Tổng thống Nga Putin đã giải thích lí do ông đích thân viết cho tờ New York Times: "Gần đây, những sự kiện xảy ra xung quanh Syria đã thúc đẩy tôi phải trực tiếp nói chuyện với người Mỹ và các nhà lãnh đạo chính trị của họ. Đây là điều quan trọng phải làm trong tình hình thiếu sự giao tiếp, liên lạc giữa xã hội chúng ta".
Tổng thống Putin kêu gọi sự đồng lòng của người dân Mỹ bằng việc chỉ ra lịch sử quan hệ Nga- Mỹ: "Quan hệ giữa chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Chúng ta đã đối đầu nhau trong thời kì Chiến tranh lạnh. Nhưng chúng ta cũng từng là đồng minh, cùng nhau đánh bại Đức Quốc xã".
Ông Putin lên án kế hoạch tấn công Syria của Mỹ mà không thông qua LHQ: "Chúng ta cần phải dựa vào Hội đồng Bảo an LHQ và tin tưởng rằng việc duy trì pháp luật và trật tự trong một thế giới phức tạp và đầy biến động như hiện nay là một trong số ít cách để giữ cho các mối quan hệ quốc tế không rơi vào hỗn loạn. Luật pháp vẫn là luật pháp, và chúng ta phải tuân theo, dù thích hay không. Theo luật pháp quốc tế, vũ lực chỉ được phép sử dụng trong trường hợp tự vệ hoặc theo quyết định của Hội đồng Bảo an. Bất cứ hành động nào khác đều là không thể chấp nhận được và sẽ trở thành một động thái gây hấn
"Nếu bạn không thể dựa vào luật pháp quốc tế, bạn sẽ phải tìm các cách khác để đảm bảo an ninh của mình. Vì vậy, ngày càng có nhiều nước tìm cách sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là điều hợp lý: Nếu bạn có bom, không ai động vào bạn".
Một mặt, Tổng thống Putin đề cao thành ý của nước Nga về vấn đề Syria: "Ngay từ đầu, Nga đã ủng hộ đối thoại hòa bình nhằm giúp người Syria xây dựng một kế hoạch thỏa hiệp cho tương lai của mình. Chúng tôi không bảo vệ chính phủ Syria, chúng tôi bảo vệ luật pháp quốc tế". Mặt khác, ông lại đưa ra những dẫn chứng cho sự "không hiệu quả và vô nghĩa" của "vũ lực" mà Mỹ đã từng sử dụng ở nước ngoài: "Afghanistan đang quay cuồng, và không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra sau khi lực lượng quốc tế rút đi. Libya đang bị chia rẽ thành các nhóm người, phe cánh. Tại Iraq, nội chiến vẫn đang tiếp diễn, hàng chục người thiệt mạng mỗi ngày. Tại Mỹ, nhiều người đã nhìn ra sự giống nhau giữa Iraq và Syria và đặt hỏi tại sao chính phủ muốn lặp lại sai lầm đó".
Trong trường hợp của Syria, ông Putin đã chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thế giới nếu Mỹ can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông mà ông nói rằng "nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo lớn, ngay cả Đức giáo hoàng" cũng phản đối: "Một cuộc tấn công tiềm năng của Mỹ đối với Syria... sẽ khiến nhiều người vô tội trở thành nạn nhân và căng thẳng leo thang, thậm chí xung đột có thể vượt xa ra ngoài biên giới Syria. Một cuộc tấn công sẽ làm gia tăng bạo lực và gây ra làn sóng khủng bố mới. Nó có thể làm suy yếu những nỗ lực đa phương nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, cuộc xung đột Israel và gây thêm bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi. Nó có thể hất bỏ toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế và gây mất cân bằng".
"Bất kể là các cuộc tấn công mục tiêu như thế nào hay các vũ khí tinh vi ra sao, thương vong là không thể tránh khỏi, bao gồm cả người già và trẻ em, những người mà cuộc tấn công này muốn bảo vệ".
Đồng thời, ông cũng bác bỏ việc Mỹ tấn công Syria nhằm bảo vệ lợi ích của mình: "Hành động can thiệp quân sự thường thấy của Mỹ vào các cuộc xung đột nội bộ của nước ngoài là điều đáng báo động. Nó có nằm trong lợi ích lâu dài của Mỹ không? Tôi nghi ngờ điều đó. Hàng triệu người trên thế giới đang ngày càng thấy Mỹ không phải là một mô hình dân chủ mà chỉ dựa vào sức mạnh vũ lực, tập hợp liên minh dưới khẩu hiệu: "Hoặc là gia nhập với chúng tôi, hoặc là chống lại chúng tôi".
Ông Putin cáo buộc "Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ định Al Nusra Front cùng Quốc gia Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông, chiến đấu chống lại phe đối lập như các tổ chức khủng bố".
Ngay sau những chỉ trích đối với Mỹ, Tổng thống Putin dịu giọng khi ca ngợi động thái Mỹ cân nhắc giải pháp ngoại giao mà Nga đề xuất: "Theo như những tuyên bố của Tổng thống Obama, Mỹ đang xem xét nó như một giải pháp thay thế hành động quân sự. Tôi hoan nghênh sự quan tâm của Tổng thống trong việc tiếp tục đối thoại với Nga về Syria", ông Putin còn bày tỏ thiện chí về mối quan hệ với người đồng cấp Mỹ: "Mối quan hệ công việc và cá nhân của tôi và Tổng thống Obama được bộc lộ bằng sự tin tưởng ngày càng tăng. Tôi trân trọng điều này".
Kết thúc bài viết của mình, Putin cũng không quên "nhắc nhở" Tổng thống Mỹ: "Tôi không đồng ý với quan điểm của ông ấy về sự đặc biệt của người Mỹ khi cho rằng chính sách của Mỹ là "điều khiến nước Mỹ khác biệt". Thực sự rất nguy hiểm khi khuyến khích mọi người cho mình là khác biệt, dù là vì động cơ gì đi chăng nữa. Có nước lớn, nước nhỏ, nước giàu, nước nghèo, nước đã có nền dân chủ lâu đời, nước vẫn đang tìm đường đi tới nền dân chủ. Chính sách của họ cũng khác nhau. Chúng ta khác nhau, nhưng khi chúng ta cầu xin chúa ban phước lành, chúng ta không được quên rằng, Chúa đã tạo ra chúng ta như nhau".
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục, vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!