Syria, Snowden: Putin đã thắng, nhưng nước Nga thì thua?

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Nhà nghiên cứu rủi ro chính trị người Mỹ Ian Bremmer cho rằng quyết sách của ông Putin trong các vấn đề quốc tế như khủng hoảng Syria không mang lại gì cho nước Nga.

 	Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Nga Putin.

Rất nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng Tổng thống Putin đã ghi điểm trước người đồng cấp Mỹ Obama trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, và qua đó nâng cao vị thế, hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế. Chính báo giới Mỹ cũng chia sẻ quan điểm này.

Ngày 12/9, trong bài viết với tựa đề "Những điều chưa được nhắc đến trong bài viết của Putin trên New York Times", trang The New Republic cho rằng Tổng thống Nga đang dẫn trước Tổng thống Mỹ với tỷ số 2-0. Một ngày sau đó, hãng CNN cũng đăng trên vị trí số 1 trang chủ bài viết với tiêu đề: "Khủng hoảng Syria: Putin 1 - Obama 0".

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến đi "ngược dòng". Trong một bài viết đăng trên Reuters ngày hôm qua, Ian Bremmer, chủ tịch hãng tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới Eurasia Group, người xây dựng chỉ số rủi ro chính trị toàn cầu đầu tiên được phố Wall sử dụng, cho rằng, trong cuộc khủng hoảng Syria và nhiều sự kiện quốc tế lớn khác gần đây, Putin có thể là người chiến thắng, nhưng nước Nga thì không.

Chúng tôi xin giới thiệu trích lược bài viết của Ian Bremmer đăng trên Reuters. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về những vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay.

Trước khi bài bình luận của Tổng thống Nga được đăng tải trên tờ New York Times (NYT) và trở thành bài viết được nhắc tới nhiều nhất trong vài tháng qua, Putin đã làm bẽ mặt đối thủ của mình là nước Mỹ bằng việc cho kẻ phản bội nổi tiếng nhất nước này, Edward Snowden, cư trú. Sau đó, ông lại đưa ra giải pháp mang tính đột phá giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Thế giới đều cho rằng rằng Putin và Nga đã chiến thắng tuyệt đối.

Nhưng chính xác thì liệu họ có thắng thực sự? Bằng việc bảo vệ Assad, cho Snowden ẩn náu và chuẩn bị cho Olympic Sochi, ông Putin thực sự chỉ đang chuốc thêm nhiều rắc rối. Đối với Tổng thống Putin, đây là mùa hè của những chiến thắng nông cạn bởi ông đã đặt lòng tự trọng và đòi hỏi cá nhân về tính pháp lý quốc tế lên trên lợi ích lớn nhất của quốc gia mình.

Trong vấn đề Syria, rõ ràng là Putin đã khiến hình ảnh của Obama xấu đi. Nga đã nắm vai trò dẫn đầu cuộc đàm phán, giảm tới mức tối đa động lực quân sự của Mỹ và làm suy yếu vị thế chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Tất cả những điều này đều thật tuyệt nếu nhìn nó qua lăng kính của một người hùng đứng hàng đầu trong tầng lớp ưu tú của thế giới. Tóm lại, tôi tin chắc rằng không ai củng cố được quyền lực của mình hơn Vladimir Putin.

Nhưng điều này có ý nghĩa gì với Nga? Sau những cuộc vận động chính trị của Moscow, cái mà Nga có được là Bashar al-Assad. Nga đang gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn với một chế độ liên tục phạm tội ác chiến tranh, một chế độ bị hầu hết các nền dân chủ tiến bộ trên thế giới coi là độc tài tàn bạo. Nga đã thắng, chắc chắn rồi, nhưng đã thắng được thứ mà ít quốc gia muốn - Assad.

Nước này cũng có được thêm Edward Snowden. Một lần nữa, sự khiêu khích của Nga đối với Mỹ sau khi cấp tị nạn cho cựu nhân viên NSA được xem là một chiến thắng lớn đối với Putin. Nhưng nước này được gì? Những mối quan hệ căng thẳng với các quốc gia lớn nhất thế giới, một kẻ phản bội, người dường như không có thông tin mới mẻ nào dành cho họ và thậm chí còn phải sống ẩn dật.

Có lí do để Cuba, Venezuela, Ecuador không muốn Snowden. Nhưng Nga, bằng màn ngoại giao vụng về và sự huênh hoang của mình, lại đứng bên cạnh anh ta. Bây giờ thì họ đang mắc kẹt với nhân vật này. Trong vụ này, Trung Quốc mới là người làm tốt nhất. Họ cho Snowden cư trú vừa đủ để có thể tiếp cận được toàn bộ những thông tin giá trị mà anh ta mang theo rồi sau đó lại để anh ta tới Moscow.

Trong việc đăng cai Olympic Sochi, tưởng như là một chiến thắng vang dội của Nga, nhưng thực tế không phải như vậy. Việc cấm đoán quan hệ đồng giới và vụ bắt giữ, bỏ tù ban nhạc Pussy Riot (vì tội danh "có hành vi côn đồ khi biểu diễn một bài hát nhạo báng Tổng thống Vladimir Putin” - PV) có thể làm chính trị hóa Olympic Sochi. Đó là chưa kể tới những rủi ro về an ninh khi Thế vận hội được tổ chức quá gần với Bắc Caucasus.

Vinh dự đăng cai Thế vận hội Olympic cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho Nga. Tới nay, chi tiêu cho Thế vận hội đang vượt quá 500% ngân sách dành cho nó, và đây là Thế vận hội đắt nhất mọi thời đại. Các hợp đồng hơn 7 tỉ USD được dành cho công ty của một người bạn thời thơ ấu của Putin đã lớn hơn toàn bộ ngân sách cho Thế vận hồi mùa đông năm ngoái ở Vancouver.

Tổng thống Putin chắc chắn đã có quãng thời gian rất thú vị. Ông đã cố gắng củng cố quyền lực đối với người Nga và trên trường quốc tế để tiếp tục ngồi vững trên chiếc ghế Tổng thống. Có vẻ như Putin đã đặt mục đích cá nhân lên trên dân tộc. Và cái mà nước Nga nhận được là gì? Sự giận dữ của siêu cường duy nhất trên thế giới, mối quan hệ chặt chẽ hơn với chế độ Assad, ngân sách dành cho Olympic hoang phí nhất lịch sử - đều là những "phần thưởng" giành được với cái giá quá đắt.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại