Thảm sát Paris: Khi tự do ngôn luận tiếp cận ranh giới tôn giáo

Đức Huy |

Trong vụ thảm sát Paris, một câu hỏi được đặt ra: Quyền tự do ngôn luận là không thể phủ nhận, nhưng khi nó tiếp cận ranh giới của tôn giáo, điều gì sẽ đến?

"Quyền tự do ngôn luận là một phần quan trọng trong Hiến pháp nước Mỹ. Chúng tôi không phủ nhận quyền được xuất bản những bức biếm họa này của Charlie Hebdo, chúng tôi chỉ không hiểu tại sao họ lại làm như vậy".

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã phát biểu như vậy hồi năm 2012, sau khi tòa soạn Charlie Hebdo đăng tải bức biếm họa về nhà tiên tri Muhammad, biểu tượng thiêng liêng của Hồi giáo, hành vi bị coi là báng bổ ở mức độ cao nhất đối với người theo đạo này.

Không chỉ có Mỹ đặt dấu hỏi với quyết định của Charlie Hebdo, ngay giới chức Pháp cũng đã cảnh báo tòa soạn không nên xuất bản hình ảnh này. Chính Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khi đó đã gọi đây là một hành động mang tính "khiêu khích".

Tự do ngôn luận hay xúc phạm tôn giáo?

Đây là câu hỏi đã và đang khiến các nhà chức trách phải đau đầu. Quyền tự do ngôn luận là không thể phủ nhận, nhưng khi nó tiếp cận ranh giới của tôn giáo, điều gì sẽ xảy ra?

Họa sĩ Stephanne Charbonnier, hay còn được biết đến với bút danh Charb, luôn khẳng định những bức biếm họa của tòa soạn Charlie Hebdo không hề có ý "báng bổ" Hồi giáo mà nhắm tới những phần tử cực đoan.

"Nếu người Hồi giáo cảm thấy những bức biếm họa của chúng tôi không có gì hài hước, đấy là quyền của họ. Với tôi, Muhammed không linh thiêng. Tôi sống theo luật nước Pháp, tôi không sống theo kinh Q'ran", Charb phát biểu.

Tuy nhiên, với những bức biếm họa theo kiểu nhà tiên tri Muhammad "khóa môi" với họa sĩ hay thánh Allah ngồi xe lăn, không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng người đạo Hồi khi mà tôn giáo của họ cực kì tôn sùng hình ảnh của hai nhân vật trên.

Kinh thánh Qran của Hồi giáo đặt hình ảnh của thánh Allah và tiên tri Mohammad lên vị trí linh thiêng nhất.

Kinh thánh Q'ran của Hồi giáo đặt hình ảnh của thánh Allah và tiên tri Muhammad lên vị trí linh thiêng nhất.

Không chỉ có các phần tử cực đoan phản ứng, mà ngay chính các tổ chức Hồi giáo thiện chí cũng lên tiếng phản đối những bức biếm họa này.

"Những bức biếm họa này là không thể chấp nhận được, tuy nhiên những người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm cũng nên áp dụng các biện pháp phản đối hòa bình", Tổng thư kí liên đoàn Arab Nabil Elaraby phát biểu với Reuters.

Phát ngôn viên đảng Hồi giáo Ennahda của Tunisia cũng gọi những bức biếm họa này là một hành động "gây hấn", đồng thời kêu gọi người Hồi giáo không rơi vào "cái bẫy" này và gây chiến với phương Tây.

Trong nội bộ nước Pháp, một số tổ chức Hồi giáo cũng tỏ ra bất bình trước Charlie Hebdo. Có nhóm còn đâm đơn kiện tòa soạn này với cáo buộc xúc phạm quyền tự do tôn giáo.

Nguy cơ an ninh

Năm 2005, cộng đồng Hồi giáo toàn cầu đã phản đối kịch liệt sau khi một tạp chí châm biếm của Đan Mạch cho đăng tải các bức tranh về nhà tiên tri Muhammad.

Những bức biếm họa này đã châm ngòi cho hàng loạt các vụ bạo động xuất phát từ người Hồi giáo trên khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 50 người.

Kể từ đó, giới chức trách các nước luôn đề cao cảnh giác trước những hình ảnh nhạy cảm có liên quan đến Hồi giáo. Tuy nhiên từ khi Charb về tòa soạn, Charlie Hebdo luôn đi đầu về những ấn phẩm châm biếm nhắm đến các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Bức vẽ ủng hộ Charlie Hebdo treo trước cửa đại sứ quán Pháp tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AFP
Bức vẽ ủng hộ Charlie Hebdo treo trước cửa đại sứ quán Pháp tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AFP

Năm 2013, Charb đã lọt vào danh sách 10 nhân vật bị al-Qaeda truy nã và luôn có cảnh sát đi kèm bảo vệ 24/7.

Nhưng mặc cho những lo ngại và khuyến cáo của các nhà chức trách, người họa sĩ này vẫn cương quyết không từ bỏ quyền tự do ngôn luận của mình.

Những lo ngại đó không may đã thành sự thật với vụ thảm sát hôm 7/1 vừa qua tại tòa soạn của Charlie Hebdo, cướp đi sinh mạng 12 người, trong đó có Charb cùng nhiều họa sĩ tên tuổi khác, và đặt thủ đô Paris vào tình trạng báo động.

Đây rõ ràng là một hành vi khủng bố đáng lên án của các phần tử cực đoan. Nó là hệ quả của một quá trình, một ý đồ trả thù được ẩn giấu dưới khẩu hiệu "đòi lại công lý cho Muhammed vĩ đại".

Tệ hơn, vụ thảm sát này có thể sẽ còn dẫn tới những bất ổn khác trong tương lai, chừng nào ranh giới giữa tự do ngôn luận và tôn trọng quyền tôn giáo còn chưa được phân định rõ ràng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại