Đi tìm huyền thoại Thiếu Lâm, ngỡ ngàng gặp cảnh mãi võ, bán thuốc

Chí Quân |

(Soha.vn) - Con đường mòn len lỏi dưới những bóng tùng nghìn năm rêu mốc. Các vị cao tăng “lai vô ảnh, khứ vô hình”, sẵn sàng xả thân để bảo vệ sự thâm nghiêm bất khả xâm phạm của chốn cửa thiền. Đó là những điều ai ai cũng biết khi đọc sách, xem phim về huyền thoại Thiếu Lâm Tự, nhưng lại là thứ chẳng ai tìm ra khi đến thăm chùa Thiếu Lâm ngày nay.

Thiếu Lâm Tự của ngày hôm qua…

Chùa Thiếu Lâm nằm trên núi Tung Sơn, thuộc thị trấn Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, được xây dựng vào năm 495 sau Công nguyên. Chùa là cái nôi của nền võ học Trung Hoa, gắn với một huyền thoại lừng lẫy: Bồ Đề Đạt Ma.

	Một Thiếu Lâm Tự thâm nghiêm, cô tịch trong trí tưởng tượng của nhiều người

Một Thiếu Lâm Tự thâm nghiêm, cô tịch trong trí tưởng tượng của nhiều người

Thiếu Lâm tự còn là nơi ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử Trung Quốc, mấy lần bị san bằng, mấy lần bị phóng hoả, gần đây nhất là bị các Hồng vệ binh đập phá trong Cách mạng văn hoá hồi những năm 1960. Đấy là chưa kể trong 1.500 năm  lịch sử, chùa lúc nào cũng bị dòm ngó, rình rập bởi là nơi lưu giữ những bí kíp chân truyền mà bất cứ hảo hán giang hồ nào cũng thèm muốn.

Và trong mỗi lần binh lửa như thế, không ít sư tăng đã xả thân để bảo vệ đến cùng sự thâm nghiêm bất khả xâm phạm của chốn cửa thiền. Ít nhất là truyền thuyết nói như thế…

…và của hôm nay

Con đường mà trước đây các anh hùng hào kiệt phải đạp tuyết luồn rừng để đến với Thiếu Lâm Tự nay đã được bê tông hoá thênh thang. Từ trung tâm thị trấn có thể ngồi ô tô đi một mạch đến tận gần chùa, nơi có những bãi đỗ xe rộng ngút tầm mắt mà nghe nói, vào mùa du lịch cũng trở thành chật chội.

	Và một Thiếu Lâm Tự trong thực tế, ồn ào, nhốn nháo vì đám đông du khách

Và một Thiếu Lâm Tự trong thực tế, ồn ào, nhốn nháo vì đám đông du khách

Chật cũng phải vì trong 8 năm, từ 1974 đến 1982, tổng lượng khách tham quan chùa chỉ vào khoảng 200.000 người. Vậy mà sau khi bộ phim Thiếu Lâm tự với ngôi sao Lý Liên Kiệt được trình chiếu và làm mưa làm gió trên màn ảnh thế giới, con số này đã tăng đột biến: năm 1982 là 700.000 người, đến năm 1984 đã lên đến 2,6 triệu người.

Từ những năm 1990 trở lại đây, tuy cơn sốt tò mò về huyền thoại Thiếu Lâm tự đã phần nào nguội bớt nhưng mỗi năm cũng có không dưới 1,5 triệu vé tham quan được bán ra.

Không khí của Thiếu Lâm tự hôm nay đã khác xưa. Từ sáng sớm đến chiều tà, Thiếu Lâm tự luôn ồn ào, náo nhiệt bởi những chuyến xe chở đầy du khách đến rồi đi. Bóng áo vàng của các sư tăng lẫn trong lớp lớp màu sắc áo quần thế tục.

Vẫn là dậy sớm, đọc kinh, luyện võ nhưng đời sống của các nhà sư hôm nay đã phong phú hơn nhiều. Trai phòng có tivi, máy điều hoà, điện thoại. Các cao tăng có chức sắc được trang bị máy tính nối mạng. Trong khi đó, các tiểu tăng trẻ tuổi lại tự sắm cho mình máy nghe CD, thậm chí là iPod, iPad. Đa số đều sử dụng điện thoại di động. Một số vị còn có ô tô riêng.

Những tiện nghi này từ đâu mà ra? Chính là từ danh tiếng nghìn năm của Thiếu Lâm huyền thoại cùng với đầu óc sắc bén của các hoà thượng.

72 tuyệt kỹ kinh doanh

Nghe nói, trước kia, để vào được Thiếu Lâm Tự, có người phải quỳ gối ngoài tuyết nhiều ngày ròng rã để chứng tỏ lòng thành, lại có người phải ra sức đánh thắng được các võ tăng giữ cửa. Còn ngày nay, bất cứ ai muốn vào đều được,…miễn là có đủ 100 tệ để mua vé. Mỗi năm, Thiếu Lâm Tự đón hơn 1,5 triệu du khách, nên con số thu về hẳn là không nhỏ.

Một nguồn thu quan trọng khác là biểu diễn võ thuật. Tuỳ theo thời điểm lượng khách đông hay vắng, mỗi ngày, Thiếu Lâm Tự cũng tổ chức từ vài đến vài chục show diễn võ thuật ngay tại sân chùa. Khách muốn xem, đương nhiên phải trả thêm tiền.

	Một show diễn võ thuật ngay tại sân chùa phục vụ du khách

Một show diễn võ thuật ngay tại sân chùa phục vụ du khách

Đó là chưa kể những tour trình diễn dài ngày ở nước ngoài. Cho đến cuối năm 2004, các đoàn võ thuật của Thiếu Lâm tự đã diễn hơn 10.000 suất ở 60 quốc gia trên khắp thế giới. Lợi nhuận thu được cho một suất diễn ở Mĩ và Tây Âu ít ra cũng vào khoảng 80.000 tệ.

Nguồn thu lớn thứ ba chính là tiền công đức. Thiếu Lâm tự càng tham gia vào nhiều hoạt động xã hội thì lượng tiền công đức đổ vào càng nhiều.

Ngoài ra, cũng phải kể đến một số hình thức kinh doanh kiểu “ăn theo” du lịch như bán hàng lưu niệm (do chính các tiểu tăng của chùa đảm trách), tuy không mang lại tiền rừng bạc bể nhưng cũng là một nguồn thu đáng kể.

Cuộc tỉ thí trên thương trường

Để trở thành đệ tử chân truyền của Thiếu Lâm thì không dễ nhưng để có được một giấy chứng nhận đã từng “tu nghiệp” ở Thiếu Lâm thì lại chẳng khó khăn gì. Ấy là vì khắp trong thị trấn Đăng Phong, đâu đâu cũng có những võ đường treo biển “Thiếu Lâm” và nơi nào cũng đảm bảo truyền dạy kungfu Thiếu Lâm chính hiệu, lại được cấp bằng đàng hoàng.

Trong khi đó, chính sư phụ trụ trì Thiếu Lâm tự khẳng định rằng việc nhận đệ tử của chùa vẫn giữ nghiêm ngặt theo truyền thống nghìn năm nay chứ đâu có dễ dàng như vậy.

Dạy võ mà treo biển Thiếu Lâm đã đành, nhưng ngay cả những thứ chẳng liên quan gì đến võ học hay tu hành, người ta cũng dán nhãn Thiếu Lâm cho dễ bán.

Riêng ở Trung Quốc lục địa, vài năm trước, ước tính sơ sơ cũng có đến hơn 100 đơn vị kinh doanh đang ngang nhiên sử dụng thương hiệu Thiếu Lâm cho hàng hoá của mình, dù đó là ô tô, thực phẩm, rượu hay đồ nội thất.

Thậm chí, cách đây hơn chục năm, các sư phụ Thiếu Lâm đã thắng kiện một hãng sản xuất đồ hộp khi họ dám cho ra thị trường loại giăm bông nhãn hiệu Thiếu Lâm.

Trước sự tấn công ồ ạt của “nguỵ phái”, Thiếu Lâm Tự danh môn chính phái đâu thể ngồi yên. Công ty TNHH phát triển công nghiệp Thiếu Lâm Tự, công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình Thiếu Lâm tự Hà Nam, rồi Hiệp hội nghiên cứu võ thuật Thiếu Lâm Tự cùng một số cơ sở kinh doanh khác lần lượt được thành lập dưới sự quản lý trực tiếp của các cao tăng Thiếu Lâm, đứng đầu là trụ trì Thích Vĩnh Tín, người đã từng tốt nghiệp MBA.

	Các vị sư phụ Thiếu Lâm Tự giải đáp thắc mắc cho khách mua thuốc đông y của chùa

Các vị sư phụ Thiếu Lâm Tự giải đáp thắc mắc cho khách mua thuốc đông y của chùa

Trong cơn lốc toàn cầu hoá, vài năm trước, Thiếu Lâm Tự đã thành lập liên doanh với một công ty của Hồng Kông để xuất khẩu bánh ăn chay và trà xanh Thiếu Lâm. Thương hiệu Thiếu Lâm được đăng ký ở Trung Quốc rồi lần lượt ở hàng chục quốc gia khác. Một tạp chí mang tên Thiền và một website được xây dựng để quảng bá các hoạt động của “Thiếu Lâm quốc tự”.

Những người lạc quan có thể hoàn toàn tin tưởng vào tương lai lớn mạnh của một Thiếu Lâm Tự luôn theo kịp thời cuộc. Nhưng những người hoài cổ, có lẽ sẽ còn phải tiếc nuối rất lâu nữa cho một Thiếu Lâm thâm nghiêm, cô tịch và huyền bí trong các pho tiểu thuyết Kim Dung.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại