Cuộc gọi bí ẩn lúc nửa đêm
Chỉ hơn 1 năm trước đây, một cựu ca sĩ người Triều Tiên sống lưu vong tại Seoul bắt đầu nhận được những cuộc gọi bí ẩn vào nửa đêm. Sự việc kéo dài hàng tháng, đầu dây bên kia thường không nói gì. Người này nghi ngờ rằng đó là cuộc gọi từ những nhân viên an ninh Triều Tiên: "Tôi không có gì để nói. Tôi quá sợ".
Cũng vào khoảng thời gian đó, gia đình của anh này ở Triều Tiên cũng được một nhân viên an ninh tìm tới, thuyết phục họ khuyên anh quay về nhà. Bố mẹ của anh ta cũng tham gia buổi thuyết giảng cộng đồng mà ở đó, chính quyền hứa hẹn sẽ không có bất cứ hình phạt nào đối với người quay về.
Ảnh của một người Triều Tiên sống lưu vong tại Hàn Quốc.
Một vài người Triều Tiên sống lưu vong ở Seoul (Hàn Quốc) cũng khẳng định, những nhân viên an ninh Triều Tiên đã tìm tới nhà của những gia đình sống ở các vùng quê xa xôi hẻo lánh trong ít nhất là suốt 1 năm qua, động viên và khẳng định với họ rằng người thân của họ sẽ được an toàn.
Thậm chí, một vài người còn nói rằng chính phủ Triều Tiên hứa hẹn tặng cho họ 50 triệu won (tương đương 45.000 USD) và cơ hội xuất hiện trên truyền hình quốc gia ở Bình Nhưỡng nếu họ quay về nước. "Mẹ tôi nói rằng: 'Nếu được tiền, hãy quay lại. Đại tướng Kim Jong Un sẽ đối xử tốt với con'", một người phụ nữ 30 tuổi sống lưu vong ở Seoul cho biết.
Chính sách mới mẻ này của Triều Tiên hoàn toàn trái ngược với những gì mà cố lãnh đạo Kim Jong Il đã làm trong gần 20 năm ông nắm quyền - nghiêm trị những gia đình có người đào tẩu bởi lo sợ họ sẽ kể những câu chuyện gây suy yếu danh dự quốc gia.
Hàn Quốc là "quốc gia không có tình yêu"?
Mặc dù không thể xác định chính xác điều gì xảy ra với người Triều Tiên, song Reuters dẫn lời một nhân viên ngoại giao giấu tên ở Bình Nhưỡng cho biết một nhóm 9 người bị bắt ở Lào hồi tháng 5 khi đang cố gắng chạy tới Hàn Quốc đã được đưa về nhà an toàn. "Họ rõ ràng là đang được đối xử khá tốt từ khi về nhà... Khi những người này về, tất cả họ đều không bị đưa tới nhà tù".
Không chỉ tìm tới tận nhà những gia đình có người lưu vong, trong suốt năm qua, Bình Nhưỡng đã phát sóng 6 cuộc họp báo với sự tham gia của những người lưu vong. Tại đó, những người Triều Tiên trở về nước ăn mặc chỉnh tế, hát bài hát thể hiện lòng trung thành với lãnh đạo.
Tại một cuộc họp báo hồi tháng 11 năm ngoái, Kim Kwang Hyok, một người Triều Tiên lưu vong mới quay về nước, đã gọi Hàn Quốc là "một quốc gia không có tình yêu", còn Pak Jong Suk khẳng định rằng cuộc sống của cô ở Hàn Quốc giống như "nô lệ khốn khổ". Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, Pak đã được cấp nhà mới ở Bình Nhưỡng sau khi quay về.
Các binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc hàng rào dây thép gai phân chia biên giới Hàn - Triều.
Cho Jung Huyn, nghiên cứu sinh tại Viện Thống Nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, người thường xuyên nói chuyện với những người Triều Tiên lưu vong, cho biết: "Những tin đồn về việc chính phủ sẽ thủ tiêu con cháu 3 đời hoặc lính biên phòng sẽ bắn chết bất cứ ai bị bắt quả tang vượt sông đều đã dịu đi rất nhiều... Mặt khác, theo cái gọi là "chính trị nhân từ", chính quyền liên tục gửi đi thông điệp về sự bao dung đối với những người đã bỏ đi trong thời điểm khó khăn".
Song, mặt khác, theo các chuyên gia, Triều Tiên vẫn đang ngày càng thắt chặt an ninh ở biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn cản người Triều Tiên vượt biên.
Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc nhận định: "Bằng cách phát sóng những cuộc họp báo như thế này vào giờ vàng, Triều Tiên đang sử dụng những người lưu vong trở về để tuyên truyền nội bộ".
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!