Các công tố viên cho biết họ đang điều tra các đơn kiện về tội do thám, kích động bạo lực và phá hủy nền kinh tế.
Mohammed Morsi - tổng thống dân bầu đầu tiên ở Ai Cập - bị giam lỏng ở một địa điểm bí mật kể từ khi quân đội hạ bệ ông ngày 3/7 song nhà lãnh đạo thất thế này chưa bị buộc tội danh nào.
Trong những ngày gần đây, Washington đã kêu gọi trả tự do cho ông Morsi và yêu cầu giới chức Ai Cập ngừng bắt giữ các lãnh đạo phong trào Tình Anh em Hồi giáo của ông Mosri.
Trong một thông báo, văn phòng công tố viên Ai Cập cho biết họ đã nhận được nhiều đơn kiện nhằm vào Morsi và 8 nhân vật Hồi giáo khác, trong đó có lãnh đạo Tình Anh em Hồi giáo Mohammed Badie, cùng nhiều người khác nữa. Quân đội Ai Cập tuyên bố họ lật đổ Morsi trong một phản ứng hợp lý trước yêu sách chung của hàng triệu người biểu tình chống lại ông này. Tình Anh em Hồi giáo cáo buộc đây là một cuộc đảo chính làm đảo ngược dân chủ. Bất ổn ở Ai Cập đã báo động Mỹ cùng nhiều nước bảo trợ khác ở châu Âu.
Những đơn kiện như trên chống lại Morsi là bước đầu tiên trong tiến trình hình sự, cho phép các công tố viên bắt đầu một cuộc điều tra mà có thể dẫn tới nhiều tội danh. Các công tố viên không nói rõ ai là người đâm đơn kiện. Luật pháp Ai Cập cho phép họ điều tra các đơn kiện từ cảnh sát hoặc bất cứ ai trong dân chúng.
Khi được hỏi về việc thông báo các cuộc điều tra hình sự chống lại Morsi, Badie và những người khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: "Tôi không thể nói chi tiết về cuộc điều tra này, nhưng nhìn chung chúng tôi đã nói rõ về sự cần thiết phải tuân thủ đúng tiến trình, tôn trọng luật pháp, tránh các cuộc điều tra và bắt giữ bị chính trị hóa".
Ngày 13/7, Phong trào Tình Anh em Hồi giáo kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình rộng khắp, tiếp sau một tuần bạo lực với ít nhất 90 người thiệt mạng trên toàn quốc. Tổ chức này tuyên bố sẽ không rời đường phố cho đến khi ông Morsi được phục hồi quyền lực. Hôm trước đó, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường hưởng ứng những gì mà Tình Anh em Hồi giáo gọi là "ngày tuần hành". Đến sớm hôm sau, họ giải tán dần song hàng trăm người vẫn tiến đến khu vực Bộ Quốc phòng.
Những người phản đối Morsi nói rằng các cuộc biểu tình này nhỏ hơn so với làn sóng biểu tình phản đối vốn đã khiến ông bị hạ bệ.