Đài truyền hình PBS (Thái Lan) ngày 6/4 dẫn lời anh Mochor - một chủ lao động người Myanmar tại huyện Mae Sot (tỉnh Tak, Thái Lan) cho biết, một số chính trị gia ở Bangkok đã liên hệ với các ông chủ lao động hoặc người môi giới để thuê lao động Myanmar đang làm việc tại các tỉnh Chiang Rai, Chiang Mai tham gia biểu tình chính trị. Theo anh này, các chính trị gia Bangkok cam kết sẽ trả cho mỗi người tham gia biểu tình từ 300-500 bath/ngày (khoảng 9 – 15 USD/ngày).
Trước đó, lo ngại trước các thông tin cho rằng nhiều lao động Myanmar sẽ tham gia biểu tình cùng Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD – hay còn gọi là lực lượng Áo Đỏ) từ 5-7/4, ngày 4/4, Đại sứ quán Myanmar tại Thái Lan đã có thông báo cấm tuyệt đối công dân nước này tham gia biểu tình cùng phe Áo Đỏ.
Người phát ngôn Văn phòng Lục quân Thái Lan cũng cảnh báo rằng, nếu lực lượng cảnh sát và Trung tâm Bảo vệ an ninh nội địa Thái Lan phát hiện bất cứ lao động nước ngoài nào tham gia biểu tình cùng UDD thì sẽ lập tức trục xuất lao động đó về nước.
Theo hãng tin IPS, hiện ở Thái Lan có khoảng 2,5 triệu lao động nhập cư. Trong đó hơn 82% đến từ Myanmar, 8,4% là người Lào và 9,5% là người Campuchia.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/4, có hơn 60.000 người dân ở nhiều tỉnh thành đã kéo về tham gia cuộc biểu tình của UDD tại huyện Phuthamonthon (tỉnh Nakhon Phathom), cách trung tâm thủ đô Bangkok 20 km về phía Tây, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Trong khi đó, hàng nhìn người thuộc lực lượng biểu tình chống chính phủ của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), do ông Suthep đứng đầu tiếp tục biểu tình tại công viên Lumpini, nội đô Bangkok.
Lực lượng an ninh Thái Lan gồm cảnh sát và quân đội đã triển khai 9.000 quân chốt chặn tại các điểm kiểm soát và xung quanh các khu vực biểu tình, nhằm tránh xung đột giữa hai phe xảy ra cũng như phòng tránh lực lượng thứ ba lợi dụng biểu tình để gây bất ổn.