Ai Cập hậu đảo chính:Vì sao "Hoa Nhài" sớm nở tối tàn?

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã bị lật đổ, đánh dấu sự thất bại của cuộc Cách mạng Hoa Nhài bùng nổ cách đây 2 năm.

Ngày 30/6, hàng triệu người Ai Cập đã tràn xuống các đường phố thể hiện quyết tâm lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi trong ngày kỉ niệm 1 năm nắm quyền đầy sóng gió của ông. Trên khắp thủ đô Cairo, đâu đâu cũng có tiếng hô vang "Hãy từ chức!"của những người biểu tình. Trong khi đó, Tổng thống Morsi nhấn mạnh đối thoại là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng.

Ai Cap hau dao chinh Vi sao Hoa Nhai som no toi tan
Ai Cập đã phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi ngày 4/7/2013

Ngày 4/7, Quân đội Ai Cập tuyên bố đã lật đổ Tổng thống Morsi và cống bố sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi chính trị với sự hỗ trợ của phần lớn các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và tầng lớp trẻ ở đất nước. Ngay sau đó, Chủ tịch tòa án hiến pháp tối cao Adly Mansour trở thành tổng thống lâm thời của đất nước, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng lâm thời và một chính phủ kỹ trị cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới được tổ chức.

Sau bài phát biểu của Tướng lĩnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi, hàng trăm ngàn người biểu tình chống Morsi ở quảng trường Tahrir trung tâm Cairo đã bùng nổ và reo hò ủng hộ, bắn pháo hoa và vẫy cờ ăn mừng chiến thắng. Quang cảnh này gợi nhớ đến cuộc cách mạng Hoa Nhài đã xảy ra cách đây hai năm rưỡi, khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng 2/2011. Ông Mubarak đã buộc phải từ chức sau cuộc biểu tình kéo dài tới 18 ngày của người dân Ai Cập, yêu cầu phải thay đổi một nhà nước dân chủ vỏ bọc trở thành một nhà nước dân chủ thực sự.

Mục tiêu của Cách mạng Hoa Nhài đã thất bại?

Ai Cập đã phải tồn tại trong một năm đầy sóng gió dưới chế độ quân sự cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng hồi năm ngoái đã đưa Mohammed Morsi, người có lập trường Hồi giáo bảo thủ, lên nắm quyền với 51,7% phiếu bầu.

Tuy nhiên, Tổng thống Morsi không thể tại vị quá 1 năm khi mỗi ngày những chỉ trích về ông một nhiều. Cuối cùng, chính quân đội đưa đến cho ông cơ hội để trở thành tổng thống cũng đã quay lưng lại và hạ ông xuống khỏi chiếc ghế này.

Cái đích của Cách mạng Hoa Nhài là mong muốn Ai Cập sẽ có được một nền dân chủ thực sự. Tuy nhiên, những gì trong một năm qua mà ông Morsi đã làm không đem lại được bất cứ sự khả quan nào cho một tương lai dân chủ ở đất nước Ả Rập này.

Ai Cap hau dao chinh Vi sao Hoa Nhai som no toi tan
Hình ảnh đầy vinh quang ngày ông Morsi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử của Ai Cập hồi tháng 6/2012

Trong một năm điều hành, trái với việc phải tập trung thay đổi các chính sách kinh tế mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, ông Morsi và nhóm Hồi giáo Anh em đã chỉ cố gắng để củng cố quyền lực và ngày càng “mất dân chủ” trong cách lèo lái con thuyền Ai Cập vượt qua khủng hoảng chính trị.

Tổ chức Anh Em Hồi giáo, cái nôi chính trị của Tổng thống Morsi, là tổ chức Hồi giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở Ai Cập. Đến giờ đây vẫn là tổ chức chính trị mạnh nhất ở nước này. Kể từ khi họ có thể thành lập một đảng chính trị hợp pháp sau cuộc nổi dậy năm 2011, tổ chức này đã chứng tỏ họ có thể huy động một mạng lưới trong dân chúng trên toàn quốc để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống.

Chính vì thế, sau một năm, với sự thiếu kiên nhẫn trong điều kiện đời sống càng lúc càng khắc nghiệt, đa số người dân Ai Cập cho rằng Anh Em Hồi giáo đang dần quay trở lại với chế độ độc tài trước đây của Tổng thống Mubarak và đang muốn “nhuốm màu” Hồi giáo vào hiến pháp của nước này.

Trong số 51,7% số người dân đã bầu cho ông Morsi hồi năm ngoái, không ít người đã quay lưng và quay trở lại tố cáo ông. Cái mà họ mong muốn là dân chủ vẫn chưa thực sự đến với họ, khi mà họ vẫn tiếp tục lún sâu vào suy thoái kinh tế, nghèo khó, thiếu ăn và các vấn đề xã hội không được giải quyết triệt để.

Tương lai mờ mịt

Dân chủ thực sự vẫn chưa trở lại với người dân Ai Cập. Những tưởng Mùa xuân Ả Rập đã đem lại cho họ nhiều hy vọng và niềm tin, thì giờ đây họ đang đạp đổ chính tượng đài mà họ đã vội vàng xây trong một năm về trước.

Tương lai của Ai Cập không sáng sủa hơn sau khi ông Morsi bị phế truất. Một đất nước cần lâu hơn một năm để hình thành được thể chế, cứu vớt nền kinh tế đói nghèo và tìm kiếm một nền dân chủ thực sự, chứ không phải chỉ có những cuộc bầu cử tự do.

Không dám chắc trong tương lai, Ai Cập sẽ không còn những cuộc biểu tình hàng triệu người, đòi lật đổ ngay lập tức một chế độ mà họ dựng lên, bởi nền chính trị nước này vẫn chưa thể thoát thai ra khỏi sự ảnh hưởng của tôn giáo và đảng phái. Người dân sẽ cần phải kiên nhẫn hơn với sự lựa chọn của mình sau cuộc bầu cử tiếp theo.

Ai Cap hau dao chinh Vi sao Hoa Nhai som no toi tan
Cuộc biểu tình kéo dài 4 ngày từ 30 - 4/7/2013 của hàng triệu người dân Ai Cập đã lật đổ chính vị tổng thống mà họ đã bầu lên cách đây 1 năm

Một điều ảnh hướng lớn tới kết cục ngày 4/7 của Ai Cập chính là bởi tình hình kinh tế quá ảm đạm. Nửa dân số Ai Cập sống dưới mức nghèo đói, nửa dân số mù chữ, 40% thất nghiệp, nửa số lương thực phải nhập khẩu, mỗi năm Ai Cập cần 20 tỉ đô la để nền kinh tế không bị hoàn toàn sụp đổ. Để xây dựng được đất nước vững vàng và yên ổn, trước hết người dân phải yên tâm trong chính cuộc sống của mình.

Một chính phủ dân chủ sắp tới sẽ phải quan tâm trước nhất tới tình trạng kinh tế hiện nay của Ai Cập. Phải thay đổi hoàn toàn các vấn đề lớn như: du lịch và đầu tư cạn kiệt, lạm phát tràn lan, cung cấp nhiên liệu bị gián đoạn, cắt điện kéo dài trong mùa hè.

Một nguy cơ lớn khác chính là việc sẽ có một vụ đàn áp thẳng tay để đẩy các nhóm chính trị Hồi giáo ra khỏi đời sống chính trị Ai Cập. Nhóm Khủng hoảng quốc tế cảnh báo, việc dùng bạo lực lật đổ một tổng thống dân sự được bầu một cách dân chủ có nguy cơ phát đi một thông điệp tới những người Hồi giáo rằng họ không còn chỗ đứng trong trật tự chính trị, gieo rắc những nỗi lo sợ trong họ rằng họ sẽ phải hứng chịu một vụ đàn áp đẫm máu khác, và vì vậy có nguy cơ những người ủng hộ ông Morsi sẽ phản kháng bằng bạo lực, và thậm chí là phản kháng một cách liều mạng.    

Điều đáng mừng cho Ai Cập là quân đội vẫn giữ được vai trò trọng tài trong quá trình chuyển giao quyền lực. Hiện tại, Quân đội Ai Cập là một thể chế quân đội vì nhân dân với quyền lực vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Tuy nhiên, việc quân đội dùng vũ lực để phế truất và bắt giam tổng thống còn đang đương nhiệm sẽ tạo ra một tiền đề không mấy tốt đẹp cho chính trường Ai Cập: Đó là ý muốn của dân chúng có thể được thực thi không phải bằng phương pháp dân chủ mà bằng vũ lực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại