Poroshenko hả hê vì đã "loại" Putin, "chung thuyền" với châu Âu

My Lan |

Trong khi Tổng thống Ukraine đang phấn khởi chờ mong cuộc gặp với 2 nhà châu Âu mà không có mặt người đồng cấp Putin, thì ông chủ Điện Kremlin dường như vẫn tỏ ra khá bình thản.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Berlin ngày 24/8 để tìm giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Đây là cuộc họp đầu tiên về vấn đề Ukraine kể từ sau hội nghị thượng định của "Bộ tứ" Normandy - gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp - ở Minsk hồi tháng Hai.

Điều khiến truyền thông và giới chuyên gia xôn xao về sự kiện này chính là sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc họp do Tổng thống Ukraine đề xuất, và 2 nhà lãnh đạo Đức, Pháp cũng đã đồng ý sẽ không mời nhà lãnh đạo Nga tới tham dự.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, động thái trên nhằm đáp trả lại sự cứng rắn của Putin đối với phương Tây cũng như việc Nga được cho là hỗ trợ ly khai ở miền đông Ukraine - bất chấp việc Moscow luôn một mực phủ nhận.

Về lý do cho sự vắng mặt của người đồng cấp Nga trong cuộc họp về Ukraine, Tổng thống Poroshenko thẳng thừng giải thích, ông muốn chứng minh cho Putin thấy rằng, châu Âu đã từ bỏ vị trí trung lập chính thức của mình và nghiêng về Kiev.

Người đứng đầu Ukraine cũng tuyên bố, "mục tiêu mấu chốt của giới chức Ukraine là nhằm tạo ra một cộng đồng quốc tế mạnh mẽ, từ đó tạo lập liên minh" và chống lại Nga.

Một quan chức ngoại giao Ukraine giấu tên cũng nói với AFP rằng:

"Việc bà Merkel và ông Hollande đồng ý với thể thức họp do Kiev đề xuất đã gửi đi một tín hiệu rất quan trọng đối với cả Putin lẫn công chúng phương Tây. Nó cho thấy Đức và Pháp đã cùng trên một chiếc thuyền với chúng tôi".

Tờ Ukraine Today dẫn một nguồn tin từ chính phủ Kiev cho hay, trong cuộc gặp ở Berlin, ông Poroshenko sẽ thể hiện mong muốn thực thi thỏa thuận Minsk và tiếp tục đối thoại với các đối tác phương Tây.

"Một mặt, rõ ràng là cuộc gặp nhằm cho thấy chúng tôi là "bạn bè, cùng chống lại Moscow". Mặt khác, đây là cơ hội để Poroshenko thuyết phục phương Tây rằng Putin đang thổi phồng mọi thứ và rằng không có lý do gì để lo sợ nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Và vì thế, có khả năng ông ấy (Poroshenko) sẽ nêu lên vấn đề toàn cầu hơn là thay đổi thể thức đàm phán, thay thế Minsk và Normandy bằng một thể thức khác".

Về phần mình, tới nay, cả Đức và Pháp đều chưa bao giờ công khai việc đứng về phía Kiev hoặc tuyên bố coi Kremlin là mối đe dọa trực tiếp.

Một nguồn tin ngoại giao ở Paris khẳng định bà Merkel và ông Hollande không hề cố gắng "giữ khoảng cách" với ông Putin cũng như phát động một "cuộc chiến ngoại giao" với Nga.

Phát ngôn viên BNG Đức
Sebastian Fischer
Rõ ràng là chỉ có thể duy trì an ninh ổn định, lâu dài và bền vững với Nga và không chống lại Nga.

Nga vẫn chưa đưa ra bình luận về cuộc họp 3 bên mà không có sự tham gia của nhà lãnh đạo Nga Putin.

Trong khi đó, hãng tin nhà nước Nga Sputnik dẫn lời Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột và Chính trị ở Kiev, ông Mikhail Pogrebinsky cho hay, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ukraine ở Berlin không thể được coi là cuộc họp của nhóm Normandy.

"Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, cuộc gặp này là sáng kiến của Poroshenko và ông ấy đã mời bà Merkel và ông Hollande tới Kiev. Tuy nhiên, họ không tới và vì vậy ông ấy đi đến Berlin".

Sputnik cũng dẫn lời chuyên gia người Ukraine cho rằng ông chủ Điện Kremlin cho rằng Poroshenko khiến Merkel và Hollande phải "đau đầu" bởi ông ta đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo các điều khoản của thỏa thuận Minsk.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại