Putin: Nền kinh tế Nga tổn thương nghiêm trọng vì TQ yếu kém

Hải Võ |

Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá dầu giảm sâu, trong khi nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, chính là tại... Trung Quốc.

Nga "khốn đốn" vì Trung Quốc

Hãng RIA Novosti (Nga) đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/1 nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu thô sụt giảm mạnh là do sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc cùng với sự dư thừa nguồn cung dầu mỏ.

Đánh giá trên được Putin đưa ra khi ông tham gia Hội nghị toàn thể của Diễn đàn liên khu vực do đảng Mặt trận Nhân dân toàn Nga cầm quyền tổ chức tại thành phố Stavropol.

Diễn đàn năm nay được tổ chức trong 2 ngày 24,25/1 với hơn 600 người tham dự, bao gồm các nhà hoạt động, các chuyên gia cấp khu vực và liên bang, đại diện các cơ quan chính phủ và truyền thông Nga.

Ngoài ra, đại diện Bộ phát triển kinh tế, Bộ lao động, Bộ xây dựng và cơ sở công cộng, Cục chống lũng đoạn... của Nga cũng tham dự Diễn đàn.

Tại đây, Tổng thống Putin nói về vấn đề kinh tế: "Trung Quốc là đối tác, đồng minh của chúng ta. Chúng ta và Trung Quốc có quan hệ tốt, nhưng đáng buồn là mọi người đều biết vấn đề mà họ gặp phải.

Tốc độ tăng trưởng của họ đã 'không lý tưởng' trong một thời gian dài. Chính điều này, cộng thêm kinh tế toàn cầu yếu kém, đã ảnh hưởng tới giá dầu thô. Lượng tiêu thụ năng lượng không đạt được mức mà các chuyên gia đã dự đoán."

Ngay tối 25 (giờ địa phương), giá dầu Brent đã một lần nữa giảm xuống mức dưới 30 USD/thùng, sau khi có sự phục hồi nhẹ trước đó, do báo cáo của Iraq nói rằng sản lượng dầu mỏ tháng 12/2015 "đạt mức kỷ lục".

Trang Guancha Syndicate (Trung Quốc) cho hay, nền kinh tế Nga đã đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng, sau khi Mỹ và đồng minh cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai miền Đông Ukraine.

Năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3.7%, tổng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp "bốc hơi" 3.3%, trong khi lạm phát tăng 12.7%.

Giá dầu quốc tế giảm sâu đã khiến nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô, bị tổn thất lớn.

Trong khi đó, đồng ruble Nga tiếp tục trượt giá so với đồng USD. Tỷ giá đồng ruble so với USD đã giảm 40% năm 2014 và tiếp tục mất khoảng 20% năm 2015.

Tỷ giá ngày 11/1 vừa qua rơi xuống mức 76,31 ruble/USD, vượt qua mức 76 ruble/USD lần đầu tiên kể từ 16/12/2014.

Tổng thống Nga nói: "Chúng ta có thể giữ thái độ lạc quan một cách thận trọng về nền kinh tế.

Thâm hụt ngân sách thấp hơn so với dự kiến. Theo báo cáo của Bộ tài chính, con số này vào khoảng 2.6% chứ không phải 3%.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có thặng dư mậu dịch, tức nguồn thu từ thương mại lớn hơn chi ra. Đồng thời, Nga có quỹ dự phòng khá dồi dào, nợ công thấp."

Ông Putin bổ sung: "Tỷ lệ lạm phát không cao, nợ công thấp là một trong những điều kiện cơ bản để phát triển trong tương lai.

Chúng ta cần phải duy trì điều này và hành động hết sức thận trong trong lĩnh vực xã hội, không làm tăng chi, nhưng vẫn phải bảo đảm mức sống của người dân."


Kinh tế Nga sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2016 vì giá dầu giảm? (Ảnh minh họa: Pixabay)

Kinh tế Nga sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2016 vì giá dầu giảm? (Ảnh minh họa: Pixabay)

Nga tiếp tục khó khăn, Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi?

Theo Guancha Syndicate, giới quan sát cảnh báo, nếu giá dầu thô tiếp tục giảm thì nền kinh tế Nga sẽ còn gặp khó khăn hơn.

Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ, cho dù giá dầu có phục hồi trở lại thì cũng khó cứu vãn được nền kinh tế "đang có đầy lỗ thủng" của Nga.

Cũng tại Diễn đàn trên, Tổng thống Putin cho biết do Moscow áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ sau vụ Su-24 Nga bị bắn rơi hôm 24/11/2015, tại Nga đang "xuất hiện" khoảng 87.000 việc làm trong ngành kiến trúc.

Ông nói: "Theo đánh giá sơ bộ, doanh nghiệp của chúng ta gần đây cần thay thế khoảng 87.000 vị trí. Tuy nhiên, các nhân sự cần chuẩn bị tốt cho công việc, đặc biệt về vấn đề chuyên môn."

Ngoài ra, ông Sergei Pikin - Giám đốc Quỹ Phát triển Năng lượng Nga - gần đây cho biết, Trung Quốc đã tiết kiệm được hàng trăm tỉ USD nhờ giá dầu giảm.

Theo ông Pikin, so với năm 2014, giá dầu giảm năm 2015 giúp các nước tiêu thụ dầu mỏ tiết kiệm khoảng 1.600-1.700 tỉ USD.

Pikin chỉ ra: "Trung Quốc nhập khẩu khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày. Nếu tính theo mức giá 100 USD/thùng thì thực tế mỗi thùng họ đã tiết kiệm được khoảng 70 USD, từ đó có thể tính ra số tiền khổng lồ mà nước này giữ được."

Ông cũng nhấn mạnh, Trung Quốc không chỉ hưởng lợi trong vai trò nước nhập khẩu dầu thô, mà còn là một nước chế biến dầu thô.

Ông cho hay: "Chế phẩm từ dầu mỏ tăng giá nhanh hơn so với dầu mỏ, vì thế Trung Quốc và các quốc gia chế biến dầu thô luôn ở vị trí vô cùng có lợi.

Họ có thể nhập vào lượng dầu thô mỏ tùy ý, sau đó tùy thuộc vào nhu cầu mà xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu đã qua chế biến tới các quốc gia tiêu thụ thứ ba."

Theo thống kê trước đó của Goldman Sachs, sự trượt giá của hàng hóa cơ bản có thể giúp Bắc Kinh tiết kiệm 460 tỉ USD trong năm 2016.

Theo dự đoán của ngân hàng này, riêng giá dầu giảm đã giúp Trung Quốc tiết kiệm đến 320 tỉ USD. Sự giảm giá của các nguyên liệu kim loại, than và nông sản... cũng giúp nước này tiết kiệm đến 120 tỉ USD.

Giới phân tích nhận định, tình hình này có thể giúp Trung Quốc xây dựng lại mô hình kinh tế quốc gia, tập trung đầu tư nhiều hơn và lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng, thay vì trọng điểm phát triển công nghiệp như trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại