Putin rút quân ở Syria, Trung Quốc lo bị dồn ép trên biển Đông

Hải Võ |

Việc Tổng thống Nga Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria đã tạo ra thay đổi trong cán cân chiến lược của Mỹ và khiến Trung Quốc chịu thêm nhiều sức ép ở biển Đông.

Hòa dịu với Nga, Mỹ rảnh tay dồn Trung Quốc

Cùng với quyết định rút "lực lượng quân sự chủ yếu" khỏi Syria hôm 15/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quân đội Nga đã hỗ trợ quân chính phủ Syria xoay chuyển cục diện chống khủng bố, tạo điều kiện mở ra tiến trình hòa bình, đạt được "mục tiêu cơ bản ở Syria".

Mặc dù quân đội Nga vẫn duy trì hiện diện, nhưng Moscow đánh giá tình hình Syria về cơ bản là ổn định.

Trang Đa Chiều (Mỹ) hôm 15/3 bình luận, cùng với động thái của Nga, cục diện "tác chiến ở 2 mặt trận" của Mỹ sẽ có chuyển biến và tạo ra ảnh hưởng nhất định về mặt chiến lược đối với Trung Quốc.

Trước khi Nga rút quân, Moscow và Washington đã liên tiếp đạt được nhiều nhận thức chung, điển hình là thỏa thuận đi đến lệnh ngừng bắn 2 tuần ở Syria vừa qua.

Tổng thống Putin cho rút quân ở Syria cũng là tín hiệu rõ nhất cho xu thế hòa dịu giữa Mỹ và Nga.

Các diễn biến tích cực với Nga khiến sức ép của quân đội Mỹ ở Trung Đông giảm đáng kể, từ đó tạo điều kiện cho Mỹ tập trung nhân lực, vật lực vào chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", cụ thể bằng các hành động trên biển Hoa Đông và biển Đông.

Tình hình như vậy sẽ làm gia tăng áp lực lên mưu đồ quân sự hóa mà Trung Quốc đang hung hăng tiến hành ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau vụ Bắc Kinh đưa trái phép tên lửa HQ-9 cùng các máy bay quân sự lên đảo Phú Lâm.

Bên cạnh đó, sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên là xu thế chắc chắn, tạo thành "gọng kìm" nhằm vào Trung Quốc từ hai phía.


Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã điện đàm để thảo luận về kế hoạch rút bớt quân Nga ở Syria, chỉ vài giờ sau tuyên bố bất ngờ của ông Putin. (Ảnh minh họa: Premier.gov.ru/The White House)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã điện đàm để thảo luận về kế hoạch rút bớt quân Nga ở Syria, chỉ vài giờ sau tuyên bố bất ngờ của ông Putin. (Ảnh minh họa: Premier.gov.ru/The White House)

Theo Đa Chiều, nước Mỹ có đủ sức mạnh quân sự và khả năng đầu tư vào một cuộc chiến, nhưng điều họ không muốn là bị "sa lầy" vào chiến sự sau khi tiến hành chiến dịch tấn công của mình.

Đối với Washington mà nói, biển Đông được xem như "cửa đột phá" của nước này trong chiến lược Thái Bình Dương, và sức ép phải gia tăng các biện pháp kiềm chế Trung Quốc đang trở thành áp lực ngày một nặng nề.

Sau hàng loạt thỏa thuận và nhận thức chung đạt được với Nga về vấn đề Syria, Mỹ đã liên tục gia tăng hiện diện ở Tây Thái Bình Dương.

Ngày 27/10, gần 1 tháng sau khi Nga bắt đầu không kích ở Syria, quân đội Mỹ mới chỉ cảnh cáo Bắc Kinh bằng "cuộc tuần tra của tàu USS Lassen ở khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép tại quần đảo Trường Sa".

Sau khi có được cơ chế tin tưởng với Nga, Mỹ đã nhanh chóng điều động tàu sân bay USS Ronald Reagan từ Nhật Bản tiến xuống phía Nam trong tháng 11/2015.

Bất chấp căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ/phương Tây leo thang sau vụ Su-24 Nga bị bắn hạ hôm 24/11/2015, Mỹ và Nga vẫn đẩy mạnh được hiểu biết lẫn nhau, làm áp lực với Mỹ ở biển Đông tiếp tục giảm.

Đỉnh điểm đến tháng 1/2016, khi cuộc đàm phán hòa bình Syria đang được trù bị, cho thấy sự đồng thuận cao của Nga-Mỹ, thì chiến hạm Mỹ không chỉ tiến vào tuần tra quần đảo Hoàng Sa hôm 30/1, mà nhóm tàu sân bay Mỹ John C. Stennis cũng bắt đầu hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.

Thêm vào đó, Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng từ thái độ cứng rắn của Mỹ-Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là ý định bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Mới đây nhất là cuộc tập trận chung trên biển "quy mô lớn nhất trong lịch sử" giữa hai nước, với sự tham gia của 300.000 lính Hàn Quốc và 17.000 lính Mỹ, đang diễn ra. Cuộc tập trận bị Bình Nhưỡng chỉ trích là "mưu đồ thay thế chính quyền Triều Tiên".

Điều này chứng minh rõ hơn tác động tích cực đối với Washington khi tình hình Trung Đông được Nga giúp "hạ nhiệt", hệ quả Mỹ tiến hành hàng loạt động thái mới ở châu Á-Thái Bình Dương là tất yếu.


Hoạt động của tàu sân bay Mỹ ở biển Đông gia tăng sau khi Nga-Mỹ đạt được một số thỏa thuận giảm căng thẳng ở Syria. (Ảnh minh họa)

Hoạt động của tàu sân bay Mỹ ở biển Đông gia tăng sau khi Nga-Mỹ đạt được một số thỏa thuận giảm căng thẳng ở Syria. (Ảnh minh họa)

Mỹ tăng sức ép trên biển Đông

Trong tình hình hiện tại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu sửa đổi, bù đắp các ảnh hưởng tiêu cực từ vấn đề Syria và triển khai các hành động mới trong phạm vi thế lực ở Trung Đông mà Nga-Mỹ vừa "xác lập lại".

Đa Chiều phân tích, bước tiếp theo Washington sẽ đẩy mạnh động thái tăng cường sức ảnh hưởng trong vấn đề biển Đông một cách toàn diện, cả về chính trị, quân sự, kinh tế...

Trong tháng 2/2016, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN diễn ra trong 2 ngày 16-17/2 tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở nam California, Mỹ được đánh giá là một tín hiệu đáng kể về cam kết thể hiện vai trò tích cực hơn của Mỹ trong các vấn đề liên quan đến Đông Nam Á.

Sau đó, Mỹ chủ trương và kêu gọi Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... đóng góp tích cực hơn vào tình hình biển Đông, tạo ra mối lo ngại lớn cho Trung Quốc.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, Washington đã tạo được một "vòng vây" đáng kể trên bình diện chính trị đối với Bắc Kinh ở Tây Thái Bình Dương, chủ yếu thông qua vấn đề biển Đông và vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Dấu hiệu chứng minh sự hiệu quả của thế "gọng kìm" này việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phải thực hiện chuyến thăm Mỹ một tuần sau hội nghị Sunnylands và đi đến đồng thuận với Mỹ về việc gia tăng trừng phạt Triều Tiên.


Tổng thống Mỹ Obama cùng lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao đặc biệt diễn ra tháng 2 ở Mỹ. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Obama cùng lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao đặc biệt diễn ra tháng 2 ở Mỹ. (Ảnh: AFP)

Đa Chiều chỉ ra, các diễn biến thực tế chứng minh khi Nga rút quân ở Syria và đạt được các thỏa thuận với Mỹ, thì kết quả là Bắc Kinh sẽ phải đối diện với tình hình khó khăn nhất trên biển Đông kể từ sự kiện USS Lassen tháng 10/2015.

Điều đó có thể dẫn đến các hành động quân sự hóa hung hăng hơn của Bắc Kinh trên biển Đông, bên cạnh các giải pháp chính trị không thể thiếu.

Giáo sư Đại học nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh hôm 13/3 bình luận rằng quyền chủ động trong vấn đề biển Đông hiện vẫn nằm trong tay Trung Quốc bởi nước này có ưu thế hơn Mỹ về vị trí địa lý và hệ thống cơ sở hạ tầng (trái phép) trong khu vực.

Theo ông này, Mỹ gia tăng "quấy nhiễu" ở biển Đông thì lại càng giúp Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo, cho Trung Quốc lý do đủ sức nặng để bố trí các hệ thống phòng thủ cơ bản.

Ông Kim nói: "Mỹ đến quần đảo Hoàng Sa một lần thì chúng ta đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng (phi pháp-PV) ở Hoàng Sa. Họ đến Trường Sa thêm vài lần thì chúng ta cũng xây xong nhanh thôi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại