Những bức tường thép ở thủ đô Ai Cập

"Những bức tường người" được dựng lên, họ kiên cường bày tỏ sự ủng hộ cựu Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsy.

Cuộc khủng hoảng này chưa biết sẽ dẫn tương lai Ai Cập đi đến đâu, nhưng đa số dân chúng đã than phiền rằng, "lâu lắm rồi, họ không nhìn thấy một ngày bình yên ở Cairo...".

Hàng vạn người Ai Cập ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsy tụ tập ở Cairo để cầu nguyện và mừng lễ Eid al-Fitr tại các địa điểm biểu tình bất chấp những lời cảnh báo của Chính phủ đòi họ rời khỏi các địa điểm này.

Những bức tường thép ở thủ đô Ai Cập
Người Ai cập biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsy.

Người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsy đã bắt đầu xây dựng các bức tường kiên cố xung quanh địa điểm biểu tình ngồi của họ tại Quảng trường Rabaa al-Adaweya, phía Bắc thủ đô Cairo.

Tổ chức Anh em Hồi giáo tối 7.8 đã tiến hành đổ cát, xi măng, thép xung quanh khu vực này để xây dựng bức tường bảo vệ người biểu tình trước lo ngại cuộc biểu tình của họ sẽ bị giải tán trong dịp lễ Eid al-Fitr (kết thúc tháng ăn chay Ramadan) từ ngày 8-10.8.

Cuộc biểu tình ngồi do Anh em Hồi giáo phát động từ trước ngày 30.6 một tuần vẫn kéo dài cho đến nay, gây bất bình cho những cư dân sống gần khu vực này. Họ đã nộp đơn cho cảnh sát cáo buộc Anh em Hồi giáo độc chiếm Quảng trường và đe dọa hòa bình tại khu vực này.

Trong khi đó, những người phản đối ông Morsy cũng tụ tập ở Quảng trường Tahrir ở Cairo, một ngày sau khi Tổng thống lâm thời Adly Mansour nói rằng những nỗ lực của các đặc sứ quốc tế nhằm hòa giải sự chia rẽ chính trị ở Ai Cập đã thất bại.

Ông Mansour quy trách nhiệm cho sự thất bại này cho phong trào Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsy. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã bày tỏ quan tâm khi cho rằng chia rẽ chính trị đã tạo ra một tình trạng bất ổn có thể gây thêm những vụ đổ máu và gây cản trở cho sự hồi phục của kinh tế Ai Cập.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đứng đầu chương trình đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton nói rằng hai phe chống đối nhau ở Ai Cập phải phá vỡ "tình trạng bế tắc nguy hiểm" và thực thi "những biện pháp cụ thể để xây dựng niềm tin."

Các nhà ngoại giao này nói thêm rằng Chính phủ Ai Cập có một trách nhiệm đặc biệt để bắt đầu một tiến trình hòa giải.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 9.8, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập sau khi quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Morsi thuộc phe Hồi giáo có thể châm ngòi cho một cuộc nội chiến.

Phát biểu trên truyền hình Nhà nước Iran nhân lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, ông Khamenei nhấn mạnh: "Chúng tôi quan ngại về những gì đang diễn ra tại Ai Cập. Ngày càng có những dự đoán về một cuộc nội chiến và đó sẽ là một thảm họa với hậu quả thảm khốc"

Ông cũng cực lực lên án tình trạng bạo lực chính trị tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi các phe phái chính trị và tôn giáo ở nước này rút ra bài học từ Syria. Theo ông, sự can thiệp của nước ngoài vào Ai Cập chỉ mang lại đau khổ cho người dân nước này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại