Cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo tại khu vực vùng núi phía bắc nhìn ra Địa Trung Hải đã đẩy hàng trăm người Alawite ra bờ biển và đánh dấu một thách thức cho Tổng thống Assad nhằm tái khẳng định quyền lực ở miền trung Syria.
Tuy nhiên, Tổng thống Syria đã tăng cường quân đội đến khu vực núi non hiểm trở ở phía bắc Latakia để đẩy lùi cuộc tấn công.
Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria cho biết, lực lượng của Tổng thống Assad đã tái chiếm được tất cả các chốt quan sát quân sự mà phe nổi dậy nắm giữ sau 2 tuần tấn công ác liệt, đồng thời giành lại quyền kiểm soát 9 ngôi làng của người Alawite.
Quân đội vẫn đang cố gắng chiếm lại 2 ngôi làng nữa khiến chiến sự diễn ra ác liệt hôm 19.8. Hãng thông tấn SANA cho hay, quân đội đã "đối phó được với những nhóm khủng bố cuối cùng" trong khu vực và tịch thu vũ khí của họ.
Các nhà hoạt động cho biết, trong 3 ngày đầu tiên của cuộc tấn công, phe nổi dậy đã giết chết 200 người, hầu hết là dân thường, đồng thời khiến hàng trăm người phải chạy khỏi làng. Trong một video nghiệp dư được tung lên mạng hôm 18.8, phe nổi dậy được cho là đã bắn hạ một máy bay quân sự.
Một thủ lĩnh phiến quân cho biết, lực lượng này đã ở cách Qardaha khoảng 20km. Đây là thành phố quê hương của ông Assad và cũng là nơi chôn cất cha ông là Hafez al-Assad- người đã cai trị Syria với bàn tay sắt trong suốt 3 thập kỷ.
Trong một diễn biến khác, một nhóm chuyên gia vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc đã đến Damascus hôm 18.8 sau nhiều tháng trì hoãn và bắt đầu điều tra thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở Syria.
Chính phủ và phe nổi dậy cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học, một động thái mà Mỹ nói rằng vượt "ranh giới đỏ".
Vấn đề vũ khí hóa học ở Syria đã chia rẽ các cường quốc trên thế giới. Hồi tháng 6, Mỹ tin rằng lực lượng của Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô nhỏ, trong khi Nga cho biết phe nổi dậy đã bắn khí độc sarin gần Aleppo hồi tháng 3.
Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc sẽ tới 3 khu vực ở Syria, trong đó có Khan al-Assal ở phía bắc, nhưng hiện chưa rõ bao giờ họ sẽ xuất phát.
Bất ổn ở Syria không chỉ khiến đất nước bị tàn phá, mà còn lôi kéo các quốc gia láng giềng vào cuộc xung đột. Các chiến binh người Sunni ở nước ngoài đã tràn sang Syria để chiến đấu chống ông Assad, trong khi người Shiites ở Lebanon và Iraq tham gia và lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria.
Hơn 20.000 người đã chạy sang miền bắc Iraq kể từ ngày 15.8, nhiều nhất kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ hồi tháng 3.2011. Tổng số người tị nạn chạy khỏi Syria đã lên đến 2 triệu người và tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 tháng qua.