ông này đang tìm cách xây dựng chiến dịch tranh cử.

Cũng tại bữa tối ở Nhà Trắng hồi tháng Hai, ông Obama đã nói với các vị khách rằng ông muốn mang lại cơ hội cho những người trẻ tuổi cũng như thúc đẩy sự tham gia của người dân để giúp chính phủ vận hành tốt hơn.

Trong khi đó, theo New York Times, chính sách ngoại giao với Iran và Cuba mà Tổng thống đương nhiệm đang theo đuổi có thể là nền tảng cho chính sách đối ngoại của quỹ toàn cầu của ông sau này.

Vừa “ẩn dật”, vừa tận dụng báo chí

Quá trình chuẩn bị cho “sự nghiệp” hậu tổng thống bắt đầu một tuần sau khi ông Obama tái đắc cử tổng thống năm 2012, đúng lúc đạo diễn Steven Spielberg và diễn viên Daniel Day-Lewis tới Nhà Trắng quay bộ phim Lincoln.

Những người có mặt tại đó tiết lộ, ông Obama đã say sưa lắng nghe đạo diễn Spielberg nói về cách sử dụng công nghệ để kể một câu chuyện.

Các cố vấn của ông này cho hay, đạo diễn Spielberg sẽ tập trung hỗ trợ ông Obama kể lại quãng thời gian làm ông chủ Nhà Trắng trong những năm tháng sau khi rời nhiệm sở.

Trong các cuộc trò chuyện với cố vấn cùng giới chuyên môn tại Thung lũng Sillicon và Hollywood, ông Obama luôn nhấn mạnh sự phụ thuộc của thư viện số vào công nghệ hiện đại để giúp lan truyền đi câu chuyện cuộc đời của vị tổng thống thứ 43.

Tổng thống Obama và đạo diễn Spielberg trong một bữa tiệc.

New York Times dẫn lời một phụ tá của ông Obama cho hay, tổng thống đương nhiệm quý trọng quyết định xuất hiện có giới hạn của ông Bush, nhưng cũng ngưỡng mộ cách ông Clinton tích cực tận dụng sự chú ý của báo chí với chương trình nghị sự của mình.

"Cảm giác của tôi là ông ấy có thể sẽ là sự pha trộn của cả hai”, David Plouffe, một trong 2 cựu trợ lý thân cận nhất của ông Obama chia sẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái với trang web Tumblr, ông Obama đã ngập ngừng khi được hỏi bản thân mong chờ điều gì trong 10 năm tới.

"Tôi chưa có kế hoạch gì trong 10 năm tới. Nhưng tôi biết điều tôi phải làm ngay sau khi tổng thống kế nhiệm tôi nhậm chức. Tôi sẽ ở bãi biển nào đó và nhâm nhi nước dừa".

Còn các cố vấn của ông Obama dự đoán, ông có thể sẽ sống ở Washington ít nhất là cho tới khi cô con gái thứ hai, năm nay 14 tuổi, tốt nghiệp trung học.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại