Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh sớm tiến hành các vụ thử tên lửa và đầu đạn hạt nhân.
Hiện căng thẳng đang tăng cao trên báo đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức Nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBQ LHQ), được thông qua hồi đầu tháng này nhằm đáp trả việc Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 1 năm nay và phóng vệ tinh mà phương Tây cho là vỏ bọc của một vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng trước.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/3, Nga đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ chống Triều Tiên.
Hãng tin Tass dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết phía Nga không chấp nhận những biện pháp trừng phạt đơn phương đối với bất kỳ quốc gia nào.
Theo bà Zakharova, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên phải là quyết định chung của cả cộng đồng quốc tế và được HĐBA LHQ thông qua, nhằm mục đích cải thiện tình hình và giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt đối với Triều Tiên, cho rằng động thái này của Washington có thể làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Một ngày trước đó, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban bố sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân hôm 6/1 và phóng tên lửa đạn đạo hôm 7/2.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các ngành năng lượng, khai mỏ, dịch vụ tài chính và vận tải của Triều Tiên, cấm xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, công nghệ và các khoản đầu tư mới vào nước này.
Ngày 2/3 vừa qua, HĐBA LHQ cũng đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2270, trong đó áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với Bình Nhưỡng để ngăn cản chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tiếp đó, ngày 8/3, Hàn Quốc cũng công bố một gói các biện pháp trừng phạt đơn phương mới chống Triều Tiên.